Kết quả bất ngờ của sự kết thúc tuần làm việc 5 ngày

Sau đại dịch, các công ty đang tìm cách tăng năng suất lao động của nhân viên, nhưng vẫn giúp họ cân bằng công việc và cuộc sống. Làm việc 4 ngày/tuần là một trong những cách đó.

89 người làm việc tại Buffer - công ty sản xuất công cụ quản lý mạng xã hội - đã quen với việc có một nhà tuyển dụng độc đáo. Lương của mọi người, bao gồm cả CEO, đều được công khai. Tất cả nhân viên làm việc từ xa, văn phòng duy nhất đã đóng cửa 6 năm trước. Và như một đặc quyền, Buffer trả tiền cho bất kỳ cuốn sách nào mà nhân viên muốn mua.

Vì vậy, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 hành hạ sức khỏe tinh thần của nhân viên văn phòng, Buffer phản ứng theo cách một số công ty khác đã làm: Cho nhân viên nghỉ thêm một ngày/tuần mà không giảm lương. Một năm sau, phương án này vẫn được áp dụng, theo Atlantic.

Cả công ty đã hoàn thành lượng công việc tương đương trong khoảng thời gian ngắn hơn. Buffer giảm bớt các cuộc họp và sự kiện xã hội, còn nhân viên tăng năng suất trong ngày. Buffer có thể sẽ không bao giờ quay lại thời điểm làm 5 ngày/tuần nữa.

Vào thời điểm tương lai của công sở đang có những bước thay đổi - các doanh nghiệp băn khoăn về giá trị của văn phòng và người lao động đòi hỏi thêm quyền lợi khi nền kinh tế mở cửa trở lại - những gì Buffer làm có vẻ “kỳ quặc” so với điều số đông đã tuân thủ.

Những người làm việc 4 ngày/tuần nói rằng họ khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn và ít bực bội hơn, còn nhà tuyển dụng báo cáo họ làm việc hiệu quả và tập trung hơn. Thành công của những công ty này đã chỉ ra lỗ hổng đáng kinh ngạc rằng cách tiếp cận về năng suất làm việc truyền thống là một sai lầm.

“Chúng ta đang sống trong một xã hội mà làm việc quá sức được coi là biểu tượng danh dự”, Alex Soojung-Kim Pang - nhà tư vấn giúp các công ty thử tuần làm việc ngắn hơn - nói. Ông khẳng định “chúng tôi đã đạt được năng suất khả thi cho tuần làm việc 4 ngày. Mọi người thường bị chôn vùi trong những cuộc họp quá dài hoặc dòng tin nhắn vô tận”.

Cởi mở với xu hướng mới

Trong vài năm qua, các công ty và chính phủ trên khắp thế giới đã cởi mở hơn với khả năng một tuần làm việc bốn ngày.

Trước đại dịch, Microsoft Nhật Bản và chuỗi cửa hàng burger Shake Shack đã thử nghiệm cách này với một số nhân viên và có kết quả khả quan. Vào năm 2021, chính phủ Tây Ban Nha và Scotland lên kế hoạch thử nghiệm trợ cấp cho những người sử dụng lao động cung cấp cho người lao động thêm một ngày nghỉ. Các chính trị gia Nhật Bản và New Zealand cũng ủng hộ ý tưởng về một tuần làm việc ngắn ngày.

Hôm 15/2, Reuters đưa tin Bỉ cho phép rút ngắn tuần làm việc xuống còn 4 ngày. Nhân viên có thể làm việc tối đa 10 giờ/ngày nếu công đoàn đồng ý, thay vì tối đa 8 giờ như hiện nay, để làm việc ít hơn một ngày/tuần với cùng mức lương.

 Thời gian làm việc không còn là thước đo cho năng suất lao động. Ảnh: New York Times.

Thời gian làm việc không còn là thước đo cho năng suất lao động. Ảnh: New York Times.

Tuy nhiên, ý tưởng làm trong 4 ngày nhưng hưởng lương 5 ngày là điều hiếm thấy trên thế giới. Tại Mỹ, chỉ có vài chục tổ chức theo mô hình kinh doanh này, tính đến tháng 7/2021.

Nhiều công ty có hồ sơ giống Buffer: Nhỏ, thực hiện công việc trên máy tính và điều hành bởi người sáng lập. Nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu họ làm đúng, việc giảm giờ làm sẽ không ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Vào năm 2018, Andrew Barnes đã đề nghị các nhân viên của công ty Perpetual Guardian (New Zealand) - chuyên quản lý di chúc, tài sản và quỹ tín thác - rằng: Nếu họ có thể tìm ra cách hoàn thành nhiều việc hơn trong một ngày, họ có thể làm việc ít ngày hơn mỗi tuần.

Tham khảo ý kiến nhân viên, công ty đã lắp đặt tủ khóa để họ tự nguyện cất điện thoại trong ngày và không gian cách âm để giảm bớt âm thanh nói chuyện phiếm xung quanh. Các cuộc họp được rút ngắn; nhân viên bắt đầu đặt những lá cờ nhỏ vào hộp đựng bút chì bất cứ khi nào họ muốn báo với đồng nghiệp mình cần tập trung.

Và phương thức này đã hoạt động hiệu quả: Công việc kinh doanh của Perpetual Guardian không bị ảnh hưởng và tuần làm việc bốn ngày vẫn được áp dụng vào 3 năm sau.

Tại sao làm ít hơn lại hiệu quả hơn?

Khi nhân viên có lý do chính đáng để làm việc chăm chỉ hơn, họ thường tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nhất. Barnes phát hiện ra mặc dù giờ làm việc hàng tuần bị cắt giảm 20%, thời gian của nhân viên trên các trang web không liên quan đến công việc đã giảm 35%.

Ngoài ra, tuần làm việc 4 ngày cũng giúp nhân viên có nhiều thời gian giải quyết công việc trong cuộc sống, để trong giờ làm họ không lôi việc cá nhân ra.

Không chỉ vậy, có thêm một ngày nghỉ làm thay đổi kết cấu của cuối tuần. Một số người nói rằng việc chuyển sang làm 4 ngày/tuần đã chữa khỏi bệnh "sợ hãi ngày chủ nhật" - một thuật ngữ để chỉ nỗi sợ hãi thực tế mà nhiều người lao động cảm thấy khi ngày cuối tuần sắp kết thúc.

“Đây là cách làm việc thông minh hơn”, Giám đốc điều hành của Diamondback, Ben Eltz - công ty giảm 5 giờ làm mỗi tuần của nhân viên nhưng không giảm lương - nói. Trong suốt 40 giờ làm việc một tuần, rất hiếm khi mọi người nói “tôi đã xong và bây giờ tôi có thể làm gì khác”. Nhưng hiện tại, mọi người đều hướng mục tiêu chung là phải hoàn thành công việc.

“Khi làm ít ngày hơn, công ty đã giảm bớt giờ làm việc kém hiệu quả của nhân viên”, ông nói.

 Những khoảng trống kém hiệu quả bị giảm bớt khi công ty rút ngắn thời gian làm việc. Ảnh: PA.

Những khoảng trống kém hiệu quả bị giảm bớt khi công ty rút ngắn thời gian làm việc. Ảnh: PA.

Những câu chuyện giảm giờ làm thành công như Diamondback hay Buffer diễn ra vào thời điểm nhiều nơi trên thế giới đang sẵn sàng hình dung lại văn hóa doanh nghiệp. Sự lây lan nhanh chóng của Covid-19 lại truyền cảm hứng cho các công ty thay đổi cách làm việc và suy nghĩ truyền thống: Làm việc từ xa và thời gian tại công ty không chứng minh cho năng suất.

IGO4 là doanh nghiệp bảo hiểm kỹ thuật số có trụ sở tại Peterborough, Anh. Tất cả nhân viên công ty hiện làm việc 4 ngày/tuần, thay vì 5 ngày tiêu chuẩn. Công ty yêu cầu nhân viên làm việc thêm một giờ mỗi ngày để được nghỉ thêm một ngày mà không thay đổi mức lương.

Không chỉ tốn ít thời gian hơn để hoàn thành công việc, Giám đốc điều hành tiếp thị Georgia Prosser cho biết mình cảm thấy quản lý khối lượng công việc "cực kỳ dễ dàng". "Cắt giảm thời gian họp, không tham gia họp khi không cần thiết, bạn thực sự thấy mình có nhiều thời gian hơn", cô nói.

Giám đốc điều hành của công ty Matt Munro nói rằng đại dịch giúp nhiều người nhìn nhận lại về khả năng làm việc linh hoạt.

"Quay lại cách làm việc cũ là không đúng", BBC dẫn lời ông Munro. "Chúng tôi đã tận dụng mặt tích cực từ Covid-19 để tạo ra môi trường làm việc mới, tạo ra sự khác biệt trong cuộc sống của mọi người. Bằng cách cho nhân viên nghỉ thêm một ngày để dành thời gian cho bản thân, chúng tôi có được nhiều hơn từ họ, và cải thiện sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống của nhân viên".

Phương Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ket-qua-bat-ngo-cua-su-ket-thuc-tuan-lam-viec-5-ngay-post1296561.html