Kể chuyện thời chiến bằng hiện vật
Nguyễn Văn Ðược bên những hiện vật mình sưu tầm - Ảnh: QUANG THUẦN
Xuất phát từ tình yêu Tổ quốc, lòng kính trọng lãnh tụ Hồ Chí Minh, một thanh niên thế hệ 9X đã đầu tư công sức và thời gian sưu tầm nhiều hiện vật thời chiến tranh. Hiện một phần ngôi nhà cấp bốn nơi gia đình anh đang ở được dành cho việc trưng bày hiện vật. Anh là Nguyễn Văn Ðược (27 tuổi) ở thôn Phú Lương, xã Hòa Tân Ðông, huyện Ðông Hòa.
TỪ CHUYỆN KỂ CỦA CHA
Những ai đến “bảo tàng” thu nhỏ của anh Ðược tìm hiểu các hiện vật cũng ấn tượng và cảm xúc khó quên về một thời đạn bom hào hùng mà cha ông đã trải qua trong cuộc kháng chiến giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước.
Anh Nguyễn Văn Ðược sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, cha là ông Nguyễn Văn Ðỗ (72 tuổi) tham gia cách mạng, tập kết ra Bắc; mẹ anh - bà Vũ Thị Sửu (72 tuổi), thanh niên xung phong, quê ở Hải Dương - tỉnh kết nghĩa với Phú Yên. Ðược là con út trong nhà. Năm 2013, tiếp nối truyền thống của gia đình, anh lên đường làm nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Trong thời gian trong quân ngũ, anh luôn phấn đấu học tập, rèn luyện và được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Ðảng khi tuổi đời vừa tròn đôi mươi.
Anh giãi bày: “Từ khi còn trên ghế nhà trường, tôi thường nghe cha kể về những câu chuyện trong chiến tranh, công dụng các loại vũ khí mà bộ đội ta đánh quân thù. Ðến khi trở thành người lính Cụ Hồ, tôi càng có điều kiện học tập những bài học tác chiến của bộ đội ta áp dụng trong chiến tranh, tiếp xúc trực tiếp các loại vũ khí, quân trang và đam mê từ khi nào không biết. Vậy là tôi nung nấu ý tưởng sưu tầm các hiện vật thời chiến tranh, hình ảnh Bác Hồ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp... để làm một bảo tàng riêng”.
ÐẾN LẬP “BẢO TÀNG” CHO RIÊNG MÌNH
Sau khi xuất ngũ về lại địa phương vào năm 2016, Nguyễn Văn Ðược bắt tay vào thực hiện ý tưởng sưu tầm hiện vật. Không quản mưa nắng, hễ nghe thông tin người này, người kia ở đâu sở hữu hiện vật thời chiến tranh là anh rong ruổi cùng chiếc xe máy, hoặc bắt xe khách đến tận nơi để hỏi mua về lưu giữ. Ðến nay, anh đã sở hữu nhiều hình ảnh về Bác Hồ, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, cờ giải phóng, huân và huy chương kháng chiến; máy điện đàm, máy đánh chữ, tư trang của bộ đội và cả của địch; phế phẩm súng, đạn, pháo các loại; bản đồ đất nước với chú thích Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam được xếp bằng những đồng tiền xu phát hành từ nửa đầu thế kỷ XX. Ngoài ra, anh còn sưu tầm nhiều tờ tiền giấy, thẻ cử tri, phiếu mua hàng phát hành từ năm 1990 trở về trước.
Các loại huân, huy chương kháng chiến và quân trang của bộ đội ta được anh Ðược sưu tầm, trưng bày tại gia đình - Ảnh: QUANG THUẦN
“Ðể sở hữu những hiện vật này, tôi phải bỏ ra nhiều công sức và thời gian để tìm đến nhiều nơi trong tỉnh, thậm chí vào tận tỉnh Ðồng Nai, TP Hồ Chí Minh mua lại của người khác. Có hiện vật tôi phải đi và nài nỉ nhiều lần, người ta mới bán”, anh Ðược thổ lộ.
Anh Ðược không biết mình đã bỏ ra bao nhiêu tiền để mua những hiện vật, chỉ biết rằng anh đã dành phần lớn thu nhập hàng tháng từ công việc tại Trạm thu phí Hầm đường bộ Ðèo Cả cho việc này. Các hiện vật được anh sắp xếp ngăn nắp, tạo thành một “bảo tàng” hết sức độc đáo và quý giá. Anh nâng niu chúng như một phần máu thịt của mình. “Chúng đều là đồ thật từ thời chiến tranh đấy, tôi kiểm tra kỹ lưỡng rồi mới mua”, anh Ðược khẳng định.
Tham quan “bảo tàng” của anh Ðược, trong hàng trăm hiện vật, tôi ấn tượng với lá cờ đỏ - xanh, sao vàng, với dòng chữ “Lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam - Giải phóng Phú Yên năm 1968”, được treo trang trọng dưới Quốc kỳ; giữa ảnh Bác Hồ và Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Anh cho biết, để sở hữu lá cờ quý này, anh phải dành nhiều thời gian “rỉ tai” một người ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa mới mua được hồi năm 2018.
“ÐỊA CHỈ ÐỎ” CỦA NHIỀU NGƯỜI
Công việc sưu tầm hiện vật thời chiến tranh của anh Nguyễn Văn Ðược thu hút sự quan tâm của nhiều người dân địa phương, trong đó có học sinh. Khi ngắm cờ giải phóng Phú Yên năm 1968, áo trấn thủ, các loại súng, mảnh đạn…, mọi người đều tâm đắc về việc làm ý nghĩa của anh. Em Trần Ngọc Tâm, học sinh THCS, bộc bạch: “Mỗi khi đến nhà chú Ðược, em và nhiều bạn học không chỉ được xem các hiện vật thời chiến tranh, mà còn được chú ấy giải thích về ý nghĩa của từng hiện vật, qua đó giúp chúng em trau dồi thêm kiến thức lịch sử, về truyền thống cách mạng của dân tộc”.
Bắt chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Ðỗ tâm sự: “Tôi luôn ủng hộ con trong việc làm ý nghĩa này. Hiện số lượng hiện vật sưu tầm được và trưng bày tại gia đình còn khiêm tốn, nên tôi khuyến khích con tiếp tục sưu tầm để “bảo tàng” ngày càng thêm phong phú, đáp ứng việc tìm hiểu của mọi người”.
Theo ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND xã Hòa Tân Ðông, khi nghe anh Nguyễn Văn Ðược sưu tầm hiện vật thời chiến tranh, thu hút sự quan tâm của nhiều người, chính quyền địa phương đã cử cán bộ văn hóa thông tin đến tìm hiểu và khuyến khích anh tiếp tục việc làm ý nghĩa này.
Mong muốn lớn nhất của tôi là mọi người ủng hộ công việc sưu tầm hiện vật thời chiến tranh; ngày càng có nhiều bạn trẻ, nhất là học sinh tìm đến “bảo tàng” để tham quan, qua đó hiểu hơn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/234199/ke-chuyen-thoi-chien-bang-hien-vat.html