Khắc phục tình trạng 'nợ đọng' văn bản hướng dẫn

Có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất triển khai luật, nghị quyết của Quốc hội Khóa XV diễn ra mới đây.

Nợ, chậm ban hành văn bản hướng dẫn dường như năm nào cũng được nhắc tới trong các báo cáo liên quan đến công tác này. Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 gửi tới Quốc hội, Kỳ họp thứ Sáu tới cho biết, tính đến ngày 1.8.2023, còn 14/58 văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ chưa ban hành. So với các năm trước cho thấy, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực có xu hướng tăng. Điều này cho thấy, tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết đối với các luật được ban hành từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Điều đáng nói, ngay cả những văn bản đã được ban hành nhưng vẫn có những văn bản chậm so với thời hiệu thi hành của luật. Thậm chí, có văn bản ban hành chậm nhất là 3 năm 9 tháng so với thời điểm luật có hiệu lực như: Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10.2.2023 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia quy định chi tiết Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ ngày 1.7.2019.

Thực tế cũng cho thấy, một số trường hợp nghị quyết của Quốc hội được thông qua nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, nhưng việc văn bản quy định chi tiết lại chậm. Để đáp ứng công tác phòng, chống dịch Covid-19, căn cứ Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sớm ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tiếc rằng, sau 4 tháng, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 29/2022/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Hay như Nghị quyết số 80/2023/QH15 được Quốc hội ban hành ngày 9.1.2023, nhưng phải sau hơn 2 tháng Thủ tướng Chính phủ mới ban hành văn bản chỉ đạo, phân công các Bộ triển khai thực hiện. Việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn làm giảm ý nghĩa, hiệu lực, hiệu quả của các giải pháp đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định, chưa đáp ứng kịp thời đòi hỏi của cuộc sống.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy định chi tiết là một trong những tài liệu bắt buộc phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh. Việc để xảy ra tình trạng “treo” các quy định hướng dẫn luật, nghị quyết là do kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật ở một số cơ quan có thẩm quyền chưa nghiêm, khâu tổ chức thi hành pháp luật chưa tốt. Một số cơ quan được giao chủ trì soạn thảo còn thiếu sự chủ động, quan tâm, chưa đầu tư thỏa đáng và chưa thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết.

Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo sát sao việc thực hiện nghiêm các kết luận, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của các cơ quan Quốc hội qua hoạt động giám sát để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật.

Cùng với đó, tiếp tục nâng cao tính chủ động, trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc theo dõi, đôn đốc và giám sát Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan tổ chức triển khai các luật, nghị quyết của Quốc hội. Chú trọng giám sát việc ban hành văn bản quy định chi tiết, coi đây là nhiệm vụ quan trọng cần tiến hành thường xuyên. Đặc biệt, kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện nghiêm yêu cầu dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh.

Ngoài ra, một biện pháp rất quan trọng khác nữa, đó là cơ chế trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu cơ quan được giao nhiệm vụ chủ trì soạn thảo văn bản hướng dẫn, cũng như trách nhiệm của các cơ quan phối hợp. Ai không thực hiện hết trách nhiệm phải xử lý nghiêm minh. Chỉ khi chế tài đủ mạnh đối với cá nhân phụ trách, cơ quan phối hợp thì tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn mới không còn tái diễn.

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/khac-phuc-tinh-trang-no-dong-van-ban-huong-dan-i347147/