Hướng dẫn thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững

Ngày 12-5-2025, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản 1129/UBND-MTQG về triển khai thực hiện một số nội dung chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã nông thôn mới nâng cao Giục Tượng, huyện Châu Thành.

Đường giao thông nông thôn trên địa bàn xã nông thôn mới nâng cao Giục Tượng, huyện Châu Thành.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025

Các huyện, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo, đẩy nhanh thực hiện các bộ tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức công tác đánh giá, thẩm tra, thẩm định, xét, công nhận đối với các địa phương đáp ứng các yêu cầu, điều kiện theo quy định; phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu do Tỉnh ủy, HĐND tỉnh giao giai đoạn 2021-2025 ở mức cao nhất trước khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.

Đối với chỉ tiêu cấp xã, bám sát các mục tiêu, kế hoạch năm 2025 đã được UBND tỉnh giao để đẩy nhanh triển khai thực hiện; tổ chức thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh xét, công nhận đối với các xã đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định; trong đó ưu tiên, quan tâm đến việc thực hiện chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao và xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu hoàn thành việc xét, công nhận các xã đạt chuẩn trước khi có Nghị quyết sáp nhập, sắp xếp cấp xã.

Đối với việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện chương trình năm 2025 trên địa bàn tỉnh theo Kế hoạch 86/KH-UBND, ngày 26-3-2025 của UBND tỉnh, cụ thể sau:

Đối với UBND các huyện, thành phố: Kiện toàn hội đồng và tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện; hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể (nếu có nhu cầu) nộp hồ sơ đăng ký, đánh giá phân hạng; hồ sơ đăng ký, đánh giá phân hạng lại sản phẩm OCOP (các sản phẩm phân cấp cho cấp huyện đánh giá, công nhận và sản phẩm do cấp tỉnh công nhận sẽ hết thời hạn từ ngày 1-7-2025 đến ngày 31-12-2025) ở cấp huyện chậm nhất là ngày 31-5-2025.

Hoàn thành công tác đánh giá, phân hạng; công tác đánh giá, phân hạng lại; ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và đề nghị UBND tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 4 sao trước ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định không còn cấp huyện (dự kiến trước ngày 30-6-2025); chuẩn bị, sắp xếp hồ sơ sản phẩm và hồ sơ họp Hội đồng OCOP cấp huyện do huyện phụ trách thời gian qua bàn giao cho Sở Nông nghiệp và Môi trường.

Sở Nông nghiệp và Môi trường tham mưu UBND tỉnh kiện toàn hội đồng và tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Hoàn thành công tác đánh giá, phân hạng và ban hành quyết định công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao trước ngày cơ quan có thẩm quyền quyết định sáp nhập tỉnh (dự kiến trước ngày 30-8-2025).

Tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Môi trường điều chỉnh địa chỉ (xã, huyện, tỉnh) đối với hồ sơ xin đăng ký tham gia dự thi sản phẩm OCOP hạng cấp quốc gia cho 4 sản phẩm nước mắm Phú Quốc của Công ty Trách nhiệm hữu hạn kinh doanh nước mắm Huỳnh Khoa, trước ngày 30-5-2025.

Rà soát các hồ sơ đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia chịu ảnh hưởng của việc sáp nhập đơn vị tỉnh trước ngày 30-7-2025. Theo dõi và tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình OCOP trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2026-2030 ngay sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

UBND các huyện, thành phố, Sở Nông nghiệp và Môi trường không để tồn đọng hồ sơ đã đăng ký chưa được xử lý.

Đối với chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Đối với xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo sáp nhập với nhau, sáp nhập với xã đạt chuẩn nông thôn mới, sáp nhập với thị trấn: Thực hiện các dự án theo tổng mức đầu tư của xã đặc biệt khó khăn và tổ chức thực hiện hỗ trợ đầu tư trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn như trước chưa sáp nhập.

Thực hiện các nội dung hỗ trợ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đối với người dân đang sinh sống trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn theo địa bàn cũ như trước cho đến khi văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc cho đến hết thời hạn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Việc tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đối với cấp huyện sau khi tổ chức sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp: Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh rà soát, quyết định việc điều chỉnh tổ chức thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững.

Tin và ảnh: THÙY TRANG

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-thon-moi/huong-dan-thuc-hien-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-giam-ngheo-ben-vung-26229.html