Bánh gừng - Món ăn dân dã của đồng bào Khmer Nam Bộ

Từ nguyên liệu chính vẫn là những nông phẩm tự sản xuất có sẵn ở địa phương, bà con Khmer Nam Bộ nói chung và ở Sóc Trăng nói riêng đã làm nên những món ngon có dấu ấn rất riêng, như mắm bò hóc, bún nước lèo, cốm dẹp... đặc biệt có một loại bánh không thể nào thiếu trong những dịp lễ, Tết đó là bánh gừng, mà người Khmer gọi là Num-khơ-nhây, một loại bánh ngon, dễ làm, ai cũng thích.

Không chỉ có mặt trong các dịp lễ, Tết, loại bánh đặc trưng này còn có mặt ngay cả trong những lễ tiệc, đãi khách thường ngày như: đám làm phước, lễ dâng y, lễ dâng bông, đám hỏi, đám cưới… Không mấy cầu kỳ, bánh gừng chủ yếu được làm bằng nếp. Trước đây, theo cách làm truyền thống, để có được chiếc bánh ngon, người ta chọn loại nếp to hạt, màu trắng đục. Nếp đem vo sạch, để ráo nước, cho vào cối quết nhuyễn rồi đem sấy hoặc phơi khô. Hiện nay, cuộc sống đã phát triển, công đoạn xay nếp giờ không còn mà thay vào đó người ta mua bột nếp đã được chế biến sẵn, tuy vậy mọi công đoạn và cách thức làm vẫn không có gì thay đổi, ngoài bột còn có trứng gà. Người ta sẽ nặn phần bột bánh nhìn giống như củ gừng.

Bà Lý Thị Ngọc Sen (bìa phải) tâm huyết gìn giữ nghề làm bánh gừng.

Bà Lý Thị Ngọc Sen (bìa phải) tâm huyết gìn giữ nghề làm bánh gừng.

Bánh sau khi nặn xong thì cho vào chảo dầu chiên cho vàng đều, thấy bánh cứng và giòn là được. Điểm đặc biệt ở loại bánh này là không chiên bánh khi dầu nóng, bởi nếu dầu nóng cho bánh vào sẽ bị chai, không nở. Do vậy, mỗi khi chiên xong lập tức đem chảo ngâm nước để dầu nguội. Dầu chiên phải cho ngập chảo, khi thấy bánh vàng đều lấy bánh ra, phơi nắng khoảng 20 - 30 phút để bánh ráo dầu. Công đoạn tiếp theo, người ta thắng nước đường đến khi đường có độ dẻo thì cho từng chiếc bánh vào trộn đều, lúc này phải đảo bánh liên tục, đến khi thấy đường nổi trắng là được, sau đó gắp bánh ra mâm, phơi cho khô để tăng độ giòn.

Bà Lý Thị Ngọc Sen ở khóm Tâm Trung, Phường 10, thành phố Sóc Trăng có thâm niên làm bánh gần 30 năm. Trước đây, bà chỉ làm bánh để tặng hoặc đãi khách đến nhà, nhưng vài năm gần đây bà nhận làm bánh theo nhu cầu vừa là để giữ nghề, vừa kiếm thêm thu nhập. Bà Sen tâm sự: "Trước đây, đồng bào Khmer hầu như ai cũng biết làm bánh gừng. Vào các ngày lễ, Tết, nhà nào bếp cũng đỏ lửa, cả nhà quây quần bên nhau, phụ nữ khéo tay thì có nhiệm vụ nhồi bột, nặn bánh, còn đàn ông thì mạnh tay nên ngào đường sên bánh, bọn trẻ thì luôn túc trực kế bên chảo bánh để được thưởng thức những chiếc bánh mới ra lò đầu tiên. Thế nhưng vài năm trở lại đây do đời sống phát triển, bận bịu công việc nên nhiều người không có điều kiện để làm bánh, bây giờ đa số đi đặt hoặc mua bánh ở chợ".

Ông Lâm Tạo ở Khóm 3, Phường 5, thành phố Sóc Trăng cho hay: "Ngoài việc để đãi khách, bánh gừng còn là vật phẩm để cúng hoặc trang trí, góp phần làm tăng thêm vẻ đẹp trong những ngày lễ, Tết; đặc biệt những lễ hỏi, lễ cưới, trên bàn thờ tổ tiên không thể nào thiếu bánh gừng, bánh biểu trưng cho hạnh phúc lứa đôi. Tuy nhiên bánh gừng dành cho đám hỏi, đám cưới khác với bánh gừng đãi khách. Về chất liệu không có gì thay đổi, chỉ khác là cách nặn bánh, không phải ai cũng làm được bởi bánh phải làm theo một nguyên tắc nhất định, bánh phải có hình đối xứng với nhau, và thời gian làm bánh lâu hơn. Trong lễ cưới, người ta ghim những chiếc bánh gừng vào các que tre, cắm xung quanh chiếc trụ tròn bằng gỗ hay đất sét trang trí hoa văn sặc sỡ bằng giấy màu rồi đem chưng trên bàn thờ".

Có dịp đến thăm bà con Khmer và thưởng thức món bánh gừng trong những ngày Tết, bên mâm trà ngút khói, cắn miếng bánh gừng, vị ngọt của đường cùng với cái béo của nếp, của dầu, người ta sẽ cảm nhận được hương vị đặc biệt, có dấu ấn rất riêng, làm cho người ăn như nhớ về quê hương cùng những kỷ niệm tuổi thơ, nhớ những ngày lễ hội quê nhà. Dẫu cuộc sống có muôn vàn thay đổi, dòng thời gian cứ trôi theo quy luật vốn có, nhưng bánh gừng vẫn còn mãi trong lòng bà con Khmer Nam Bộ thật thà, chất phác.

LÊ VŨ

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/202505/banh-gung-mon-an-dan-da-cua-dong-bao-khmer-nam-bo-37206c3/