Kết nối di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình du lịch Đắk Lắk
Trao truyền những kỹ năng diễn tấu cồng chiêng và hướng dẫn để cộng đồng 'tự kể' những câu chuyện văn hóa của dân tộc mình, đây là cách mà mô hình Kết nối di sản cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình du lịch di sản đã được triển khai và nhân rộng tại Đắk Lắk.
Thông qua mô hình Kết nối di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình du lịch di sản, người dân được trao truyền những kỹ năng diễn tấu cồng chiêng và hướng dẫn để cộng đồng “tự kể” những câu chuyện văn hóa của dân tộc mình. Qua đó nhằm nâng cao ý thức bảo tồn và kế thừa di sản văn hóa, dùng di sản để phát triển cộng đồng tại Đắk Lắk.
Tự tin biểu diễn các bài chiêng trước du khách, rồi quay phim, chụp ảnh các hoạt động văn hóa và chia sẻ trên các nền tảng mạng xã hội, Y Justin Adrơng, ở buôn Krơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, rất phấn khích. Anh Y Justin chia sẻ: “Tôi được học kỹ năng đánh cồng chiêng, vừa là cách chụp ảnh, quay phim để quảng bá cồng chiêng, rất là bổ ích cho riêng tôi và cho tất cả đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên có trong không gian văn hóa cồng chiêng này. Có những hình ảnh hoặc là kỹ năng, cách để quay phim, chụp hình có thể lấy hình ảnh đó, video đó để chúng tôi giữ gìn và chia sẻ đến mọi người”.
![Người dân sử dụng Photo Voice để tự kể câu chuyện văn hóa của dân tộc mình](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_65_51480566/3e13b88d8bc3629d3bd2.jpg)
Người dân sử dụng Photo Voice để tự kể câu chuyện văn hóa của dân tộc mình
Sử dụng hình ảnh để kể câu chuyện văn hóa của dân tộc, còn gọi là Photo Voice, là một trong các kỹ năng được Cục Di sản Văn hóa, thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai tại Đắk Lắk từ cuối năm 2024 thông qua mô hình kết nối di sản “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk”. Song song đó, học viên còn được tiếp cận những kỹ năng đánh chiêng từ cơ bản đến nâng cao, chỉnh sửa các lỗi thường gặp trong diễn tấu cồng chiêng, tìm hiểu thêm một số bài chiêng cổ của người Êđê,…
Ông Y Bây Kbuôr, ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột cho biết: “Trước đây thì những bài chiêng của người Ê Đê thì không có được học bài bản như đợt lần này. Qua các lớp tập huấn thì bản thân tôi thực sự thấy lớp trẻ có nhận thức cao hơn về tầm quan trọng của cồng chiêng của người Tây Nguyên, đều biết và học những bài chiêng của cha ông mình để lại”.
Mô hình kết nối di sản không gian văn hóa cồng chiêng trong hành trình du lịch là hoạt động trong khuôn khổ Dự án 6, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2030. Tại Đắk Lắk, mô hình thực hiện tại các buôn trong xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột.
![Mỗi Photo Voice là một câu chuyện gần gũi, tự nhiên](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_65_51480566/0e498ad7b99950c70988.jpg)
Mỗi Photo Voice là một câu chuyện gần gũi, tự nhiên
Chỉ sau 1 tháng triển khai, đã có 60 video, hơn 100 hình ảnh do người dân tự thực hiện, là các câu chuyện được kể bằng hình ảnh một cách tự nhiên, gần gũi. Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho rằng, mô hình mới đã phát huy hiệu quả thiết thực đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, hướng đến trở thành nguồn lực cho du lịch cộng đồng.
“Tiếp nối thành công của mô hình lần này, cùng với sự quan tâm của Cục Di sản, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2025, Sở sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn, các địa phương đăng ký tiếp tục thực hiện các mô hình ở các địa phương khác trên tỉnh Đắk Lắk. Sẽ có sự phối hợp chặt chẽ hơn, triển khai nhiều mô hình cùng một lúc, các lớp có thể là tiếp nối nhau cùng với sự tham gia của các chuyên gia, các nghệ nhân” - ông Lại Đức Đại cho biết.
![Mô hình kết nối di sản có sự tham gia truyền đạt của các nghệ nhân nhiều kinh nghiệm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_65_51480566/093080aeb3e05abe03f1.jpg)
Mô hình kết nối di sản có sự tham gia truyền đạt của các nghệ nhân nhiều kinh nghiệm
Cùng với Đắk Lắk, các lớp tập huấn cũng được tổ chức tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và Tây Ninh, dành cho người dân các dân tộc thiểu số. Việc truyền dạy do các nghệ nhân có kinh nghiệm và uy tín trong cộng đồng thực hiện, hướng dẫn bài bản, có kỹ thuật, nghệ thuật diễn xướng. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể, Cục Di sản Văn hóa, khi được trang bị kiến thức, người dân sẽ có thêm kinh nghiệm trong việc khai thác di sản để tạo sinh kế, phát triển cộng đồng, lưu giữ bản sắc.
“Sự kết nối giữa các cộng đồng có cùng di sản văn hóa phi vật thể giống nhau, sự kết nối giữa các thế hệ ở trong cùng một cộng đồng và chúng tôi hướng dẫn cho cộng đồng phương pháp Photo Voice là cộng đồng tự cất tiếng nói của mình, tự kể những câu chuyện văn hóa của mình. Hơn ai hết, chính đồng bào người Ê Đê sẽ kể được những câu chuyện về họ hay nhất, thú vị nhất, hấp dẫn nhất, trung thực nhất, sống động nhất, cũng như tự ý thức được bản sắc của đồng bào mình, tự nguyện tiếp tục kế tục, bản sắc của cộng đồng mình” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang nhấn mạnh.
![Kết nối di sản trong hành trình du lịch góp phần tạo ra sức sống bền bỉ cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_65_51480566/b5c23b5c0812e14cb803.jpg)
Kết nối di sản trong hành trình du lịch góp phần tạo ra sức sống bền bỉ cho Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - di sản văn hóa phi vật thể UNESCO.
Không chỉ nâng cao ý thức về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc kết nối di sản trong hành trình du lịch còn góp phần tạo ra sức sống bền bỉ cho văn hóa cồng chiêng trong cuộc sống hiện đại. Tận dụng các lợi thế về công nghệ và mạng xã hội, mỗi người có thể tập hợp, kết nối và tạo ra những tư liệu chân thực về đời sống của cộng đồng mình, từ đó góp phần làm tốt hơn việc gìn giữ các phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi dân tộc.