Khai hội Xuân Quý Mão tại Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ (Hải Dương)
Ngày 29/1 (mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão), tại Di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ (phường An Sinh, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) đã diễn ra Lễ khai hội Xuân Quý Mão năm 2023.
Lễ khai xuân là hoạt động thường niên nơi đây mỗi dịp Tết đến Xuân về. Lễ khai hội với nhiều hoạt động để nhân dân, du khách thăm quan, chiêm bái, tưởng nhớ công đức của tổ tiên, bồi đắp niềm tự hào, lòng tự tôn dân tộc và truyền thống văn hiến của quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thư, Trưởng ban quản lý di tích thị xã Kinh Môn cho biết: Ngay sau lễ khai hội, các đại biểu và nhân dân tham gia dâng hương tưởng niệm tại đền thờ. Vào đêm 1/2/2023 (tức ngày 11 âm lịch) tại đền Cao An Phụ sẽ diễn ra lễ cầu an cho bách gia trăm họ, đây cũng là một trong những hoạt động nằm trong lễ hội mùa xuân của thị xã Kinh Môn. Ở phần hội vào ngày 21 - 22/2 (tức ngày mùng 2, mùng 3 tháng 2 âm lịch) tại đền Cao An Phụ sẽ diễn ra giao lưu tín ngưỡng thờ mẫu tam tứ phủ người Việt của 14 nghệ nhân thanh đồng ở trong và ngoài tỉnh Hải Dương. Ngoài ra ngày 1/4 âm lịch sẽ diễn ra hoạt động lễ, hội và rước kiệu để tưởng niệm 772 năm ngày mất của An Sinh Vương Trần Liễu.
Trong thời gian diễn ra lễ hội đến hết ngày 1/4 âm lịch, thời gian là 4 tháng sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa thể thao như thi đấu bóng truyền, bóng đá, cờ tướng và các trò chơi dân gian truyền thống ở quần thể khu di tích Quốc gia đặc biệt An Phụ.
Thị xã Kinh Môn còn lưu giữ nhiều di chỉ khảo cổ học quan trọng có giá trị quốc gia và quốc tế. Các nhà khoa học đã nghiên cứu hàng nghìn hiện vật như đồ gốm Việt - Hán thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ III, hóa thạch răng người có niên đại cách ngày nay từ 3 - 3,5 vạn năm, các loại tiền kim loại từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XX, vật liệu kiến trúc, trang trí, gốm thời Đinh - Lê đến thời Lê Trung Hưng; …
Ngày 4/4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Lễ hội truyền thống đền Cao An Phụ là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thị xã Kinh Môn còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh mang tầm quốc gia như cầu đá Hà Tràng, đình Huề Trì, đình Xạ Sơn, đền Thiên Kỳ, nơi đây còn là nơi sinh ra những danh nhân, danh tướng như học giả, thi sĩ Đỗ Khắc Chung, Phạm Sư Mạnh, Phạm Tông Ngộ….
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thị xã Kinh Môn vẫn còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Toàn thị xã có 202 di tích, trong đó 1 quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 15 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 20 di tích cấp tỉnh và nhiều danh lam thắng cảnh có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật… với hàng trăm lễ hội, nghề thủ công truyền thống gắn với cộng đồng dân cư đã góp phần tô đẹp thêm truyền thống văn hóa tốt đẹp của quê hương Kinh Môn anh hùng.
Lễ khai hội xuân đã giúp cho người dân của thị xã cũng như du khách thập phương đến thăm quan chiêm bái những giá trị văn hóa truyền thống từ nhiều đời để lại. Đây cũng là dịp để người dân tưởng nhớ đến công lao to lớn của các thế hệ cha anh dày công xây dựng và vun đắp, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể còn lưu giữ đến ngày nay.