Khánh Hòa tự hào những khúc ca
Trong suốt 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, có nhiều ca khúc của các nhạc sĩ ở trong và ngoài tỉnh viết về vùng đất, con người Khánh Hòa đều chứa đựng những tình cảm, cảm xúc tin yêu, tự hào.
Những khúc hát đượm tình
Từ sau ngày giải phóng đến nay, chưa có thống kê cụ thể nào về tổng số ca khúc viết về Khánh Hòa, nhưng trong cảm nhận của giới nhạc sĩ, ca sĩ, cũng như với số đông công chúng yêu âm nhạc thì đây là con số tương đối lớn. Ca khúc về Khánh Hòa có thể được tạm chia thành 3 dòng nhạc chính: Ca khúc thính phòng, cách mạng; ca khúc mang âm hưởng dân gian đương đại; ca khúc nhạc nhẹ, hiện đại. Các ca khúc thính phòng, cách mạng mang đậm tinh thần yêu nước, ca ngợi sự hy sinh anh dũng của những người chiến sĩ và cảm xúc tự hào dân tộc. Tiêu biểu cho dòng ca khúc này có thể kể đến như: Nha Trang mùa thu lại về (Văn Ký); Gần lắm Trường Sa (Hình Phước Long); Người anh hùng trên đảo Gạc Ma (Lê Hành); Bà mẹ Gạc Ma (lời thơ Lê Tú Lệ, âm nhạc Phạm Minh Tuấn); Bâng khuâng Trường Sa (lời thơ Nguyễn Thế Kỷ, âm nhạc Lê Đức Hùng); Nơi đảo xa (Thế Song)… Ở dòng nhạc này, số lượng tác phẩm viết về biển, đảo Trường Sa chiếm phần lớn, chứa đựng tình cảm, thông điệp mạnh mẽ về chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ca khúc “Ngậm ngải tìm trầm” - ca khúc mới về Khánh Hòa do ca sĩ Hoài Thương thể hiện.
Ca khúc mang âm hưởng dân ca, dân gian đương đại yêu cầu các nhạc sĩ làm mới âm nhạc truyền thống, đồng thời phải có sự kết hợp khéo léo những yếu tố hiện đại để phù hợp với “gu” thưởng thức âm nhạc của khán giả. Các ca khúc mang âm hưởng dân ca, dân gian đương đại của Khánh Hòa có thể kể đến như: Ơi con sông Dinh (Hình Phước Liên); Khánh Hòa một khúc ca (Hình Phước Long); Ngậm ngải tìm trầm (Huỳnh Tú - Trường Lâm); Diên Khánh một khúc ca (Hình Phước Long); Chiều nghiêng tháp cổ (Hình Phước Liên)…
Ca khúc nhạc nhẹ, hiện đại về Khánh Hòa thường có tiết tấu nhanh, cách xử lý thanh nhạc hiện đại. Những ca khúc thuộc dòng này như: Nha Trang thu (Phó Đức Phương); Tình ca đảo Yến (Nguyễn Văn Chung); Khánh Hòa tôi yêu (Quách Beem); Nguyện làm con sóng (Đỗ Trí Dũng); Đêm mơ thành chim yến (Hình Phước Long); Khánh Hòa chào ngày mới (Hình Phước Liên)... Nhìn chung, ca khúc viết về Khánh Hòa thường có giai điệu dễ nhớ, dễ thuộc; tiết tấu không quá phức tạp; nội dung ca từ thường gắn với quê hương, thiên nhiên, tình yêu và con người.
Góp phần quảng bá quê hương
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, trong chương trình đào tạo chuyên ngành thanh nhạc thuộc Khoa Nghệ thuật (Trường Đại học Khánh Hòa) từ nhiều năm nay đều tổ chức dạy cho sinh viên những ca khúc về Khánh Hòa. Điều này không chỉ giúp sinh viên phát triển kỹ năng thanh nhạc một cách toàn diện mà còn góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và quảng bá hình ảnh địa phương đến với công chúng yêu nhạc trong và ngoài nước. Việc lựa chọn, phân tích kỹ lưỡng các ca khúc này sẽ giúp giảng viên đưa ra phương pháp giảng dạy hợp lý, từ việc rèn luyện kỹ thuật hơi thở, kiểm soát âm sắc, đến việc thể hiện cảm xúc qua giọng hát. Như vậy, việc đưa ca khúc về Khánh Hòa vào giảng dạy thanh nhạc không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật mà còn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khuyến khích sáng tác mới mà còn có ý nghĩa trong việc gìn giữ và phát triển di sản văn hóa của vùng đất Khánh Hòa.

Ca khúc “Khánh Hòa ngày mới” (Trọng Đài) được dàn dựng, biểu diễn trong chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng tỉnh Khánh Hòa (2-4-1975 - 2-4-2025).
Công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, ca sĩ Hoài Thương nhiều lần biểu diễn những ca khúc về Khánh Hòa. Mỗi lần được giao bài, cô đều nỗ lực hết mình trong việc tập luyện kỹ thuật thanh nhạc, tìm hiểu nội dung ca từ để có thể truyền tới khán giả cảm xúc tốt nhất. “Mỗi lần tập những bài hát về Khánh Hòa đều để lại trong tôi những cảm xúc riêng. Qua các ca khúc đó, tôi muốn góp phần nhỏ bé đưa hình ảnh, âm nhạc Khánh Hòa đến gần hơn với khán giả” - ca sĩ Hoài Thương chia sẻ.
Ông Nguyễn Ái Quốc - Trưởng đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết: "Trong các chương trình nghệ thuật của đoàn được dàn dựng thời gian qua luôn có các ca khúc về Trường Sa, về Khánh Hòa. Điều này làm phong phú nội dung chương trình biểu diễn, thể hiện được rõ nét bản sắc văn hóa, đặc trưng nghệ thuật của tỉnh Khánh Hòa. Có nhiều tiết mục được chúng tôi đầu tư dàn dựng công phu, hoành tráng nhằm mang đến hiệu quả nghệ thuật cao nhất. Qua đó, chúng tôi muốn quảng bá, giới thiệu những giá trị văn hóa, tiềm năng, thế mạnh của địa phương đến người dân và du khách".
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/khanh-hoa-tu-hao-nhung-khuc-ca-7895b02/