Kết quả khả quan trong 3 quý năm 2021: Tạo đà cho giai đoạn nước rút...
Qua 3 quý năm 2021, dù kinh tế địa phương chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhưng nhìn chung các chỉ tiêu thuộc ngành công thương vẫn duy trì mức tăng trưởng khá so cùng kỳ. Đây sẽ là động lực để toàn ngành tiếp tục nỗ lực vượt thách thức, tạo đà bước vào giai đoạn nước rút trong những tháng còn lại của năm...
Kết quả khả quan trong 3 quý năm
Covid-19 được ví như cơn “bão” dịch gây tác động tiêu cực khó lường, tạo ra thách thức không nhỏ cho hầu hết các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là trong đợt bùng phát lần thứ 4 (từ cuối tháng 4/2021 kéo dài đến nay). Trước tình hình và điều kiện địa phương, thời gian qua Sở Công Thương kiên trì tập trung thực hiện tốt “nhiệm vụ kép”. Đó là tăng cường công tác phòng chống dịch trên lĩnh vực ngành quản lý, kịp thời triển khai giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, góp phần ổn định và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Theo số liệu dự ước trong 3 quý năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 4,25% so cùng kỳ, đối với các ngành công nghiệp “đầu tàu” như chế biến chế tạo và sản xuất - phân phối điện vẫn thể hiện mức tăng trưởng dương (lần lượt tăng 3,7% và 4,1%). Hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn Bình Thuận trong 9 tháng qua cũng ghi nhận 11/16 sản phẩm chủ yếu tăng so cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt có 5 sản phẩm tăng cao, gồm đồ gỗ và các sản phẩm gỗ (tăng 68,2%), sơ chế mủ cao su (tăng hơn 34%), đá khai thác (tăng 47,2%), nước mắm (tăng hơn 12%), giày dép các loại (tăng 35,7%)...
Dù tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng các cụm công nghiệp tiếp tục thu hút thêm dự án mới như Nhà máy sản xuất nước mắm (Cụm công nghiệp Phú Hài), Nhà máy sản xuất bê tông (Cụm công nghiệp Nam Hà 2). Ngoài ra còn có một số nhà đầu tư đến tìm hiểu, đăng ký thực hiện các dự án: Nhà máy sản xuất chế biến gỗ tại Cụm công nghiệp Hầm Sỏi - Võ Xu (Đức Linh), Nhà máy sản xuất ván ép tại Cụm công nghiệp Sùng Nhơn (Đức Linh). Hay như Dự án sản xuất các loại bóp, ví, túi xách, dây thắt lưng tại Cụm công nghiệp Nghị Đức (Tánh Linh), Nhà máy sản xuất bao bì tại Cụm công nghiệp Lương Sơn (Bắc Bình)…
Kết quả khả quan trong 3 quý vừa qua cũng được ghi nhận trên lĩnh vực thương mại, nổi bật là kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Bình Thuận ước thực hiện 405,18 triệu USD, tăng hơn 20% so cùng kỳ năm 2020. Đáng ghi nhận, cả 3 nhóm hàng chủ lực của tỉnh đều tăng trưởng, trong đó hàng hải sản ước đạt 117 triệu USD (tăng 2,44%), hàng nông sản đóng góp 14,18 triệu USD (tăng 27,32%) và nhóm hàng hóa khác đem về cho địa phương khoảng 274 triệu USD (tăng xấp xỉ 30%)...
Bước vào giai đoạn nước rút, ngành công thương địa phương vẫn tích cực tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trên lĩnh vực mình quản lý, đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh phù hợp diễn biến của dịch bệnh. Có thể nói, những kết quả đạt được trong 9 tháng qua sẽ là động lực để toàn ngành phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2021 đề ra. Riêng với kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cần hoàn thành chỉ tiêu cả năm đạt 502 triệu USD, trong đó nhóm hàng nông sản hiện đã vượt kế hoạch năm (còn lại nhóm hàng hóa khác đạt gần 85% kế hoạch, còn nhóm hàng hải sản cũng đạt hơn 70% kế hoạch).
Trong quý còn lại của năm, ngành cũng sẽ đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các công trình, dự án điện đang triển khai, nhất là tập trung hỗ trợ hoàn thành thi công và đưa vào hoạt động ít nhất 6 nhà máy điện gió. Tiếp tục thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư, triển khai biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghiệp bảo quản sau thu hoạch, chế biến theo hướng tăng sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Đồng thời triển khai đồng bộ giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, củng cố và khai thác có hiệu quả thị trường truyền thống, ưu tiên khai thác cũng như tận dụng tối đa cơ hội từ những thị trường trọng điểm, chiến lược...
QUỐC TÍN