Khi công việc trở thành một loại chất gây nghiện

Hoàn thành các mục tiêu đề ra trong công việc khiến nhiều người cảm thấy thoải mái và hưng phấn. Cảm giác được chinh phục các thử thách là động lực để họ làm việc hăng say hơn.

 Niềm vui được thể hiện bản thân, được người khác công nhận, trở thành động lực để nhiều người làm việc hăng say. Ảnh: Pexels.

Niềm vui được thể hiện bản thân, được người khác công nhận, trở thành động lực để nhiều người làm việc hăng say. Ảnh: Pexels.

Chúng ta vội vã suốt một ngày, và thường xuyên cảm thấy chính mình đang thực hiện một danh sách công việc bị kéo dài đến hàng dặm. Chúng ta cảm thấy tự hào khi đặt bút gạch những công việc trên danh sách đó, minh chứng rằng chúng ta đủ tiêu chuẩn để đeo chiếc huy chương bận rộn.

Nhưng khi tất cả công việc được tạo ra quan trọng như nhau, làm sao một người biết được cần phải tập trung năng lượng của mình vào đâu? Đây là lý do chính cho việc chúng ta quay cuồng cả ngày chỉ để nằm trên giường vào buổi tối thắc mắc tại sao ta cảm thấy như mình chưa làm được gì hết.

Bởi vì những công việc quan trọng, những công việc cần nằm ở đầu danh sách của chúng ta, hình như đã bị rơi rụng. Những công việc gấp gáp gào thét sự chú ý của chúng ta, vì vậy chúng ta sử dụng phần lớn thời gian của mình để làm những công việc đó.

Đó chính là lý do bạn cần thẳng tay ném danh sách đó vào đống lửa. Tôi biết điều này đáng sợ. Như Marilyn Ferguson nói: "Cảm giác ấy giống như cảm giác của một cậu bé sợ hãi luôn cuộn mình trong chăn, khi chiếc chăn của cậu đang nằm trong máy sấy. Không còn điều gì để níu giữ.”

Bạn cảm thấy bất an bởi vì não bộ đang thèm khát liều dopamine kích thích xuất hiện mỗi lần bạn đặt một dấu tích ngay ngắn bên cạnh một công việc đã hoàn thành. Nhưng bạn phải ném danh sách đó đi.

Giá trị của chúng ta không phụ thuộc vào độ dài của danh sách công việc. Chúng ta cho phép khái niệm hạn hẹp về giá trị này định nghĩa mình, nhưng chúng ta chỉ đơn giản là bị choáng ngợp. Còn nhớ định nghĩa của chúng ta về thế nào là bị choáng ngợp chứ?

Choáng ngợp là có quá nhiều việc cần làm; là không biết bắt đầu từ đâu. Danh sách dài dặc không chỉ cho ta cần bắt đầu từ đâu. Thay vào đó, nó làm chúng ta bối rối, quay cuồng khi ta luống cuống lướt qua các công việc của mình, thắc mắc làm thế nào ta có thể hoàn thành tất cả.

Đúng, nó khiến chúng ta cảm thấy bận rộn, nhưng nó không giúp chúng ta năng suất, đây chính là mặt tối của danh sách công việc. Nó khiến chúng ta bận rộn cả ngày dài, nhưng không bao giờ đưa chúng ta đến đích chúng ta muốn.

Như Henry David Thoreau nói: “Chỉ bận rộn thôi là không đủ; giống như đàn kiến. Câu hỏi là chúng ta bận rộn vì điều gì?” Nếu chúng ta không biết, chúng ta thật sự bận rộn vì điều gì cả, không điều gì quan trọng cả, vậy đấy. Điều đó có nghĩa là chúng ta phí phạm năng lượng quý giá của mình vào nhầm chỗ.

Mọi người thích việc gạch những công việc khỏi danh sách. Bạn đã bao giờ viết một việc vào danh sách của bạn, một việc mà bạn đã hoàn thành, chỉ để bạn có thể gạch nó khỏi danh sách đó?

Tôi cũng từng làm như vậy. Vấn đề là, nếu chúng ta đưa các công việc đó vào danh sách của mình chỉ để gạch chúng đi, thì danh sách đó không giúp chúng ta đạt hiệu suất hơn, chúng khiến ta trở thành những con nghiện dopamine.

Dopamine là một chất hóa học trong não chịu trách nhiệm cho những cảm giác thỏa mãn mà chúng ta nhận được khi ta hoàn thành một việc gì đó. Cảm giác tốt đẹp mà chúng ta có được khi gạch bỏ một việc trên danh sách ư? Não của chúng ta yêu dopamine vì nó cho chúng ta những khoảnh khắc thỏa mãn.

Khi chúng ta viết ra một danh sách các nhiệm vụ mà ta dễ dàng hoàn thành, chúng ta cho phép não mình trở nên nghiện ngập cảm giác thỏa mãn. Chúng ta muốn có những cú hích dopamine đó, nên khi không ý thức, chúng ta nhồi nhét vào danh sách đó mọi thể loại công việc chỉ đơn giản để có được cảm giác hài lòng khi gạch nó đi. Chúng ta sử dụng danh sách của mình như một công cụ tập trung vào cảm giác, không phải một công cụ năng suất.

Danh sách công việc thường không được sắp xếp và dài bởi vì không có hệ thống lọc. Chúng ta chỉ đơn giản thêm vào những công việc mà ta nghĩ ra. Khi chúng ta nhìn lại cái danh sách lộn xộn của mình để xem cần làm gì tiếp, não của ta bắt ta chọn những việc dễ dàng nhất, tìm kiếm cách được thưởng dopamine nhanh nhất.

Bạn thấy đấy, dopamine không phân biệt giữa quan trọng và không quan trọng; nó chỉ biết rằng khi gạch công việc khỏi danh sách sẽ có cảm giác tốt. Và điều đó có nghĩa là những việc quan trọng trong danh sách của ta sẽ bị đưa vào danh sách chờ.

Cùng thành thật nào, thường thì những công việc quan trọng đó cần nhiều thời gian đưa chúng ta đạt được cuộc sống mà ta mong muốn. Và những ưu tiên thực thụ của chúng ta tiếp tục bị đẩy xa hơn và xa hơn trong danh sách của mình, bị lãng quên và không được thực hiện.

Tanya Dalton/ Best Books & NXB Công thương

Nguồn Znews: https://znews.vn/khi-cong-viec-tro-thanh-mot-loai-chat-gay-nghien-post1485624.html