Kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT được giao trong năm 2024 có thể lên tới 73.000 tỷ đồng
Theo thông tin từ Vụ Kế hoạch và đầu tư (Vụ KH-ĐT) thuộc Bộ GTVT, trong năm 2024 kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT được giao có thể lên tới 73.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn kéo dài từ năm 2023 và vốn bổ sung.
Cụ thể, năm 2024, kế hoạch vốn Bộ GTVT được giao là 59.237 tỷ đồng. Trong thời gian tới, dự kiến, số vốn được kéo dài vốn từ năm 2023 khoảng 4.800 tỷ đồng, bổ sung 8.680 tỷ đồng từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2023.
"Như vậy, tổng kế hoạch vốn năm 2024 có thể được giao lên tới 73.000 tỷ đồng", Vụ KH-ĐT thông tin.
Nhận định tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao là rất lớn, Vụ KH-ĐT lưu ý các chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án (QLDA) cần tập trung, không được chủ quan. Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đang thi công, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư các dự án khởi công mới.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, trong những tháng đầu năm chủ đầu tư/ban QLDA, nhà thầu đã phối hợp nhịp nhàng, đạt được nhiều kết quả nổi bật, đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, góp phần đưa tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Bộ GTVT tiếp tục duy trì cao hơn mức trung bình chung cả nước.
Báo cáo kết quả giải ngân, Vụ KH-ĐT cho biết, trong 4 tháng đầu năm 2024, khối lượng giải ngân của Bộ GTVT ước đạt hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.
Trong tháng 5/2024, các ban QLDA đăng ký giải ngân khoảng 4.978 tỷ đồng. Trong đó, một số ban QLDA đăng ký khối lượng giải ngân lớn như: Ban QLDA 2 (739 tỷ đồng), Ban QLDA 85 (879 tỷ đồng), Ban QLDA 6 (837 tỷ đồng). Các dự án đáng chú ý đang trong quá trình hoàn chỉnh thủ tục trình phê duyệt trong tháng 5 tới gồm: Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; Xây dựng hệ thống thông tin phục vụ quản lý Nhà nước của Cục Đường bộ VN.
Mặc dù đang có tín hiệu tích cực từ công tác giải ngân, nhưng theo nhiều chuyên gia nhận định đây mới là kết quả ban đầu. Phía trước vẫn còn cả chặng đường dài, tương ứng với đó là một lượng vốn rất lớn đang chờ giải ngân.
Theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021 - 2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại Bộ GTVT cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng. Nếu năm nay không giải ngân được hết tổng kế hoạch vốn đầu tư công được giao thì áp lực giải ngân năm sau là khá lớn.
Để thúc đẩy tiến độ giải ngân, nhiều ban QLDA, nhà thầu đang nỗ lực tập trung thi công ngày đêm, "3 ca, 4 kíp", xuyên lễ để đẩy nhanh một số dự án hạ tầng giao thông trọng điểm có thể kể đến như dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam (đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn); dự án Cầu Nhơn Trạch - đường Vành đai 3 TPHCM (TPHCM); dự án đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô (Hà Nội),...