Viết tiếp câu chuyện 'Giữ xanh Tràng An - Giữ hồn di sản'

'Phát triển du lịch bền vững, Tràng An thực hiện theo định hướng không bê tông hóa vùng lõi di sản; không sử dụng động cơ máy, toàn bộ là con người chèo thuyền đưa du khách khám phá và đều là nhân lực tại địa phương; không can thiệp vào thủy văn và cảnh quan nguyên sơ', đó là chia sẻ của bà Hoàng Thúy Hường - Giám đốc phát triển thị trường, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An…

Khu du lịch sinh thái Tràng An là một khu du lịch sinh thái nằm trong Quần thể di sản thế giới Tràng An (thuộc tỉnh Ninh Bình). Nơi đây đã được Chính phủ Việt Nam xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Liên khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động - cố đô Hoa Lư – rừng đặc dụng Hoa Lư hiện được quy hoạch chung vào Quần thể danh thắng Tràng An, trở thành di sản thế giới kép đầu tiên ở Việt Nam với những giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, lịch sử văn hóa và kiến tạo địa chất và cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.

Chia sẻ tại Diễn đàn “Phát triển các Điểm đến Xanh, nâng tầm Du lịch Việt Nam” được tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng như biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên thiên nhiên và hệ lụy ngày càng rõ nét từ du lịch đại trà, khái niệm "du lịch xanh" không đơn thuần là một lựa chọn mang tính thời điểm, mà đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để ngành du lịch có thể tồn tại và phát triển bền vững. Vì vậy, theo bà Hoàng Thúy Hường - Giám đốc phát triển thị trường, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An, ngoài những nét nổi bật ở trên, Tràng An còn mang giá trị rất riêng biệt. Nơi đây là “cái nôi” tiến hóa của con người Tràng An cổ; là người đầu tiên tiếp cận và khai thác biển ở Việt Nam; sáng tạo ra công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ, ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong các thung lũng đầm lầy.

Bà Hoàng Thúy Hường - Giám đốc phát triển thị trường, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho rằng, Tràng An định hướng phát triển hài hòa bảo tồn di sản, phát triển bền vững và nâng cao đời sống cộng đồng. Ảnh: Khánh Huy

Bà Hoàng Thúy Hường - Giám đốc phát triển thị trường, Ban Quản lý Khu Du lịch sinh thái Tràng An cho rằng, Tràng An định hướng phát triển hài hòa bảo tồn di sản, phát triển bền vững và nâng cao đời sống cộng đồng. Ảnh: Khánh Huy

Bên cạnh đó, với vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, với những dãy núi đá vôi cùng 48 hang động xuyên thủy, 31 thung lũng và 50 động cạn, hòa quyện với nền văn hóa địa phương phong phú và lịch sủ lâu đời. Ngoài ra, nơi đây còn được ví như bảo tàng địa chất ngoài trời, với địa hình bao bọc bởi toàn bộ các dãy núi đá vôi cánh cung ở giữa vùng chiêm trũng ngập nước - đây là một mô hình xuất sắc và nổi bật trên phạm vi toàn cầu.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, du lịch xanh - du lịch bền vững đang được nhiều DN du lịch ưu tiên phát triển, đặc biệt là tại các vùng di sản, văn hóa tâm linh. Khẳng định mục tiêu không đánh đổi giá trị di sản, không mở rộng hạ tầng vào vùng lõi, không chạy theo số lượng và hy sinh môi trường để lấy doanh thu, bà Hoàng Thúy Hường cho biết, khu du lịch sinh thái Tràng An xác định hướng phát triển theo 5 mô hình: không gian đô thị gắn liền với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa và bản sắc lịch sử của địa phương; công nghiệp văn hóa dẫn dắt phát triển tương lai; du lịch di sản bản địa bền vững; mô hình đất ở, đất nông nghiệp và lâm nghiệp cùng tồn tại với sinh kế truyền thống và bảo tồn bền vững Di sản Thế giới với đặc trưng châu Á riêng biệt.

Phát triển du lịch bền vững, Tràng An thực hiện theo định hướng không bê tông hóa vùng lõi di sản; không sử dụng động cơ máy, toàn bộ là con người chèo thuyền đưa du khách khám phá và đều là nhân lực tại địa phương; không can thiệp vào thủy văn và cảnh quan nguyên sơ. Chính cách làm này khiến Tràng An trở thành một trong những khu du lịch hấp dẫn du khách hàng đầu Việt Nam.

Minh chứng cho điều này, bà Hoàng Thúy Hường cho biết, cách Tràng An làm du lịch xanh theo nguyên tắc “Bảo tồn - phát huy - bền vững”. Điều đó được thể hiện qua những kết quả nổi bật như: các điểm đến trong quần thể danh thắng Tràng An luôn chiếm tỷ lệ trên 80% tổng số lượt khách đến Ninh Bình; gần 100% lực lượng chèo đò và vận hành đến từ người dân địa phương; giảm thiểu 60% lượng rác thải.

Không những vậy, để du lịch phát triển bền vững, ở Tràng An không thể thiếu những lễ hội, hoạt động ngoài trời thu hút khách du lịch như: lễ hội sắc Tết di sản; hoạt động tô tranh Long Sàng… Bên cạnh đó, phát triển du lịch bền vững còn phải phân luồng, quản lý lưu lượng khách, quản lý rác thải và những “người kể chuyện di sản”, tạo không gian khuyến khích khách du lịch có trách nhiệm “giữ cho di sản xanh mãi, sạch và đáng tự hào…”

Minh Đức

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/viet-tiep-cau-chuyen-giu-xanh-trang-an-giu-hon-di-san.698245.html