Keo dán y tế thân thiện với da, tăng độ dính khi có mồ hôi
Thiết bị đeo đã cách mạng hóa lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giúp mọi người theo dõi nhiều chỉ số quan trọng như huyết áp, đường huyết, giấc ngủ theo thời gian thực. Nhưng đeo thiết bị thời gian dài có thể khiến người dùng bị ngứa và kích ứng da.
Đội ngũ nghiên cứu tại Đại học Texas A&M giúp giải quyết vấn đề bằng cách phát triển một loại keo dán thân thiện với da dựa trên phức hợp polyelectrolyte (PEC) - vật liệu dính gốc nước, bám vào da nhẹ nhàng hơn keo gốc dung môi thông thường.
Không như keo dán thương mại gây phát ban hay nổi mẩn đỏ, loại keo này giảm kích ứng và bám dính tốt hơn khi tiếp xúc với độ ẩm trong đó có mồ hôi. Giáo sư kỹ thuật cơ khí Jaime Grunlan (thành viên nhóm nghiên cứu) cho biết: “Theo hiểu biết của chúng tôi, chưa ai sử dụng PEC làm keo dán cho thiết bị y tế đeo được. Chúng tôi đã phát triển và được cấp bằng sáng chế cho một loại PEC đạt độ bám dính tương đương keo 3M Tegaderm mà không khiến da khó chịu”.

Thiết bị đo đường huyết dính trên da - Ảnh: Getty Images
Tác dụng phụ của thiết bị đeo
Thiết bị y tế đeo được ngày ngay thường sử dụng keo dán kị nước nhạy áp lực làm từ acrylate, methacrylate hoặc colophonium, giúp giữ chặt cảm biến trên cơ thể. Mặc dù rất hiệu quả nhưng chúng lại có gốc dung môi dễ gây kích ứng với da nhạy cảm. Ngứa, phát ban hay viêm, đặc biệt nếu đeo thời gian dài, là tác dụng phụ mà chúng gây nên.
Nhóm nghiên cứu Đại học Texas A&M đưa ra giải pháp không tác dụng phụ: keo gốc PEC. Họ còn phát hiện hàm lượng muối tự nhiên trong mồ hôi cải thiện dần độ bám dính của keo - đặc tính khiến PEC đặc biệt phù hợp để sử dụng lâu dài ở điều kiện thực tế.
“Loại keo này nổi bật không chỉ vì tính thoải mái mà còn hiệu suất dính. Nhiều người cho rằng keo dán gốc nước dễ bị rửa trôi hay mất độ bám khi gặp ẩm. Nhưng với phát minh của chúng tôi, mồ hôi làm tăng độ bám”, theo Giáo sư Grunlan.
Keo gốc PEC dùng trên thiết bị đeo được phát triển dựa trên nghiên cứu tạo lớp phủ PEC chống cháy cho vật liệu như xốp, vải, gỗ trước đó. Giáo sư Grunlan cùng đội ngũ nhận thấy tiềm năng ứng dụng phức hợp polyelectrolyte ngoài công nghiệp nên mở rộng sang lĩnh vực y sinh.
Dự án hiện vẫn ở giai đoạn đầu, nhóm đã tiến hành thử nghiệm khả năng tương thích sinh học của keo gốc PEC.