IEA 'báo cáo láo', hứng bão chỉ trích từ ngành dầu mỏ
Nhân sự kiện công bố Báo cáo Đánh giá Năng lượng Toàn cầu tuần này, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Fatih Birol, đã lên tiếng bảo vệ tổ chức và khẳng định độ tin cậy của các dự báo từ IEA.

Giám đốc điều hành Fatih Birol lên tiếng bảo vệ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) trước làn sóng chỉ trích từ ngành dầu mỏ. Ảnh Bloomberg
Năm 2023, khi IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ sẽ chững lại, nhiều người đã tỏ ra bất ngờ vì quan điểm này đi ngược với hầu hết các tổ chức khác. "Thẳng thắn mà nói, đây là một dự báo khác biệt so với các tổ chức khác”, ông Birol nói trong cuộc họp báo tuần này. Trong khi nhiều nhà dự báo khác cho rằng nhu cầu dầu sẽ tăng 2 triệu thùng/ngày, IEA chỉ đưa ra con số dưới 1 triệu thùng/ngày, chưa bằng một nửa.
Dự báo này khiến các bên liên quan trong ngành dầu mỏ phản ứng dữ dội. Một nhóm nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ đến từ các bang khai thác dầu đã gửi thư cho IEA, cáo buộc ông Birol đang biến cơ quan này thành "người cổ vũ cho quá trình chuyển đổi năng lượng", và thậm chí đề xuất cắt tài trợ của Mỹ cho IEA.
Tuy nhiên, ông Birol khẳng định rằng các dữ liệu mới nhất đã chứng minh IEA đúng. Báo cáo công bố hôm thứ Hai cho thấy nhu cầu dầu toàn cầu năm 2024 chỉ tăng chưa đến 1 triệu thùng/ngày, đúng như dự báo của IEA.
"Ở IEA, chúng tôi có câu: Dữ liệu luôn chiến thắng", ông Birol nhấn mạnh, đồng thời đáp lại những người chỉ trích: "Trong thế giới ngày nay, khi bất ổn địa chính trị gia tăng và có quá nhiều luồng quan điểm về năng lượng được thúc đẩy bởi những động cơ khác nhau, chúng tôi tin rằng điều quan trọng là phải dựa vào dữ liệu thực tế để thảo luận các vấn đề năng lượng”.
Ông Birol cũng cho biết, tốc độ tăng trưởng nhu cầu dầu chững lại đã khiến tỷ trọng dầu mỏ trong tổng năng lượng toàn cầu lần đầu tiên giảm xuống dưới 30% vào năm 2024, dù nhu cầu năng lượng tổng thể vẫn tiếp tục tăng.
Báo cáo của IEA cũng chỉ ra rằng nhu cầu năng lượng toàn cầu năm ngoái đã tăng gần gấp đôi mức trung bình lịch sử trong thập kỷ trước. Sự gia tăng này chủ yếu do nhu cầu điện bùng nổ để phục vụ hệ thống điều hòa không khí ở các nước đang phát triển, các trung tâm khai thác và trung tâm dữ liệu ở các nước phát triển, cũng như sự chuyển đổi sang xe điện (EV).
"Dù dầu khí vẫn sẽ giữ vai trò quan trọng, nhưng chúng ta có thể nhìn thấy kỷ nguyên điện khí hóa đang đến gần", ông Birol nói.
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu điện năm 2024 tăng nhanh hơn nhiều so với các dạng năng lượng khác. Kết quả này củng cố dự báo trước đó của IEA, rằng thế giới sẽ chứng kiến sự bùng nổ về nhu cầu điện trong ba năm tới. Trong báo cáo thường niên về điện toàn cầu, IEA dự báo từ nay đến năm 2027, nhu cầu điện sẽ tăng trung bình 4% mỗi năm.
Theo IEA, phần lớn sản lượng điện mới để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong năm 2024 đến từ năng lượng tái tạo (gió, nước, mặt trời) và điện hạt nhân – hai nguồn năng lượng ít phát thải carbon.
Năm 2024 đánh dấu năm thứ 22 liên tiếp năng lượng tái tạo lập kỷ lục về công suất lắp đặt mới, một cột mốc quan trọng cho quá trình chuyển đổi năng lượng. Điện hạt nhân cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, và IEA dự báo sản lượng điện hạt nhân toàn cầu sẽ đạt mức cao nhất từ trước đến nay vào năm 2025. Trong khi đó, nhu cầu khí đốt cũng tăng mạnh trong năm 2024, chủ yếu phục vụ cho sản xuất điện. Mặc dù năng lượng sạch đang phát triển với tốc độ kỷ lục, lượng khí thải nhà kính từ ngành năng lượng vẫn tiếp tục tăng trong năm 2024, dù tốc độ tăng đã chậm lại so với năm trước.
"Nếu cần tìm một điểm sáng, đó là chúng ta đang thấy sự tách rời giữa tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng phát thải”, ông Birol nhận định.
Tuy nhiên, ông Birol cảnh báo rằng sự phát triển của công nghệ năng lượng sạch cũng đi kèm những thách thức mới. Dù năng lượng mặt trời và gió gần như vô hạn, nhưng nguồn cung khoáng sản thiết yếu để sản xuất tua-bin gió, tấm pin mặt trời và pin lưu trữ lại không như vậy.
"Khoáng sản quan trọng đang ngày càng trở thành yếu tố then chốt trong ngành năng lượng”, ông Birol nói. Ông nhấn mạnh rằng khai thác và chế biến đồng, lithium, cobalt và các nguyên tố đất hiếm phục vụ công nghệ năng lượng sạch hiện chỉ tập trung ở một số khu vực nhất định.
Ông Birol cảnh báo rằng nhu cầu một số khoáng sản có thể vượt xa nguồn cung ngay từ đầu thập niên tới. Ông cũng khuyến nghị đa dạng hóa nguồn khai thác và chế biến khoáng sản để giảm rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng.
Trong bối cảnh thế giới bước vào một năm đầy bất ổn về năng lượng và địa chính trị, ông Birol khẳng định IEA sẽ tiếp tục cung cấp nguồn dữ liệu khách quan và đáng tin cậy. "Có một điều tất cả chúng ta cần ghi nhớ: Hãy bám sát dữ liệu, bám sát thực tế”, ông nhấn mạnh.