Jack Ma ca ngợi đối thủ PDD Holdings, yêu cầu Alibaba điều chỉnh hướng đi
Jack Ma kêu gọi Alibaba điều chỉnh hướng đi trong một bản ghi nhớ nội bộ bất ngờ, trong đó tỷ phú sinh năm 1964 kêu gọi thay đổi cơ bản trong toàn bộ công ty mà ông đồng sáng lập cách đây nhiều thập kỷ.
Hầu như không tham gia các hoạt động hàng ngày tại Alibaba kể từ năm 2020, Jack Ma đã khiến các nhân viên bất ngờ hôm 29.11 khi trả lời một bài đăng của họ trên diễn đàn nội bộ tập đoàn.
Trong thông điệp ngắn gọn của mình, doanh nhân 59 tuổi ca ngợi những quyết định được thực hiện những năm gần đây của PDD Holdings, đối thủ cạnh tranh với Alibaba, nhằm giành thị phần từ tay tập đoàn dẫn đầu thương mại điện tử Trung Quốc. Thế nhưng, ông tin rằng Alibaba sẽ thay đổi và “điều chỉnh hướng đi của mình”, theo hãng tin Bloomberg.
Từng là ứng cử viên sáng giá nhất Trung Quốc để trở thành công ty ngàn tỉ USD, Alibaba đang giao dịch ở mức giágần thấp nhất trong năm nay, chỉ bằng một phần nhỏ so với mức đỉnh điểm vào 2020. Alibaba đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn cả bên trong lẫn bên ngoài, do sự phục hồi nền kinh tế chậm hơn dự đoán và các đối thủ mới nổi như PDD Holdings, ByteDance làm suy yếu hoạt động kinh doanh bán lẻ trực tuyến thống trị một thời của họ.
“Mọi công ty vĩ đại đều trải qua giai đoạn khó khăn. Khi kỷ nguyên trí tuê nhân tạo (AI) dành cho thương mại điện tử đang diễn ra, đó là cơ hội cho tất cả mọi người nhưng cũng là thách thức”, tỷ phú người Trung Quốc viết.
Alibaba năm nay đã trải qua một loạt biến động, bắt đầu bằng việc công bố kế hoạch chia tập đoàn thành 6 phần. Giám đốc điều hành Alibaba khi đó là Daniel Zhang đã từ chức và tập đoàn mời hai người bạn thân lâu năm của Jack Ma là Joseph Tsai cùng Eddie Wu để điều hành.
Nhiều tháng sau, cặp đôi này thông báo rằng sẽ gác lại dự án phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và niêm yết bộ phận đám mây trị giá 11 tỉ USD của Alibaba, một quyết định đột ngột đặt ra nghi vấn về hướng đi tương lai của tập đoàn. Đại diện Alibaba đã không trả lời cuộc gọi và tin nhắn tìm kiếm bình luận về vấn đề này.
Brock Silvers, Giám đốc đầu tư của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital, cho biết: “Phản ứng trực tuyến của Jack Ma chắc chắn sẽ làm tăng cảm giác hỗn loạn tại Alibaba. Chiến lược chia tách đang gặp khó khăn, Jack Ma đang giảm sở hữu cổ phần của mình và thông điệp mới nhất từ ông, dù mang ý nghĩa động viên, lại truyền đạt thông điệp một cách nào đó gây mất hứng thú”.
Không rõ Jack Ma nhận thấy nhu cầu thay đổi cấp bách nhất ở đâu, nhưng lời nhắc nhở bất thường của ông cho thấy người đồng sáng lập Alibaba cảm thấy cảm thấy có nhu cầu phải nói chuyện với nhân viên. Tháng này, Jack Ma đã dừng kế hoạch giảm cổ phần của mình tại Alibaba vì giá cổ phiếu không ở mức mà ông hài lòng.
Những bình luận dành cho nhân viên của Alibaba là dấu hiệu mới nhất cho thấy tỷ phú thẳng thắn này đang hoạt động mạnh mẽ công khai hơn sau nhiều năm giữ mình ở phía sau ánh đèn sân khấu, sau cuộc trấn áp toàn diện của chính quyền Trung Quốc với các doanh nghiệp của ông. Jack Ma vừa thành lập một công ty mới chuyên chế biến và bán sản phẩm nông sản mang tên Hangzhou Ma’s Kitchen Food.
Cổ phiếu Alibaba giảm nhẹ ở Hồng Kông sau những bình luận mang tính khích lệ nhân viên của Jack Ma. Điều này đến vài giờ sau khi PDD Holdings báo cáo các kết quả nổi bật khác. Cổ phiếu PDD Holdings, công ty do tỷ phú Colin Huang thành lập, đã tăng 18% sau khi báo cáo doanh thu quý 3/2023 tăng gấp đôi dự kiến, nhờ sự thành công của ứng dụng mua sắm đình đám Temu ở Mỹ cũng như những bước tiến mới tại quê nhà.
Sự tăng trưởng của PDD Holdings vượt xa các đối thủ Trung Quốc, trong đó có Alibaba, nhấn mạnh cách công ty này sử dụng các chương trình khuyến mãi để thu hút người tiêu dùng muốn mua hàng giá rẻ vào thời điểm kinh tế bất ổn. Ngân hàng Goldman Sachs ước tính trong lễ hội mua sắm Ngày Độc thân (11.11) vừa qua, PDD Holdings có thể đã đạt mức tăng trưởng 20% về giao dịch so với mức tăng một chữ số của đối thủ.
Giá trị thị trường PDD Holdings ở mức 176 tỉ USD, hiện đã rất gần với mức 190 tỉ USD của Alibaba, sự chuyển động về tài chính mà trước đây là điều khó tin.
Một phần của sự thăng tiến vượt bậc đó bắt nguồn từ Temu, chỉ trong hơn một năm đã vượt qua Shein về doanh số bán hàng và hiện được coi là một trong những thế lực đột phá hơn trong thương mại điện tử toàn cầu. Áp dụng cùng chiến lược giá rẻ được sử dụng bởi kình địch chính Shein cũng như ứng dụng trong nước Pinduoduo của PDD Holdings, trang web Temu đã mở rộng hoạt động sang nhiều quốc gia.
Ngược lại, Alibaba lần đầu tiên khám phá thị trường nước ngoài với AliExpress, nền tảng tìm nguồn cung ứng Alibaba.com và sau đó là các công ty con quốc tế như Lazada, Trendyol. Song cho đến nay, doanh nghiệp tại Trung Quốc vẫn là nguồn doanh thu lớn nhất bất chấp nhiều năm nỗ lực.
“Xin chúc mừng Pinduoduo vì việc ra quyết định, thực hiện và nỗ lực của họ trong những năm qua. Công ty nào cũng có những ngày vinh quang, nhưng những con người sẵn sàng cải tổ vì tương lai, các tổ chức sẵn sàng trả bất cứ giá nào và sự hy sinh mới là những người thực sự được tôn trọng”, Jack Ma viết.
Hôm 27.11, trang Bloomberg đưa tin Alibaba sẽ đóng cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu điện toán lượng tử. Không những thế, Alibaba tặng luôn phòng thí nghiệm này lẫn trang thiết bị cho Đại học Chiết Giang ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Điện toán lượng tử là lĩnh vực trong ngành khoa học máy tính và vật lý, liên quan đến việc sử dụng các hiệu ứng lượng tử để thực hiện các phép tính. Trong khi máy tính truyền thống sử dụng bit để biểu diễn dữ liệu (bit có thể là 0 hoặc 1), máy tính lượng tử sử dụng qubit, đơn vị thông tin lượng tử có khả năng tồn tại ở cả hai trạng thái 0 và 1 cùng lúc. Điều này dẫn đến một số đặc tính độc đáo của điện toán lượng tử, như khả năng thực hiện nhiều phép tính đồng thời, giải các bài toán phức tạp nhanh chóng hơn so với máy tính truyền thống trong một số trường hợp cụ thể. Các ứng dụng tiềm năng của điện toán lượng tử gồm việc giải các vấn đề tối ưu hóa, mô phỏng phân tử và vật liệu, phân tích dữ liệu lớn.
Việc Alibaba đóng cửa phòng thí nghiệm nghiên cứu điện toán lượng tử sẽ dẫn đến việc cắt giảm khoảng 30 việc làm. Một số người trong đó được Alibaba giúp tìm việc tại Đại học Chiết Giang.
Người phát ngôn của Học viện DAMO, sáng kiến nghiên cứu nội bộ của Alibaba gồm cả phòng thí nghiệm, cho biết học viện sẽ tiếp tục tập trung vào nghiên cứu công nghệ với mục tiêu trở thành người đi đầu trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI).
Một người am hiểu vấn đề nói với Reuters rằng phòng thí nghiệm này với 30 nhân viên chỉ đại diện cho một phần nhỏ trong đội ngũ R&D (nghiên cứu & phát triển) tổng thể của Alibaba.
Nguồn tin Reuters cho biết Đại học Chiết Giang sẽ cố gắng tuyển dụng những nhân viên bị ảnh hưởng để thực hiện nghiên cứu lượng tử của riêng mình.
Học viện DAMO được Alibaba thành lập vào năm 2017 nhằm khám phá, nghiên cứu các công nghệ tiên tiến như AI và học máy. Học viện từng được thúc đẩy nghiên cứu các lĩnh vực như metaverse, robot và thiết kế chất bán dẫn.
Việc đóng cửa phòng thí nghiệm là thay đổi nội bộ mới nhất của Alibaba. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đang trong quá trình tái cơ cấu dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Joseph Tsai và Giám đốc điều hành Eddie Wu.
Tuần trước, rộ tin Alibaba đã bắt đầu cải tổ hoạt động kinh doanh điện toán đám mây của mình bằng cách đưa các chuyên gia kỳ cựu vào vị trí lãnh đạo mới.
Eddie Wu cho biết mỗi hoạt động kinh doanh của Alibaba sẽ đối mặt với thị trường một cách độc lập hơn và họ sẽ tiến hành đánh giá chiến lược để phân biệt giữa hoạt động kinh doanh "cốt lõi" với "không cốt lõi".
Cách đây hai tuần, Alibaba mất khoảng 20 tỉ USD giá trị thị trường do thông báo sẽ không tiến hành tách toàn bộ đơn vị điện toán đám mây sau khi đạt mức tăng trưởng doanh thu 9% trong quý 3/2023, với lý do không chắc chắn về việc Mỹ có hạn chế xuất khẩu chip dùng trong các ứng dụng trí AI sang Trung Quốc hay không.
Tuần trước, Jane Jiang Fang, Giám đốc tài năng của Alibaba, đã cố gắng xoa dịu những lo ngại từ nhân viên trong bài đăng nội bộ lưu ý rằng thật "trùng hợp" khi kế hoạch bán cổ phiếu công ty thuộc quỹ tín thác của gia đình cựu lãnh đạo Jack Ma được tiết lộ cùng ngày gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hủy bỏ kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng đơn vị đám mây. Jane Jiang Fang cũng cho biết Jack Ma chưa bán một cổ phiếu Alibaba nào vì giá chưa đạt mức mà ông tìm kiếm.