ILO: Thỏa ước lao động tập thể giúp giảm bớt tác động tiêu cực của khủng hoảng Covid
Báo cáo ILO rà soát các thỏa ước lao động tập thể tại 80 quốc gia cho thấy số lượng người lao động tham gia các thỏa ước thương lượng tập thể càng nhiều thì mức chênh lệch tiền lương và bất bình đẳng càng thấp.
Báo cáo đầu tiên của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) trong chuỗi nghiên cứu về đối thoại xã hội, thương lượng tập thể công bố ngày 5/5 cho biết, cách thức này đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc giảm bớt tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng Covid-19.
“Thương lượng tập thể giúp giảm bớt một số tác động đối với tình trạng bất bình đẳng đồng thời củng cố khả năng chống chịu của các doanh nghiệp và thị trường lao động bằng cách hỗ trợ duy trì tính liên tục của hoạt động kinh tế”, theo ILO.
Những thỏa ước lao động mang tính bao trùm ra đời hậu COVID
Các thỏa ước lao động tập thể được ký kết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mô hình làm việc từ xa trong thời kỳ Covid-19 hiện đã phát triển thành các khuôn khổ chung dài hơi hơn để đảm bảo duy trì các phương thức làm việc thỏa đáng đối với các mô hình làm việc khác nhau.
Hiện nay, các thỏa ước lao động tập thể đề cập đến những vấn đề như thay đổi trong tổ chức công việc, đào tạo đầy đủ và các chi phí liên quan đến làm việc từ xa. Một số thỏa ước lao động tập thể còn đề cập đến vấn đề an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.
Một số thỏa ước "điều chỉnh lại" thời gian làm việc, khẳng định thời giờ nghỉ ngơi thông qua "quyền ngắt kết nối", một mặt ấn định về mặt thời gian nhân viên phải giữ liên lạc, mặt khác tăng quyền tự chủ và mức độ kiểm soát của người lao động đối với lịch trình làm việc chủ động của họ.
Các thỏa ước lao động tập thể cũng giải quyết sự bình đẳng về cơ hội của người lao động làm việc ngoài doanh nghiệp và lao động tại chỗ.
Theo nghiên cứu của ILO, những nỗ lực của người sử dụng lao động và người lao động đã tạo nên năng lực thể chế của mỗi quốc gia để tiếp thu, thích ứng và chuyển đổi trong bối cảnh kinh tế hậu đại dịch.
Ông Guy Ryder, Tổng Giám đốc ILO cho biết, thương lượng tập thể đã và đang đóng vai trò quan trọng trong thời kỳ đại dịch, giúp tôi luyện khả năng chống chịu bằng cách bảo vệ người lao động và doanh nghiệp, đảm bảo tính liên tục trong hoạt động kinh doanh cũng như bảo vệ việc làm và thu nhập.
Tổng giám đốc ILO, ông Guy Ryder
Công cụ thiết yếu phục hồi hoạt động kinh tế lấy con người làm trung tâm
Báo cáo của ILO đã rà soát các thỏa ước lao động tập thể và thực hành tại 80 quốc gia có mức độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như khuôn khổ pháp luật và quy định của 125 quốc gia. Qua đó cho thấy số lượng người lao động thuộc diện được bao phủ trong các thỏa ước thương lượng tập thể càng nhiều thì mức chênh lệch tiền lương càng thấp.
Kết quả khảo sát cho thấy, cách thức này cũng có thể góp phần thu hẹp khoảng cách trả lương theo giới.
59% các thỏa ước lao động tập thể thuộc phạm vi nghiên cứu của ILO thể hiện sự cam kết của người sử dụng lao động hay tổ chức của họ và tổ chức đại diện người lao động (đặc biệt là công đoàn) cùng giải quyết bất bình đẳng giới bằng cách đảm bảo trả công bình đẳng cho công việc có giá trị như nhau, đảm bảo chế độ thai sản và nghỉ phép vì lý do gia đình cũng như giải quyết bạo lực trên cơ sở giới tại nơi làm việc.
Theo báo cáo, mức lương, thời gian làm việc và các điều kiện làm việc khác của hơn một phần ba số người lao động ở 98 quốc gia được xác lập thông qua các cuộc thương lượng tập thể tự chủ giữa công đoàn và người sử dụng lao động hay tổ chức của người sử dụng lao động.
Tỷ lệ này lại có sự khác biệt đáng kể giữa các quốc gia, dao động từ trên 75% ở nhiều nước châu Âu và Uruguay đến dưới 25% ở khoảng một nửa số các quốc gia khác.
Nghiên cứu của ILO khẳng định, thương lượng tập thể sẽ là một công cụ cần thiết để đối phó với những thay đổi cơ bản do cuộc khủng hoảng Covid tạo ra đang thách thức cả thế giới việc làm.
Theo ILO, một số quốc gia đã thực hiện các chính sách để đảm bảo công nhận hiệu quả quyền thương lượng tập thể của mọi người lao động, trong bối cảnh dịch bệnh đã tạo ra các hình thức bố trí công việc đa dạng hơn nhiều so với thời điểm trước Covid.
Các hình thức làm việc đa dạng nảy sinh trong khủng hoảng Covid-19 và giãn cách xã hội có thể kể đến như công việc tạm thời; bán thời gian và công việc theo yêu cầu; các mối quan hệ việc làm nhiều bên; các công việc trên nền tảng internet... được thực hiện trong khuôn khổ quan hệ công việc và việc làm khác nhau
Với những căn cứ và số liệu khảo sát, ILO nhận định, thương lượng tập thể là công cụ hỗ trợ hiệu quả quá trình phục hồi các hoạt động kinh tế lấy con người làm trung tâm với hàm ý: người sử dụng lao động và người lao động có tiếng nói chung trong các quyết định và chính sách ảnh hưởng đến họ. Từ đó, thúc đẩy một công cuộc phục hồi toàn diện, bền vững và có khả năng chống chịu trước khủng hoảng.