IMF đánh giá châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều rủi ro
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa điều chỉnh triển vọng tăng trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2024, tăng thêm 0,1% lên 4,6%. Tuy nhiên, cũng cảnh báo rằng căng thẳng địa chính trị, sự điều chỉnh thị trường bất động sản Trung Quốc và một số yếu tố khác là những rủi ro cần lưu ý.
Trong thông báo điều chỉnh của IMF được Nikkei Asia đăng tải có đoạn: “Châu Á - Thái Bình Dương, triển vọng ngắn hạn hiện tại có phần thuận lợi hơn so với tháng 4/2024. Khu vực này dự kiến đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Sự thay đổi cơ cấu sang lĩnh vực năng suất cao như dịch vụ, hứa hẹn sẽ duy trì mức tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi”.
Nền kinh tế số 3 châu Á là Ấn Độ, IMF nâng dự báo tăng trưởng thêm 0,2% so với tháng 4/2024, lên 7%, nhờ vụ mùa thành công vừa qua cũng như quá trình mở rộng đầu tư cơ sở hạ tầng. Như vậy, Ấn Độ được đánh giá là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Với ASEAN, IMF dự báo sẽ tăng mạnh mẽ lên 4,6% năm 2024 và 4,7% năm 2025, chủ yếu được hỗ trợ bởi nhu cầu nội địa và xuất khẩu cao.
Với nền kinh tế số 1 châu Á là Trung Quốc, nơi tiêu dùng tư nhân nội địa đang trì trệ, IMF hạ dự báo tăng trưởng 2024 xuống còn 4,8% so với mức 5% đưa ra vào tháng 7/2024, do số liệu thất vọng trong quý II.
IMF nhận định cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng 4,4% vào năm 2025, nhờ giảm lãi suất thúc đẩy nhu cầu tư nhân, nhất là ở các nền kinh tế tiên tiến.
Tuy nhiên, IMF cảnh báo, nếu ông Trump đắc cử và áp thuế 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và 10% với tất cả hàng nhập khẩu khác, tình hình có thể sẽ thay đổi. Chúng sẽ làm méo mó dòng chảy thương mại và đầu tư toàn cầu. Do đó, IMF khuyến khích các nền kinh tế chuẩn bị mọi tình huống, và không ngừng củng cố hệ thống thương mại hiện tại, như hoàn thiện quy tắc trong lĩnh vực trợ cấp công nghiệp - nông nghiệp.
Theo IMF, kinh tế ảm đạm của Trung Quốc kéo dài ảnh hưởng tới cả khu vực và thế giới. Hàng giá rẻ dư thừa được trợ cấp của nền kinh tế số 2 thế giới, đang làm suy yếu khả năng cạnh tranh ở các quốc gia chú trọng sản xuất và xuất khẩu, dẫn tới căng thẳng thương mại.
Về vấn đề bất động sản ở Trung Quốc, IMF tin rằng có thể giải quyết thông qua cải cách chính sách tương ứng với từng địa phương. IMF khuyến khích chính quyền trung ương hỗ trợ khoảng 5,5% GDP trong 4 năm để phục hồi.
IMF nhấn mạnh, cải cách chính sách ở Trung Quốc là rất quan trọng, vì kích thích sản xuất và xuất khẩu nhưng thị trường nội địa ảm đạm sẽ làm tăng căng thẳng thương mại với nhiều nước. Tạo điều kiện hồi phục bất động sản và tiêu dùng tư nhân sẽ giảm nhu cầu xuất khẩu và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Nền kinh tế số 2 thế giới cần định hướng lại từ tăng trưởng do xuất khẩu sang tăng trưởng do tiêu dùng nhiều hơn. Như vậy, cần phải đẩy mạnh đầu tư vào cải thiện mạng lưới an sinh xã hội, lương hưu cùng một số lĩnh vực khác.