Kéo chính sách hỗ trợ đến gần doanh nghiệp hơn
Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa dù đã đạt được những thành công nhất định nhưng vẫn chưa phát huy hết được tiềm năng của cộng đồng doanh nghiệp này
Chương trình "Lắng nghe và trao đổi" chủ đề "Chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trên địa bàn TP HCM: Thực trạng và giải pháp" do HĐND TP HCM phối hợp Đài Truyền hình TP HCM tổ chức sáng 1-11 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của DN.
Nhiều hỗ trợ mang tính đột phá
Theo số liệu tổng hợp của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, hiện TP HCM có khoảng 430.588 DN nhỏ và vừa, chiếm gần 98% tổng số DN đang hoạt động với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 2.079.198 tỉ đồng, chiếm 30% tổng số vốn đăng ký. Từ năm 2015 đến nay, 16 văn bản của trung ương đã được ban hành về các biện pháp hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Từ đó, TP HCM đã ban hành 20 chính sách hỗ trợ DN trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chương trình đã trở thành thương hiệu riêng của TP.
Đại diện cộng đồng DN, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA), đánh giá cao những chính sách hỗ trợ phát triển DN của TP. "TP HCM luôn trong tốp dẫn đầu cả nước về chỉ số thành phần "Hoạt động hỗ trợ DN" trong bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Trong đó có một số nội dung chính sách đột phá, riêng của TP đã được nhân rộng ra các địa phương khác như: kết nối DN với ngân hàng (NH), kết nối cung - cầu, kích cầu đầu tư, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho DN, bình ổn thị trường…
Ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế tạo máy dược phẩm Tiến Tuấn, cho hay qua chương trình, DN được hỗ trợ vay vốn bù lãi suất một phần, lãi suất phải trả chỉ khoảng 1,5%-2%/năm. "Chương trình đã thể hiện tinh thần đồng hành của TP HCM với DN, cá nhân tôi rất mong chính sách này được mở rộng hơn nữa theo hướng xem xét thêm đối tượng hỗ trợ đối với DN đầu tư các phần mềm quản lý, đầu tư chuyển đổi số hóa…" - ông Vũ Anh Tuấn đề xuất.
Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP, cho biết những năm gần đây, sở này đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng ngày một đơn giản, dễ dàng thực hiện hơn. "TP HCM thu hút cộng đồng DN lớn nhất cả nước với gần 450.000 DN, chiếm 32% tổng DN cả nước. Việc phục vụ tốt lượng DN hùng hậu này là áp lực không nhỏ đối với các sở - ngành. Hiện hầu hết thủ tục đăng ký thành lập DN tại sở đều thực hiện online trên Cổng thông tin quốc gia, DN chỉ cần đến sở một lần để nhận kết quả hoặc đăng ký nhận qua bưu điện. Sở cũng đã rút ngắn 30% thời gian giải quyết hồ sơ của DN, phản hồi hồ sơ online trong vòng 24 giờ, với những hồ sơ liên hệ trực tiếp thì cần 1 ngày rưỡi…
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận hiện vốn cho vay đi vào DN nhỏ và vừa rất lớn, với hơn 74% tổng dư nợ cho vay. Từ đầu năm đến nay, ngành NH đã 3 lần giảm lãi suất. Đến cuối tháng 10, lãi suất cho vay ngắn hạn 5 lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 4,5%/năm, ngang bằng các nước trong khu vực và tương đương lãi suất cho vay bằng ngoại tệ, tạo điều kiện rất thuận lợi cho việc nâng cao năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh và tái thiết hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch.
Ở góc độ địa phương, một số quận - huyện đã linh hoạt, sáng tạo trong việc triển khai các chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Điển hình là quận 5, bên cạnh hỗ trợ DN tiếp cận tín dụng, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thành lập điểm hỗ trợ đăng ký kinh doanh cho DN, hộ kinh doanh; còn xây dựng và tổ chức những chương trình đào tạo, tập huấn đa dạng, bám sát thực tế hoạt động DN và thị trường. Bà Trương Minh Kiều, Phó Chủ tịch UBND quận 5, thông tin thêm mới đây, quận đã phối hợp Hội DN quận 5 tổ chức chương trình "Chợ phiên online quận 5" giới thiệu những đặc sản, sản phẩm nổi bật của quận trong 10 ngày. Kết quả đã có 42.000 lượt truy cập. Dự kiến, chợ phiên này sẽ tổ chức định kỳ hằng quý nhằm giúp kích cầu tiêu dùng và đẩy mạnh việc thương nhân ứng dụng nền tảng thương mại điện tử.
Thủ tục xét duyệt còn rắc rối
Khảo sát thực tế của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cho thấy những chính sách hỗ trợ DN nhỏ và vừa dù đạt những thành công nhất định nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng của cộng đồng DN này trên địa bàn, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của DN trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Tỉ lệ DN tham gia và thụ hưởng các chương trình hỗ trợ chính sách của nhà nước còn ở mức khiêm tốn.
Ông Cao Thanh Bình, Phó trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, phản ánh tình trạng chung là nhiều DN nhỏ, siêu nhỏ chưa tiếp cận được vốn NH, số DN tiếp cận được chính sách kích cầu đầu tư còn ít và phần đông DN đang thiếu mặt bằng sản xuất.
Theo ông Chu Tiến Dũng, chương trình kích cầu đầu tư vốn là "đặc sản" của TP HCM nhưng chúng ta đang xem các dự án vay vốn theo chương trình như dự án đầu tư công, sử dụng ngân sách nhà nước nên thủ tục thẩm định, xét duyệt còn rắc rối, thời gian kéo dài. "Thay vì quản lý theo cách hiện tại, có thể chuyển sang quản lý theo mục tiêu sẽ hiệu quả hơn" - ông Chu Tiến Dũng đề xuất. Hay như chương trình kết nối vay vốn NH đã có kết quả khá tốt nhưng vẫn còn rất nhiều DN khó khăn về tài sản thế chấp. DN mong muốn NH đồng hành thông qua tư vấn, thẩm định dự án và chấp nhận cho DN thế chấp bằng tài sản phái sinh thay vì cho vay và phải bảo đảm bằng vốn vay.
Ngoài ra, ông Chu Tiến Dũng cho rằng điều DN cần hỗ trợ nhất hiện nay là cải thiện thiết chế pháp lý, minh bạch hệ thống tư pháp để hạn chế các hành vi lừa lọc, bảo vệ DN làm ăn chân chính; hỗ trợ DN chuyển đổi số; hỗ trợ kết nối DN với DN và DN với NH; hỗ trợ đào tạo lại, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực; hòa giải thương mại; vay trả lương giữ chân người lao động thời Covid-19…
Ông Nguyễn Viết Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Kỹ thuật tự động ETEC, Chủ tịch Hội DN quận Tân Phú - cho biết hiện DN đầu tư chuyển đổi số hóa, đầu tư phần mềm quản lý DN không được NH cho vay (do đây là những sản phẩm trí tuệ không được xem là tài sản để DN có thể thế chấp vay vốn NH). Vì vậy, ông Toàn mong muốn TP có chính sách hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ, công nghệ số; đổi mới máy móc để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm cho DN.