Khai thác hiệu quả nguồn lực văn học tại địa phương
Những năm qua, hoạt động văn học nghệ thuật tại các địa phương đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng đời sống tinh thần cho cộng đồng.
![Trao tặng sách cho học sinh tại Đắk Lắk.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_14_51436442/5f8510a42beac2b49bfb.jpg)
Trao tặng sách cho học sinh tại Đắk Lắk.
Tuy nhiên, việc khai thác nguồn lực này còn gặp không ít khó khăn, đòi hỏi những đổi mới mang tính đột phá trong phương thức hoạt động của các hội văn học nghệ thuật địa phương.
Trong tổng kết chuyên môn của các hội văn học nghệ thuật nói riêng và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nói chung, các hoạt động được báo cáo chủ yếu, gồm: Tổ chức trại sáng tác văn học, các cuộc thi, lớp học, lớp tập huấn nghiệp vụ và in ấn.
Những hoạt động nêu trên tuy đã góp phần không nhỏ vào việc phát triển văn học tại các địa phương, song nhìn chung, chưa có tính đổi mới, đột phá rõ rệt trong phương thức hoạt động hay chất lượng tác phẩm. Nhiều hội văn học nghệ thuật tổ chức trại sáng tác, cuộc thi… song vẫn thưa vắng tác phẩm xuất sắc, có sức ảnh hưởng lớn đến nền văn học nước nhà.
Các tác phẩm thường chỉ ở mức độ phục vụ cho công tác địa phương, chưa tạo nên sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, cảm xúc. Các chương trình sáng tác phục vụ thế hệ trẻ hiện chưa tạo được chiều sâu để tạo kết nối mạnh mẽ giữa các thế hệ. Việc liên kết và hợp tác giữa các hội văn học nghệ thuật địa phương với các đơn vị văn hóa còn nhiều hạn chế.
Trong các hội nghị, hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, Quỹ Hỗ trợ sáng tạo văn học nghệ thuật Việt Nam tuy đã được thành lập, song vai trò và cách thức hoạt động còn mờ nhạt và chưa tác động hiệu quả đến văn học địa phương. Một trong những lý do là cách thức hoạt động, triển khai các chương trình hỗ trợ chưa rõ ràng khiến nhiều văn nghệ sĩ, nhất là tại vùng miền khó khăn không thể tiếp cận các nguồn lực từ Quỹ.
Các hoạt động của Quỹ thường thiếu sự tương tác, mở rộng dẫn đến sự thiếu cân bằng trong việc phân bổ nguồn lực và sự hỗ trợ. Ngoài ra, quy trình xét duyệt hồ sơ xin tài trợ, triển khai còn rườm rà, phức tạp khiến nhiều tác giả bỏ cuộc.
Theo giới chuyên môn, các quỹ cần chú trọng nhiều hơn đến tác phẩm, dự án của các tác giả trẻ, nhất là những người ở các vùng sâu, vùng xa, những nơi còn thiếu cơ hội phát triển nghệ thuật và quan trọng hơn là cần có cơ chế hướng dẫn, phổ biến, hỗ trợ cụ thể. Điều này sẽ giúp phong phú hóa nền văn học nghệ thuật Việt Nam, đồng thời nâng cao sự đa dạng và bền vững trong sáng tạo văn hóa.
Thực tế cho thấy, để phát triển nguồn lực văn học tại các địa phương, việc đổi mới phương thức hoạt động là điều cần thiết. Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk đã linh hoạt tổ chức các hoạt động kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật để bổ trợ cho văn học và quảng bá bản sắc văn hóa vùng miền.
Cụ thể, Hội đã tổ chức các hội thảo, triển lãm, chương trình biểu diễn kết hợp giữa văn học và các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, múa, sân khấu, mỹ thuật... Trong các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào Tây Nguyên, văn học được kết hợp với âm nhạc, múa dân gian để truyền tải các giá trị văn hóa độc đáo. Hội cũng khuyến khích các tác giả phản ánh những chủ đề gắn liền với
đời sống, phong tục, tập quán, và những câu chuyện lịch sử của đồng bào các dân tộc, từ đó tạo ra một cầu nối giữa quá khứ và hiện tại.
Hay như Hội Văn học nghệ thuật Thái Nguyên cũng đã có những cách làm sáng tạo trong việc phát hiện, bồi dưỡng cây bút trẻ. Hội đã tổ chức trại sáng tác văn học kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm tạo cơ hội cho các tài năng trẻ từ 10-25 tuổi tham gia, học hỏi và rèn luyện kỹ năng sáng tác và giao lưu từ các nhà văn, nghệ sĩ nổi tiếng, đồng thời nhận được sự tư vấn, phản biện từ các chuyên gia.
Đáng chú ý, việc tổ chức hội nghị trực tuyến đã mở rộng phạm vi giúp các tác giả trẻ ở những địa phương khác có cơ hội kết nối, chia sẻ. Kết quả từ trại sáng tác văn học trẻ rất đáng ghi nhận khi đã có gần 300 sáng tác gửi về Hội, bao gồm các thể loại thơ và văn xuôi, phản ánh trăn trở, khát vọng và góc nhìn mới mẻ của thế hệ trẻ về cuộc sống, con người và xã hội.
Trên thực tế, cần có sự sáng tạo trong tổ chức mô hình trại sáng tác để trở thành không gian cởi mở, đa dạng và hoàn toàn có thể áp dụng các công nghệ mới trong sáng tác, lan tỏa tác phẩm, đồng thời tạo ra một môi trường khuyến khích tính thử nghiệm.
Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường quảng bá, phát hành tác phẩm văn học nghệ thuật. In ấn, phát hành các tác phẩm chỉ là một phần, nhiệm vụ quan trọng là đưa những tác phẩm ấy đến gần hơn với công chúng, nhất là bạn đọc trẻ. Các hội văn học nghệ thuật cần chú trọng xây dựng các chiến lược quảng bá tác phẩm qua các nền tảng số, phát hành sách điện tử, podcast văn học, cũng như tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo, giao lưu để kết nối tác giả với độc giả.
Các hội văn học nghệ thuật địa phương cũng cần chủ động, kết nối chặt chẽ với các tổ chức văn học, văn hóa quốc gia và quốc tế nhằm tạo ra cơ hội cho các tác giả địa phương tiếp cận các chương trình sáng tác quy mô lớn, như các trại sáng tác quốc tế hay các hội thảo chuyên ngành quốc tế. Việc mở rộng mạng lưới giao lưu và hợp tác sẽ tạo ra không gian học hỏi, thúc đẩy sáng tạo và nâng cao chất lượng tác phẩm.
Muốn thật sự có bước đột phá trong việc phát triển văn học nghệ thuật tại các địa phương, các hội phải chú trọng đổi mới cách nhìn nhận về sáng tạo và hỗ trợ các nghệ sĩ; thiết lập cơ chế hỗ trợ vật chất và tinh thần cho các tác giả trẻ, khuyến khích các tác phẩm đột phá, dám thử nghiệm và phá vỡ những khuôn mẫu. Một yếu tố không kém phần quan trọng là việc nâng cao chất lượng thẩm định, đánh giá tác phẩm, hướng tới công bằng và minh bạch.
Phát triển văn học nghệ thuật tại các địa phương đòi hỏi không chỉ nỗ lực từ các hội, mà còn cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan văn hóa, các tổ chức xã hội và cộng đồng để tạo ra một môi trường sáng tạo phong phú, bền vững.