Kết nối sản phẩm vùng miền vào các kênh phân phối lớn
Trong bối cảnh hiện nay, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất - nhập khẩu theo quy mô chuyên nghiệp đang là những trọng tâm trong vấn đề kết nối giao thương và phát triển hoạt động xuất - nhập khẩu của vùng Đông Nam Bộ (ĐNB).
Để nâng cao thương hiệu sản phẩm thế mạnh của các địa phương trong vùng, các tỉnh, thành, bộ, ngành liên quan, cần có giải pháp tăng cường sự tham gia phối hợp của các doanh nghiệp (DN) đầu mối thu mua, phân phối, xuất - nhập khẩu, thương mại điện tử… trong việc phân phối xuất khẩu các sản phẩm của vùng ĐNB.
Cần xây dựng kế hoạch dài hơi
Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hàng hóa địa phương, đưa các sản phẩm thế mạnh, sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) các kênh bán lẻ hiện đại, chợ đầu mối lớn cấp vùng sẽ giúp phát triển thương hiệu cho các sản phẩm địa phương, cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ, các kênh quảng bá cho hàng hóa, sản phẩm thế mạnh của vùng.
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại và phát triển xuất nhập khẩu vùng ĐNB do Bộ Công thương tổ chức vào cuối tháng 7-2024, Giám đốc Khối Chiến lược thu mua của Công ty TNHH Aeon Việt Nam Trần Thị Ngọc Tú chia sẻ, trong thời gian qua, chuỗi siêu thị Aeon đã phối hợp với nhiều địa phương trên cả nước nói chung và vùng ĐNB nói riêng để triển khai các hoạt động kết nối giao thương, đưa hàng hóa của các địa phương vào kênh bán lẻ hiện đại.
Theo bà Tú, dù hoạt động kết nối diễn ra thường xuyên nhưng số lượng các phiên kết nối thành công vẫn chưa cao. Nguyên nhân là do nhiều nhà cung cấp ở địa phương vẫn còn thiếu thông tin, thiếu tính dự báo về thị trường, còn thiên về sản xuất sản phẩm mình có thể làm được hơn là sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Ngoài ra, nhiều sản phẩm địa phương thiếu tính đặc trưng, nổi bật riêng nên không dễ cạnh tranh với những sản phẩm cùng loại đang được bày bán ở siêu thị. Đơn cử như các nông sản phổ biến ở nhiều địa phương như: trà, cà phê… thì kết nối với các kênh bán lẻ cần chứng minh được những giá trị khác biệt, độc đáo để các chuỗi siêu thị có thể xem xét thay thế những sản phẩm cùng loại đang được bày bán trên những kệ hàng siêu thị.
Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Dũng cho rằng, khi vùng ĐNB cùng nhau hợp tác sẽ tạo ra một thị trường nội địa rộng lớn, tạo điều kiện cho các DN sản xuất với quy mô lớn hơn, giảm chi phí sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, việc liên kết vùng sẽ tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, chia sẻ kinh nghiệm, hình thành các chuỗi cung ứng hiệu quả, từ đó nâng cao vị thế của các sản phẩm hàng hóa của vùng…
Thứ trưởng Bộ Công thương PHAN THỊ THẮNG chia sẻ, sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại của các địa phương trong vùng ĐNB dù đã làm tốt các công tác kết nối giao thương nhưng cần tiếp tục sâu sát hơn để giúp các hiệp hội, DN phát triển hơn nữa, nắm được thông tin về các hiệp định thương mại tự do, xu hướng vận động của thị trường thế giới...
Chú trọng xây dựng và phát triển thương hiệu
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, bên cạnh việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, các DN địa phương cần quan tâm, nỗ lực nhiều hơn trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu. Các tỉnh, thành phố trong vùng ĐNB cần có những giải pháp nâng cao thương hiệu hàng hóa xuất khẩu, đưa các DN sản xuất, xuất khẩu tham gia sâu và hiệu quả vào các khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Dương Phan Thị Khánh Duyên cho rằng, nhiều sản phẩm vùng ĐNB hiện vẫn còn gặp khó khăn về xây dựng thương hiệu. Việc xây dựng thương hiệu không đơn thuần dừng lại ở sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã sáng tạo mà còn góp phần khẳng định bản sắc, vị thế của DN Việt trong chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu.
Do đó, để có thể thực hiện được các mục tiêu của chiến lược tổng thể, giữ vững được vị trí xuất khẩu cao, Bình Dương đề xuất xây dựng thương hiệu chung vùng ĐNB cho 4 hàng hóa chủ lực của vùng dựa trên lợi thế của các tỉnh, thành địa phương: gỗ, giày da, nông sản và các sản phẩm công nghệ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương trong vùng cần có quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng trồng, tránh sự cạnh tranh giữa các địa phương. Có chính sách đầu tư dài hạn các sản phẩm mang tính thương hiệu quốc gia, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bà Trần Thị Ngọc Tú chia sẻ thêm, để các sản phẩm vùng miền, sản phẩm thế mạnh của các địa phương có thể kết nối hiệu quả với kênh bán lẻ hiện đại thì rất cần những định hướng phù hợp của các sở, ngành, hiệp hội liên quan ở các địa phương về nhu cầu, thị hiếu của thị trường theo kế hoạch, khoảng thời gian dài hạn để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, từng bước đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, để hoạt động xúc tiến thương mại thực chất và hiệu quả hơn, các địa phương trong vùng ĐNB cần có sự liên kết sâu, cùng ngồi lại để tìm ra những sản phẩm lợi thế nhất của địa phương mình để tập trung cho công tác xúc tiến thương mại, kết nối giao thương.
Hơn thế nữa, bản thân các DN cần nghiên cứu để liên kết xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, giữ vững uy tín trong toàn bộ chu trình hệ thống kinh doanh, đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu về sản xuất, xuất khẩu…