Khi đàn ông bị… bạo lực

Đa số đàn ông Việt Nam đều mang nặng tâm lý về giới nên khi vợ có nói to tiếng, cáu gắt hay xô xát thì đều nhường nhịn, cam chịu và thường không muốn chia sẻ vấn đề với ai. Họ không cho rằng những hành động này là bạo hành, bạo lực.

“Tôi là nạn nhân của bạo lực gia đình mà không biết”

Anh Lê Đình Đ. (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) chia sẻ, những lúc vợ chồng xô xát, anh luôn tự nhắc mình là đàn ông, nên thường nhường vợ. Tuy nhiên, khi đó, vợ anh lại được thể lấn tới.

Bình thường, các công việc trong nhà anh đều chung tay giúp vợ như dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, rửa bát… Gia đình kinh doanh, anh thường phụ giúp vợ bán hàng. Thời gian nghỉ ngơi của anh sau một ngày đi làm là rất ít ỏi.

Anh Đ. cho biết tiền lương chuyển vào tài khoản của anh, nhưng anh thường xuyên nhận được các câu hỏi căn vặn từ vợ như: anh có bao nhiêu tiền, hàng tháng chi tiêu bao nhiêu, vào việc gì và tại sao anh lại chi tiêu vào việc đó… Điều này khiến anh rất bức xúc và đau lòng bởi luôn có cảm giác mình phải trộm những đồng tiền mình tự kiếm được.

Chưa bao giờ nghĩ đến việc lập "quỹ đen", tuy nhiên, chịu quá nhiều áp lực từ người vợ, anh đành phải tự tạo cho mình một khoản riêng. Khi chi tiêu từ khoản tiền này, anh luôn phải giấu giếm, khiến anh ức chế.

Ấm ức dồn nén, không cảm thấy hạnh phúc nhưng lại không nỡ ly hôn vì nghĩ tới con cái, anh Đ. cho hay.

Anh Lê Đình Đ. (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), một nạn nhân của bạo lực gia đình.

Anh Lê Đình Đ. (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội), một nạn nhân của bạo lực gia đình.

Bạo lực lâu dài về tinh thần sẽ trở thành bệnh lý

Nhiều nạn nhân nam giới không nhận ra mình bị bạo lực hay có nhận ra nhưng lại âm thầm chịu đựng, chấp nhận, chung sống trong thời gian dài. Theo bác sĩ tâm lý Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương, người đàn ông bị bạo hành gia đình thậm chí còn bị tổn thương tâm lý nặng nề hơn phụ nữ do các định kiến xã hội đặt lên họ. Về lâu dài, những tổn thương tinh thần này sẽ trở thành bệnh lý nếu không được giải tỏa hoặc điều trị.

TS. Trần Thị Hồng Thu cho rằng người đàn ông thường ngần ngại khi chia sẻ những vấn đề ẩn ức của mình, bởi quan niệm: đã là đàn ông, mặc định phải mạnh mẽ, dũng cảm để vượt qua tất cả.

Tuy nhiên, theo TS. Thu, người đàn ông không phải là siêu nhân, họ cũng có những nỗi niềm riêng, nếu như bị stress kéo dài bởi những ẩn ức không được giải tỏa, có thể dẫn tới hệ lụy rối loạn tâm thần như lo âu, trầm cảm.

Đàn ông không phải là siêu nhân, họ cũng có những nỗi niềm riêng.

Đàn ông không phải là siêu nhân, họ cũng có những nỗi niềm riêng.

Khoản 2 Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 quy định về quyền bình đẳng của mọi người khi đứng trước pháp luật, mỗi cá nhân đều có quyền khiếu nại, tố cáo đối với bất kỳ ai gây ra hành vi bạo lực dù là nam hay nữ.

Người có hành vi xâm hại sức khỏe; hành hạ, ngược đãi; xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình có thể sẽ bị phạt hành chính từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 theo quy định của pháp luật.

Người có hành vi bạo lực gia đình có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015).

Tình trạng nam giới bị bạo hành tại các nước phát triển

Trên thế giới, nhiều quốc gia ghi nhận số lượng nam giới là nạn nhân bị bạo hành chiếm phần đáng kể. Rất ít nạn nhân nam dám nói về điều này vì những định kiến về nam tính trong xã hội.

Năm 2022, tại Thụy sĩ có 11.388 nạn nhân bị bạo hành gia đình. Nam giới chiếm tới 1/3 trong số này. Còn tại Pháp, theo nghiên cứu của INSEE năm 2019, nam giới chiếm 28% số nạn nhân của bạo lực gia đình, dù là về thể chất, tâm lý hay tình dục. Số nạn nhân nam tăng trung bình 82.000 người mỗi năm trong giai đoạn 2011-2018.

Rất ít nạn nhân nam dám nói mình bị bạo hành bởi những định kiến về nam tính trong xã hội.

Rất ít nạn nhân nam dám nói mình bị bạo hành bởi những định kiến về nam tính trong xã hội.

Năm 2020, Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (CSJ) công bố số liệu 1/3 nạn nhân bạo hành gia đình là nam giới. Mặc dù chiếm tỉ lệ lớn, nạn nhân nam vẫn phải đối mặt với thái độ nghi ngờ, bài trừ khi trình báo với cơ quan chức năng.

CSJ cho rằng sự kỳ thị của xã hội về bạo lực gia đình trở nên mạnh mẽ hơn khi nạn nhân là nam giới và thủ phạm là phụ nữ. Điều đó khiến nạn nhân là nam giới ít được lắng nghe, quan tâm và bảo hộ hơn nữ giới.

Tổ chức từ thiện ManKind báo cáo rằng, vào năm 2021, trong số 238 nơi ẩn náu cho nạn nhân của bạo hành gia đình, chỉ có 58 nơi cam kết hỗ trợ nạn nhân là nam. Các chuyên gia cho rằng đàn ông khó có thể trình báo những vụ bạo hành bởi họ không muốn nói rằng họ đã bị phụ nữ lạm dụng, tấn công vì điều đó bị coi là thiếu nam tính và yếu đuối.

Nhiều chuyên gia lo ngại trước thực trạng đàn ông chưa được lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ khi bị bạo hành, lạm dụng trong gia đình, cho dù trên thực tế bất kỳ ai cũng có thể bị bạo lực gia đình, không phân biệt giới tính, giai cấp, thành phần xã hội.

Báo cáo về bình đẳng giới tại nước ta cho thấy năm 2023 ghi nhận hơn 3.100 hộ xảy ra bạo lực gia đình với hơn 3.200 vụ (năm 2002 hơn 4.400 vụ). Trong đó, bạo lực thân thể xảy ra nhiều nhất với 1.520 vụ, tiếp đến là bạo lực tinh thần 1.400 vụ, bạo lực kinh tế 230 vụ và bạo lực tình dục 110 vụ.

Điều đáng nói là nhiều người đang cho rằng đây không phải là vấn đề quá nhức nhối. Người trong cuộc thường im lặng chịu đựng tất cả.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/khi-dan-ong-bi-bao-luc-240178.htm