Kế hoạch mở cửa du lịch Việt Nam
Năm 2022, Việt Nam nỗ lực thực hiện phương án đưa khách ra thế giới và chuẩn bị đón khách quốc tế đến Việt Nam. Cột mốc 15/3 đánh dấu thời điểm mở cửa du lịch hoàn toàn.
Khi đã sát ngày 15/3, kết luận cụ thể về phương án đón khách quốc tế vẫn chưa được công bố. Nhiều doanh nghiệp du lịch mong ngóng kế hoạch cụ thể để sớm chuẩn bị tốt nhất về nhân sự, chương trình, tái khởi động du lịch.
Zing thống kê một số cột mốc quan trọng trong tiến trình mở cửa, khai thông du lịch Việt Nam với thế giới từ đầu năm nay.
1/1: Thí điểm khôi phục đường bay quốc tế
Từ cuối năm 2021, Việt Nam đã lên kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế vào ngày 1/1. Thời điểm đó, văn bản chính thức của Bộ Y tế không phân biệt quốc tịch người nhập cảnh, đều yêu cầu có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trước khi nhập cảnh (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).
Khách đã tiêm đủ liều vaccine, trong 3 ngày đầu kể từ ngày nhập cảnh, phải không đi khỏi nhà hay tiếp xúc với người khác và xét nghiệm PCR vào ngày thứ 3. Nếu kết quả âm tính với SARS-CoV-2, khách tiếp tục theo dõi sức khỏe đến đủ 14 ngày.
Chuyến bay VN853 từ TP.HCM đi Phnom Penh (Campuchia) ngày 1/1 là chuyến bay mở đầu cho kế hoạch khôi phục đường bay quốc tế.
Đến ngày 4/1, Cục Hàng không cấp phép cho các hãng bay Việt khai thác 8 đường bay quốc tế thường lệ theo kế hoạch thí điểm gồm Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Campuchia, Mỹ, Hàn Quốc, Lào, Thái Lan.
Một số du khách Việt tự tìm hiểu và thực hiện chuyến du lịch đến Dubai (UAE), Thái Lan, Campuchia. Các điểm đến này khá cởi mở khi đón tiếp khách nước ngoài.
Tuy nhiên, tần suất khai thác chuyến thấp cộng với nhiều khâu kiểm dịch, xét nghiệm khiến chi phí du lịch bị "độn giá" cao. Chị Hồ Thanh Huyền chia sẻ với Zing quyết định chi hơn 80 triệu đồng cho 2 tuần du lịch Dubai thời điểm đầu năm. Chị chọn mua vé từ một hãng bay ở Singapore đã được cấp phép bay thương mại với giá 26 triệu đồng khứ hồi.
Tương tự, chuyến du lịch Thái Lan bình thường chỉ mất khoảng 6-8 triệu đồng nay nâng giá lên 12-13 triệu đồng bao gồm chi phí xét nghiệm, vé máy bay đắt đỏ.
15/2: Gỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác chuyến bay quốc tế
15/2 đánh dấu cột mốc các chặng bay truyền thống được phục hồi như thời điểm trước dịch Covid-19. Các hãng hàng không bắt đầu tăng tần suất khai thác chuyến mở ra cơ hội phục hồi cho du lịch inbound (đưa khách quốc tế đến Việt Nam), outbound (người Việt đi nước ngoài) sau 2 năm đóng băng.
Đứng trước giai đoạn mới, một số đơn vị lữ hành chuyên tour outbound than khó đón khách do tồn đọng nhiều rào cản. Theo ông Nguyễn Nhất Vũ, Giám đốc Điều hành FIT TOUR, việc gỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác chuyến bay quốc tế là một chuyện nhưng để khôi phục đường bay đến các nước lại là vấn đề khác.
"Việt Nam mở cửa không có nghĩa nước bạn cũng mở cửa. Tôi đơn cử trường hợp Trung Quốc đến nay vẫn chưa đồng ý đón các chuyến bay thương mại thường lệ từ Việt Nam. Dù nối lại đường bay, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn hạn chế đối tượng nhập cảnh để phòng chống dịch", ông Vũ nói.
Du lịch inbound cũng gặp khó khăn nhất định, nhất là việc đứt gãy chuỗi cung ứng đón khách quốc tế. Hướng dẫn viên chuyển nghề, nhà hàng đóng cửa, xe vận chuyển du khách xuống cấp, hỏng hóc vì không được sử dụng thời gian dài.
Sau nhiều tháng thí điểm mở cửa du lịch và khai thác các đường bay quốc tế, 9 tỉnh, thành phố Việt Nam chỉ đón 9.000 khách quốc tế. TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), cho rằng lượng khách này quá khiêm tốn.
Ông Nam khẳng định điều kiện thí điểm mà cơ quan chức năng đưa ra vừa làm khó hành khách, vừa gây khó dễ cho cả ngành hàng không và du lịch.
Ông đề xuất sau dịch, Việt Nam cần cơ chế thoáng, cởi mở hơn với khách quốc tế. Trong khi nước ta vẫn còn loay hoay chốt phương án, Thái Lan đã thí điểm từ tháng 7, đón chính thức khách từ hơn 60 quốc gia từ tháng 11 năm ngoái. Tháng 12, Lào mở cửa với 31 nước, còn Campuchia không cần thí điểm, họ đón khách luôn từ tháng 11.
15/3: Mở cửa hoàn toàn du lịch
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới từ 15/3. Chỉ đạo được đưa ra tại cuộc họp bàn về phương án mở cửa lại hoạt động du lịch sáng 15/2.
Chia sẻ với Zing, các doanh nghiệp nói đây là "ánh sáng cuối đường hầm" mà họ mong chờ lâu nay. Các công ty rục rịch lên kế hoạch đón khách, song song với việc nâng cao chất lượng phục vụ.
Trong buổi họp báo ngày 21/2 của Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất Chính phủ khôi phục chính sách miễn thị thực như trước năm 2020 và chấp nhận test nhanh với du khách.
Cụ thể, ngoài đáp ứng quy định về tiêm vaccine phòng Covid-19 hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19, khách nhập cảnh qua đường hàng không được chọn xét nghiệm bằng phương pháp PCR có giá trị 72 giờ hoặc kết quả test nhanh có giá trị 24 giờ trước khi đến Việt Nam.
Sau khi nhập cảnh, khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng, ngoài ra cần xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh.
Khi có kết quả âm tính, khách được tự do tham gia hoạt động du lịch.
Hôm 26/2, Bộ Y tế có phúc đáp về dự thảo "Phương án mở cửa hoạt động du lịch" của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong đó, không chấp nhận kết quả test nhanh với khách quốc tế, yêu cầu họ không rời khỏi nơi lưu trú trong vòng 24 giờ kể từ khi nhập cảnh.
Bộ Y tế cũng khuyến cáo khách không nên rời khỏi nơi cư trú trong 72 giờ đầu. Trong ngày thứ 2 và thứ 3, nếu muốn rời khỏi nơi cư trú, du khách phải xét nghiệm SARS-CoV-2 hàng ngày (xét nghiệm nhanh hoặc PCR âm tính).
Những quy định ngặt nghèo của Bộ Y tế đưa tương lai của ngành du lịch vào thế khó. Khi được hỏi về khả năng đón khách quốc tế thành công trong dịp 15/3 tới đây, nhiều doanh nghiệp du lịch chỉ lắc đầu ngao ngán.
Đại diện Vietravel khẳng định ít người sẽ chịu bỏ thời gian và tiền bạc đi du lịch ở một quốc gia mà có nhiều điều kiện ràng buộc. Thay vào đó, họ sẽ chuyển hướng tìm hiểu và lựa chọn điểm đến tạo điều kiện thuận lợi cho du khách hơn.
Đến nay, phương án đón khách chính thức vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt và công bố.
Trao đổi với Zing, nhiều đơn vị lữ hành, kinh doanh khu lưu trú cho biết đã sẵn sàng để đón khách. Đa số họ mong muốn sớm được minh bạch các thông tin, quy định, chính sách mới để chuẩn bị tốt nhất cho việc đón khách sau 15/3.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ke-hoach-mo-cua-du-lich-viet-nam-post1302328.html