Khi con người là trung tâm của sự phát triển
Lấy con người làm trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước; Nhà nước tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân – đó là quan điểm lớn được nêu trong Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Quan điểm lấy con người làm trung tâm của sự phát triển không chỉ là mục tiêu hướng tới mà đã và đang được thực hiện một cách có hệ thống ở Việt Nam.
Bàn về quyền con người, trong cuốn sách "Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời đã nhấn mạnh: “Không chờ đến khi kinh tế đạt tới trình độ phát triển cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Chăm lo cuộc sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, trong đó có giảm nghèo, đảm bảo việc học hành, chữa bệnh, là phương thức thiết thực của chính sách đưa con người làm trung tâm, đối tượng của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo theo hướng tăng dần nhu cầu cơ bản của người dân qua các giai đoạn: 1993-1995; 1995-1997; 1997-2000; 2001-2005; 2006-2010; 2011-2015; 2016-2020, 2021-2025.
Chuẩn nghèo 1993-1995 quy định: Hộ đói có bình quân thu nhập đầu người quy theo gạo/tháng dưới 13kg đối với thành thị, dưới 8kg đối với khu vực nông thôn. Hộ nghèo là hộ có thu nhập bình quân đầu người quy theo gạo/tháng dưới 20 kg đối với thành thị, dưới 15kg đối với khu vực nông thôn.
Đến giai đoạn 2001-2005 khái niệm “hộ đói” không còn xuất hiện trong quy chuẩn, còn định nghĩa “hộ nghèo” là hộ có thu nhập bình quân đầu người tại vùng nông thôn miền núi, hải đảo ở mức 80.000 đồng/người/tháng; vùng nông thôn đồng bằng ở mức 100.000 đồng/người/tháng; vùng thành thị: 150.000 đồng/người/tháng.
Từ giai đoạn 2016-2020 chúng ta bắt đầu áp dụng “chuẩn nghèo đa chiều” bao gồm tiêu chí về thu nhập, mức độ thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục; nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin); tiêu chí cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có thu nhập trung bình.
Ở giai đoạn 2021-2025 trong bộ tiêu chí đo lường nghèo đa chiều có tiêu chí thu nhập (khu vực nông thôn: 1.500.000 đồng/người/tháng, khu vực thành thị: 2.000.000 đồng/người/tháng).
Vào năm 1993 hộ nghèo ở nước ta chiếm tới 58,1%, ở năm 2015 còn 9,88% và đến năm 2024 số hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều mới chỉ còn 1,93% (gần 600 nghìn hộ). Tính chung cả hộ nghèo và hộ cận nghèo thì con số của năm 2024 là 4,06% (hơn 1,2 triệu hộ), giảm 1,65% so với năm 2023.
Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có tỷ lệ nghèo đa chiều là 0% (gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo). Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng và hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Ninh không còn hộ nghèo.
Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, thuộc tốp 30 trên thế giới.
Theo báo cáo Chỉ số nghèo đa chiều (MPI) toàn cầu được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Sáng kiến xóa nghèo đói và phát triển con người (OPHI) tại Đại học Oxford của Anh công bố ngày 15/7/2023, Việt Nam là một trong 25 quốc gia đã giảm chỉ số MPI xuống còn một nửa trong vòng 15 năm.
Bên cạnh việc giảm nghèo thì Việt Nam đã có bước nhảy vọt về tăng tổng sản phẩm nội địa (GDP) và GDP tính theo đầu người.
Vào năm 1974 quy mô nền kinh tế của cả miền Bắc và miền Nam cộng lại chưa đầy 22 tỷ USD. Trong giai đoạn 1976 - 1980 tốc độ tăng GDP chỉ đạt 1,4%, thậm chí vào năm 1980 mức tăng GDP là âm 1%. Đến năm 2024, GDP của Việt Nam đã đạt mức 476,3 tỷ USD (gấp gần 129 lần so với năm 1975), đứng thứ 24 trên thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP). Năm 2025, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ có quy mô 506 tỷ USD.
Vào năm 1989 thu nhập bình quân đầu người chỉ là 96 USD, đến năm 2009 nước ta đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình là 1.120 USD. Năm 2024, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD (tương đương 114 triệu đồng), gấp 58,75 lần so với năm 1975.
Cùng với việc nâng cao thu nhập là tuổi thọ của người dân Việt Nam đã tăng cao. Tuổi thọ trung bình của người dân nước ta có bước nhảy vọt - từ khoảng 38 vào năm 1945, lên 60 ở giai đoạn 1975 - 1980 và đạt mức 74,5 tuổi vào thời điểm hiện nay.
Hiện tại, nước ta có gần 432.000 nhân lực y tế, đạt mức 14 bác sỹ trên 10.000 dân, có 1.645 bệnh viện, trong đó 34 bệnh viện tuyến trung ương, gần 500 bệnh viện thuộc tỉnh.
Việt Nam đang hướng tới việc miễn viện phí toàn dân vào giai đoạn từ 2030 - 2035 - 2045.
Theo lãnh đạo Bộ Y tế, từ năm 2026 đến năm 2030, dự kiến sẽ có 90% người dân được tiếp cận đầy đủ dịch vụ dự phòng bệnh tật, nâng cao sức khỏe, sẽ có 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi năm một lần. Đến năm 2035 hoặc 2045, hệ thống y tế của Việt Nam sẽ đáp ứng đầy đủ, kịp thời yêu cầu về chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe của nhân dân, thực hiện chủ trương người dân không phải chi trả thêm chi phí khi khám, chữa bệnh có bảo hiểm y tế.

Việt Nam cũng sẽ miễn học phí cho tất cả học sinh (hơn 22 triệu em) từ mầm non (từ 3 tháng tuổi) đến hết trung học phổ thông công lập trên toàn quốc từ năm học 2025 – 2026. Còn học sinh ngoài công lập (khoảng hơn 1 triệu em) được bù từ ngân sách nhà nước khoản tiền bằng học phí công lập.
Mức chi cho giáo dục của Việt Nam từ ngân sách nhà nước tương đương 4,9% GDP và vào năm 2017 nước ta đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Hiện tại, tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều đạt 100% mức chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học.
Thành quả từ việc đặt con người làm trung tâm của sự phát triển ở Việt Nam đã được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao.
Báo cáo phát triển con người (HDR) 2025 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam được công bố ngày 12/5/2025 cho biết: Chỉ số HDI của Việt Nam năm 2023 đạt mức 0,766, được xếp vào nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao (đứng thứ 93 trên tổng số 193 quốc gia và vùng lãnh thổ). Từ năm 1990 đến năm 2023 chỉ số HDI của Việt Nam đã được nâng từ mức 0,499 lên 0,766, tăng 53,5%.
Báo cáo Phát triển Con người (HDR) đã được công bố hầu hết vào các năm kể từ năm 1990.
Chỉ số phát triển con người (Human Development Index - HDI) là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới.
Năm đặc trưng của quan điểm phát triển con người gồm: Con người là trung tâm của sự phát triển; Người dân là mục tiêu của phát triển; Việc nâng cao vị thế của người dân (bao gồm cả sự hưởng thụ và cống hiến); Chú trọng việc tạo lập sự bình đẳng cho mọi người dân về mọi mặt: tôn giáo, dân tộc, giới tính, quốc tịch, màu da; Tạo cơ hội lựa chọn tốt nhất cho người dân về: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa...
HDI là một thước đo tổng quát về phát triển con người, thể hiện thành tựu trung bình của một quốc gia theo ba tiêu chí: sức khỏe (LEI) - cuộc sống dài lâu và khỏe mạnh, đo bằng tuổi thọ trung bình; tri thức (EI) - đo bằng số năm đi học bình quân (MYSI) và số năm đi học kỳ vọng (EYSI); thu nhập - đo bằng GNI (tổng thu nhập quốc dân) bình quân đầu người.
Phát biểu tại phiên Thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 diễn ra vào ngày 24/9/2024 theo chủ đề "Không để ai bị bỏ lại phía sau: Hành động đoàn kết để thúc đẩy hòa bình, phát triển bền vững, phẩm giá con người vì các thế hệ hôm nay và tương lai”, đồng chí Tô Lâm, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, khi đó đồng thời là Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đã chia sẻ tầm nhìn của nước ta về một tương lai hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng và bền vững hơn cho mọi người dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Đặt con người ở vị trí trung tâm chủ thể để hiện thực hóa các tầm nhìn. Lấy người dân là trung tâm, mục tiêu, động lực của mọi chính sách và hành động ở tất cả các cấp độ”.