IMF: Mỹ vẫn là động lực tăng trưởng toàn cầu

Ngày 23/10, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, nền kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục cung cấp phần lớn động lực cho tăng trưởng toàn cầu trong giai đoạn còn lại của năm nay và năm 2025, dẫn đầu là chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã duy trì qua một đợt lạm phát dữ dội và lãi suất cao được sử dụng để kiềm chế nó.

Trong Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của mình, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2024 và 2025 cho Mỹ. Các thị trường mới nổi như Ấn Độ và Brazil cũng nổi bật trong dự báo của IMF, trong khi đó, tăng trưởng đối với Trung Quốc đã được giảm kỳ vọng trong năm nay và giữ nguyên dự báo trong năm tới ở mức thấp hơn xu hướng là 4,5%.

Tuy nhiên, IMF cảnh báo rằng, rủi ro từ xung đột vũ trang, chiến tranh thương mại mới tiềm tàng, tác động từ chính sách tiền tệ thắt chặt do Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác áp dụng để kiềm chế lạm phát vẫn còn nhiều.

Triển vọng Kinh tế thế giới mới nhất của IMF cho biết, những thay đổi này sẽ khiến tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2024 không thay đổi so với mức dự báo 3,2% vào tháng 7, tạo ra một “giai điệu ảm đạm” cho tăng trưởng khi các nhà lãnh đạo tài chính thế giới tập trung tại Washington vào tuần này để tham dự các cuộc họp thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới.

Tăng trưởng toàn cầu dự kiến sẽ đạt 3,2% vào năm 2025, thấp hơn 0,1% so với dự báo vào tháng 7, trong khi tăng trưởng trung hạn dự kiến sẽ giảm xuống mức "trung bình" là 3,1% trong 5 năm, thấp hơn nhiều so với xu hướng trước đại dịch. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre-Olivier Gourinchas cho biết, một số quốc gia đang cho thấy khả năng phục hồi.

"Tin tức về Mỹ theo một nghĩa nào đó là rất tốt. Bức tranh thị trường lao động vẫn khá mạnh mẽ, mặc dù đã hạ nhiệt. Tôi nghĩ rằng rủi ro suy thoái ở Mỹ sẽ giảm bớt phần nào nếu không có cú sốc rất mạnh" - ông Gourinchas cho biết tại một cuộc họp báo ở Washington.

Theo ông Gourinchas, có vẻ như cuộc chiến lạm phát toàn cầu phần lớn đã được xoa dịu, nhưng chính sách tiền tệ có thể "tự động" trở nên quá chặt chẽ nếu lãi suất không được cắt giảm ở một số quốc gia khi lạm phát giảm xuống, điều này sẽ gây áp lực lên tăng trưởng và việc làm.

Mai Phương

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/imf-my-van-la-dong-luc-tang-truong-toan-cau-10292951.html