IMF cảnh báo bất ổn thương mại gia tăng khi Mỹ đưa ra mức thuế quan mới
Hôm thứ Năm (10/7), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, đang theo dõi sát sao các thông báo thuế quan mới nhất của Mỹ, đồng thời nhận định sự bất ổn về triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn ở mức cao và kêu gọi các quốc gia hợp tác xây dựng để tạo điều kiện cho một môi trường thương mại ổn định.

Trong tuần này, Tổng thống Donald Trump đã mở rộng cuộc chiến thương mại toàn cầu với mức thuế mới là 50% đối với đồng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế 50% đối với hàng hóa từ Brazil, cả hai đều có hiệu lực từ ngày 1/8. Ông cũng tuyên bố áp thuế cao hơn đối với 21 quốc gia khác.
"Các diễn biến liên quan đến thương mại đang diễn ra với sự bất ổn vẫn ở mức cao…Các quốc gia nên tiếp tục hợp tác xây dựng để tạo điều kiện cho một môi trường thương mại ổn định và giải quyết các thách thức chung”, một phát ngôn viên của IMF cho biết.
Theo các cuộc khảo sát mới nhất của IMF, những lo ngại về thuế quan trong tương lai của Mỹ đang làm lu mờ triển vọng của các nhà máy trên khắp Mỹ, châu Á và châu Âu, mặc dù một số nhà máy đã có thể vượt qua sự bất ổn và tiếp tục phát triển.
Các nhà phân tích cho biết sự suy yếu tiềm ẩn trong các cuộc khảo sát làm nổi bật những thách thức mà các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách phải đối mặt khi họ cố gắng định hướng các động thái của Tổng thống Trump nhằm thay đổi trật tự thương mại toàn cầu.
Các quan chức chính quyền Tổng thống Trump lập luận rằng mức thuế quan được áp dụng cho đến nay không thúc đẩy lạm phát, và luật cắt giảm thuế được thông qua vào tuần trước sẽ bù đắp hơn bất kỳ tác động tiêu cực tạm thời nào từ các mức thuế bổ sung đang được áp dụng đối với thương mại.
Trước đó vào tháng 4, IMF đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho Mỹ, Trung Quốc và hầu hết các quốc gia, với lý do tác động của thuế quan Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong 100 năm và cảnh báo rằng căng thẳng thương mại gia tăng sẽ tiếp tục làm chậm tăng trưởng.
Hoạt động kinh tế đã cải thiện lên kể từ đó trong bối cảnh tích trữ hàng hóa trước khi áp thuế, và Mỹ và Trung Quốc đã rút lại các mức thuế quan mang tính trả đũa mạnh, điều này có thể báo hiệu một sự điều chỉnh tăng nhẹ trong tăng trưởng kinh tế, dù chỉ là tạm thời. Các nhà kinh tế cho rằng bất ổn vẫn còn cao và mức thuế quan cao hơn sẽ gây áp lực nặng nề hơn trong nửa cuối năm.
IMF cho biết sẽ cung cấp thêm chi tiết khi công bố bản cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới vào cuối tháng 7, trước thời hạn đàm phán thương mại mới là ngày 1/8.
Ba kịch bản xảy ra
Trong đợt áp thuế mới được công bố tuần này, Tổng thống Trump về cơ bản đang dẫn dắt toàn bộ nền kinh tế toàn cầu vào niềm tin rằng thuế nhập khẩu sẽ tạo ra việc làm tại các nhà máy và tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở Mỹ, thay vì lạm phát và suy thoái như nhiều nhà kinh tế dự đoán.
Cách tiếp cận của Tổng thống Trump trái ngược hoàn toàn với cách thức các thỏa thuận thương mại lớn được xây dựng trong nửa thế kỷ qua, với các phiên họp và đàm phán chi tiết đôi khi có thể mất nhiều năm để giải quyết những bất đồng phức tạp giữa các quốc gia.
Theo các chuyên gia phân tích, có 3 kết quả có thể xảy ra đối với canh bạc chính trị và kinh tế này, mỗi kết quả đều có thể định hình lại đáng kể các vấn đề quốc tế và di sản của Tổng thống Trump.
Tổng thống Trump có thể chứng minh hầu hết các chuyên gia kinh tế đã sai và thuế quan có thể mang lại tăng trưởng như đã cam kết. Hoặc Tổng thống Trump có thể lại rút lui về vấn đề thuế quan trước khi có hiệu lực vào ngày 1/8. Hoặc Tổng thống Trump có thể gây tổn hại cho nền kinh tế theo những cách có thể gây bất lợi cho các cộng đồng đã giúp ông trở lại Nhà Trắng vào năm ngoái, cũng như gây tổn hại cho các quốc gia đang chịu bất lợi về tài chính do thuế quan.
Thượng nghị sĩ Ron Wyden cho biết các lá thư của Tổng thống Trump đã "kéo dài thời gian chịu đựng thuế quan", về cơ bản là đóng băng nền kinh tế Mỹ khi các các nhà lãnh đạo nước ngoài và người tiêu dùng không rõ về chiến lược thực sự của Tổng thống Trump về thương mại quốc tế.
“Bằng cách thả nổi mức thuế quan cao tới 40%, thậm chí 100%, chính quyền đã bình thường hóa mức tăng thuế quan lên 25%, nhưng đây vẫn là một trong những động thái áp thuế quan quyết liệt và gây rối loạn nhất trong lịch sử hiện đại…Việc công bố dần dần này có nguy cơ bình thường hóa những gì được xem là mức tăng thuế quan đặc biệt lớn”, Wendong Zhang, nhà kinh tế tại Đại học Cornell cho biết.