Khi ẩm thực trở thành 'đại sứ' văn hóa
Nằm ở nơi 'cuối Bắc đầu Trung', xứ Thanh vẫn được xem là vùng đất đặc biệt - một 'Việt Nam' thu nhỏ. Có lẽ, từ sự độc đáo của 'hình sông, dáng núi', người xứ Thanh nương theo đó đã tạo nên những phong vị ẩm thực đặc sắc của quê Thanh. Không chỉ là những món ăn, thức quà hấp dẫn, ẩm thực còn ví như 'đại sứ' văn hóa để du khách - thực khách hiểu hơn về mỗi vùng đất, con người quê Thanh.
Tôi nhớ, lần đầu tiên ngược ngàn lên với biên viễn Mường Lát, còn chưa hết choáng ngợp trước núi non hùng vĩ thì người bạn đồng hành đã... rủ rê: “Chợ phiên Nhi Sơn ở Mường Lát mỗi tháng chỉ mở họp một lần. Vừa hay, ngày mai có chợ phiên, bận gì thì bận, sáng mai cứ phải đi chợ phiên đã. Lên Mường Lát gặp chợ phiên mà không đi thì quả là đáng tiếc”.
Ngày hôm sau, sự háo hức khiến chúng tôi có mặt ở chợ từ khá sớm. Trong bảng lảng mờ sương của núi rừng, những dòng người theo chân nhau về chợ - đi chơi chợ. Chẳng mấy chốc, chợ Nhi Sơn đã kín người. Người bán, người mua rộn ràng... Chúng tôi dạo một vòng khắp chợ, bụng cũng đã chừng thấy đói, người bạn đi cùng lại bảo: “Lên với người Mông là phải ăn thắng cố”. Vừa nói, bạn kéo tôi vào một gian hàng ăn trong chợ có rất đông người. Ở đó có người già, người trẻ, cả những cặp vợ chồng dẫn theo con nhỏ...
Những bát thắng cố nghi ngút khói được bê ra trước sự chờ đợi của thực khách. Quấy nhẹ bát thắng cô, nếm chút nước trước, bạn tôi thủng thẳng bảo: “Với mình, ăn thắng cố để thấu hiểu hơn cái sự vất vả, khó khăn của đồng bào vùng cao nói chung, người Mông nói riêng... Có người nói thắng cố có gì mà ngon, mình không tranh luận vì sở thích ẩm thực mỗi người không giống nhau. Nhưng, đôi khi có những món ăn, ta ăn không phải để lấy no hay thỏa mãn cơn thèm, mà ăn là để hiểu. Không phải ngẫu nhiên mà một món ăn được nấu từ những thứ tưởng chừng “lủng củng” như xương, da, lòng... lại được nhiều người thương nhớ như thắng cố. Đôi khi, từ những đắng cay, chua chát và tưởng chừng như chẳng có gì, lại khiến ta yêu vùng đất và con người làm ra nó hơn. Hãy cứ ăn thắng cố với tâm ý thưởng thức để hiểu”.
Cứ như vậy, bên bát thắng cố, chén rượu men lá thơm, bạn kể tôi nghe về cuộc sống của người Mông trên núi đá. Về hành trình vượt khó, về khát vọng thoát nghèo... Thắng cố nóng hổi quện lẫn hương rượu thơm khiến thực khách như chừng dễ “say” hơn. Và sau lần đầu thưởng thức ấy, mỗi khi ai đó nhắc đến thắng cố, tôi lại nhớ đến da diết vùng đất biên viễn xứ Thanh.
Ai đó nói rằng, một món ăn ngon đôi khi không hẳn bởi sự cầu kỳ mà đơn giản bởi nó chứa đựng phong vị của đất và người nơi nó được làm ra. Điều này, có lẽ đặc biệt đúng với những món ăn dân dã. Và xứ Thanh, quả thực không thiếu những món ăn - đồ ăn, thử một lần là nhớ.
Thử một lần ăn bánh đa làng Chòm, cái vị giòn xốp của bột gạo quện lẫn mùi thơm của vừng khiến người ta say mê. Ghé thăm làng Chòm, tôi không khỏi bất ngờ trước sự nhộn nhịp của làng nghề truyền thống. Nhà nhà xay bột, người người làm bánh, không gian làng quê ngày nắng ráo được tận dụng tối đa cho việc phơi bánh. Bánh làm ra bao nhiêu đều được tiêu thụ hết, đời sống người dân cũng nhờ đó mà khấm khá từng ngày.
Đáng nói, bánh đa làng Chòm còn là thức quà theo chân nhiều người xa quê. Anh Nguyễn Trọng Quang, một người làm nghề bánh đa làng Chòm, chia sẻ: “Bánh đa làng Chòm theo chân người dân đi vào Nam, ra Bắc, thậm chí là sang cả nước ngoài. Người ta ăn miếng bánh đa thơm mùi vừng là còn để nhớ về quê hương”.
Rồi tôi lại nhớ đến người bạn đại học của mình quê ở Hà Tĩnh. Mấy tháng trước bạn ra xứ Thanh, chơi thăm Lam Kinh. Trên đường về, tôi dẫn bạn ghé đất Tứ Trụ, mua vài chục bánh gai làm quà cho người thân ở nhà. Ban đầu bạn chối, bảo ngại xách, vả lại bánh gai ở đâu cũng có, đâu nhất thiết phải mang theo cho vất vả... Nói là vậy nhưng rồi tôi vẫn kịp “dúi” cho bạn túi bánh thơm mùi lá chuối khô. Ấy vậy mà chỉ vài hôm sau, bạn nhắn ra: “Lần đầu tiên ăn bánh gai quê Thanh, tưởng không ngon mà ngon không tưởng. Bánh gai Tứ Trụ, ngon từ bánh đến tên gọi cũng đặc biệt”.
Nếu thắng cố khiến ta nhớ về Mường Lát thì nem chua lại là món ăn “gợi nhớ, gợi thương” của xứ Thanh. Được tạo nên từ những nguyên liệu phổ biến nhưng tại sao nem chua Thanh Hóa lại “đốn tim” nhiều thực khách đến vậy? Là công thức đặc biệt, bí quyết trao truyền hay điều gì khác?! Vị ngọt của thịt lợn, vị cay nồng của tỏi ớt, vị thơm của lá cây... tất cả quện lẫn tạo nên phong vị riêng có của nem chua xứ Thanh. Để rồi, nhắc đến Thanh Hóa, nhớ đến nem chua hay nói đến nem chua, nhớ về Thanh Hóa, nói thế nào cũng đúng!
Ẩm thực quê Thanh, đơn giản có mà dụng công cũng không nhiều. Trong đó, gỏi cá nhệch xứ Thanh vừa dân dã nhưng cũng không kém phần cầu kỳ, làm hài lòng, khiến thực khách say mê. Cá nhệch ngon đã đành, nhưng gỏi nhệch đặc biệt còn là bởi sự kết hợp hài hòa của rất nhiều nguyên liệu, gia vị, chẻo chấm... Để khi ăn, người ta cảm nhận được sự trọn vẹn tinh tế. Đặc biệt, mới đây gỏi cá nhệch còn được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam công nhận là 1 trong 121 món ăn tiêu biểu Việt Nam.
Nhưng xứ Thanh không chỉ có nem chua, bánh gai, gỏi nhệch... Đặt chân đến mỗi vùng đất, ta đều “bắt gặp” những phong vị ẩm thực mà chỉ một lần nếm thử, dư vị còn vấn vương về sau. Đó có lẽ là sự đặc biệt của ẩm thực Việt nói chung, ẩm thực xứ Thanh nói riêng. Để tạo nên món ăn ngon, khác biệt thì đâu thể thiếu đi nguyên liệu lựa chọn, bàn tay, tâm huyết của con người, mỗi món ăn mang “bản sắc” văn hóa địa phương.
Theo ước tính của Tổ chức Du lịch ẩm thực thế giới, có tới 81% du khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu ẩm thực địa phương và khách du lịch sẵn sàng dành 25 - 35% chi phí để chi tiêu cho thực phẩm và đồ uống. Ẩm thực không chỉ đóng vai trò là yếu tố phục vụ nhu cầu ăn uống đơn thuần của du khách mà còn là một trong những mục đích chính của chuyến du lịch, chi phối mạnh mẽ quyết định lựa chọn điểm đến và kích thích khả năng chi tiêu của du khách (theo Báo Nhân Dân).
Thanh Hóa tự hào là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, là cảnh sắc núi sông hữu tình, thiên nhiên hoang sơ, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể... Và xứ Thanh, còn có sự đa dạng, hấp dẫn về ẩm thực. Khi gắn với phát triển du lịch, ẩm thực cũng là một “đại sứ” quan trọng để du khách nhớ về. Và nếu đã xem ẩm thực cũng là một “đại sứ” cho sự phát triển của văn hóa - du lịch, thì cũng đã đến lúc, chúng ta cần phải quan tâm, chăm chút kỹ hơn cho vị “đại sứ” đặc biệt.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mon-ngon/khi-am-thuc-tro-thanh-dai-su-van-hoa/29890.htm