Khi hoa Chămpa nở bên dòng Sê Păng Hiêng
Tháng Bảy. Ở phía bên kia dãy Trường Sơn, giữa đại ngàn biên giới Lào - Việt, đâu đó vẫn còn bao anh hùng liệt sĩ nằm lại dưới từng vòm cây, từng lớp đất rừng Sê Pôn, chưa kịp trở về với đất mẹ. Có những người lính trẻ ngã xuống không phải trong trận đánh, mà trong một hành trình thầm lặng: Đi tìm đồng đội đã ngã xuống trước mình.
Ngã xuống khi đang tìm người ngã xuống
Tháng 3/1996, một chàng trai trẻ tên Phạm Viết Hòa, quê ở Anh Sơn, Nghệ An, lúc ấy mới 21 tuổi, đã khoác ba lô từ thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị (cũ), lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng tân binh, anh được biên chế về Đội Quy tập hài cốt liệt sĩ 584 (Đội 584), Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị (cũ). Đây là đơn vị chuyên trách thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào.

Đội 584 tìm kiếm, cất bốc, quy tập hài cốt liệt sĩ ở Lào.
Mùa khô năm 1996 - 1997, lần đầu tiên Hòa được cùng đồng đội vượt biên giới, hành quân vào rừng sâu nước bạn Lào. Đó là mùa khô thứ ba của Đội 584, hành trình mà ai cũng hiểu, không chỉ có lau lách, vắt rừng, vách núi và sốt rét, mà còn là những đoạn đường mịt mù dấu chân, nơi ký ức chiến tranh chưa kịp khép miệng.
“Gian nan, nguy hiểm lắm, nhưng khi hoa Chămpa nở rộ, ta sẽ trở về, trở về cùng đồng đội”, một cán bộ Đội 584 nói khi cả đoàn tạm dừng bên con suối vắt ngang rừng Sê Pôn. Lúc ấy, binh nhất Hòa đã mỉm cười, mắt ánh lên niềm tha thiết: “Hoa ấy về trồng ở Vĩnh Linh chắc hợp lắm. Mai này em xin mang một nhánh về trồng làm kỷ niệm”. Đó là lần đầu anh đi tìm mộ nhưng cũng là lần cuối.
Sáng 8/3/1997, Đội 584 hành quân đến Vàng Hày, huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet. Một ngày sau cơn mưa như trút nước, núi mờ mịt, sông Sê Păng Hiêng trở nên hung hãn. Trong lúc cõng hài cốt đồng đội vừa được tìm thấy băng qua dòng lũ cuộn xiết ấy, Hòa đã bị cuốn trôi. Đến chiều tối, đồng đội mới tìm thấy thi thể anh, mắc lại giữa một nhánh sông. Mùa khô ở Lào chưa kết thúc. Nhiệm vụ chưa hoàn thành. Nhưng người lính trẻ ấy đã vĩnh viễn nằm lại nơi rừng sâu nước độc, khi tuổi đời mới vừa 22. Sáng hôm sau, hoa Chămpa bất ngờ nở bừng bên mép rừng, như một lời tiễn biệt thầm lặng mà day dứt. Người lính trẻ ấy đã nằm lại giữa đất bạn, để linh hồn mình hòa vào những mùa hoa sau này.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ mùa khô đầu tiên (1984), khi Đội 584 đặt chân sang đất bạn Lào để tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên chiến trường. Thượng tá Trần Quang Lục, nguyên Chính trị viên của Đội, vẫn nhớ như in từng chuyến đi, từng nắm đất được bới lên cùng với mảnh xương cốt, di vật liệt sĩ, và cả những lần lặng lẽ tiễn đưa trong nghẹn ngào, xen lẫn niềm an ủi âm thầm. “Mỗi lần có người hy sinh, nỗi đau lại như mới. Không phải vì chúng tôi không quen với mất mát, mà bởi những người ngã xuống đều là đồng đội, là anh em, là những người đang đi tìm anh em khác”, Thượng tá Lục trầm giọng chia sẻ.
Tháng 4/2005, Đội 584 một lần nữa nhận tin dữ. Thượng sĩ Trương Quang Thanh (SN 1980, quê ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh - địa bàn thuộc tỉnh Quảng Trị trước khi sáp nhập) - một Tiểu đội trưởng giàu kinh nghiệm, vui tính và luôn gắn bó với đồng đội, đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại Mường Phìn, tỉnh Savannakhet. Lúc ấy, đơn vị đang hành quân qua bản Phà Loong thì cơn giông ập đến, trời chuyển mây đen dày đặc, gió rít từng hồi rồi sấm sét đùng đoàng. Một thân cây đại thụ đổ xuống, trúng vào người Thanh.
Trước hôm hy sinh, anh còn tíu tít kể với đồng đội: “Mùa hến ở Gio Mai quê tui là ngon nhứt. Về chơi nhà tui nghe, mẹ tui nấu món hến trứ danh đó”. Lời mời chưa kịp thực hiện. Nhưng hương vị của quê hương, nụ cười của người lính ấy, đến giờ vẫn còn đọng mãi trong từng bước chân của những đồng đội tiếp tục lên đường. Nguyên Thượng tá Trần Quang Lục, người trực tiếp khâm liệm thi thể liệt sĩ Thanh, kể lại trong nghẹn ngào: “Tôi còn nhớ mãi… Cậu ấy bị thương rất nặng ở đầu, vai và ngực. Máu thấm đỏ áo rừng. Đồng đội ai cũng sững sờ”.
Đưa đồng đội về nhà - hơn 40 mùa khô không dừng bước
Đội 584 được thành lập năm 1984, trong một căn cứ nhỏ tại Huế. Khi ấy, 19 cán bộ, chiến sĩ do Trung úy Trần Quang Trung làm Đội trưởng, nhận nhiệm vụ đặc biệt: lên đường sang nước bạn Lào, tìm kiếm, cất bốc và đưa hài cốt quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trong kháng chiến trở về với đất mẹ. Những ngày đầu đặt chân lên huyện Su Muồi, tỉnh Savannakhet, hai chiếc xe Gát cũ kỹ mất bốn ngày mới bò tới đích. Người lính, vừa quen nếp đánh giặc, giờ hóa thành người lần tìm dấu mộ, với hành trang là cuốc xẻng, một bản đồ mờ nhòe, vài tin tức rời rạc và lòng biết ơn vô hạn của nhân dân nước bạn.
Mùa khô ở Lào thường bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài đến hết tháng 4 năm sau. Nguyên Thượng tá Trần Quang Lục kể lại rằng, ở Lào, những tháng mùa khô ấy, cái gì cũng khô quắt queo. Lá rừng giòn như bánh tráng. Cỏ úa, đất nứt chân chim, suối chỉ còn lại những lòng cạn lổn nhổn đá cuội. Có những ngày, lính quy tập lội suối, trèo đèo từ tinh mơ đến trưa, mướt mồ hôi mà không tìm được bất kỳ dấu tích nào. Mọi manh mối dường như tan biến giữa cái nắng 40 độ gắt gao và lớp bụi khô khốc của rừng khộp.
Đã có lúc tưởng chừng bỏ cuộc, thì một lời khấn vọng bật lên trong lặng thinh: “Đồng đội ơi, nếu còn linh thiêng, hãy chỉ cho chúng tôi nơi các anh đang nằm”. Và rồi, như một thứ linh cảm đánh động đến tầng sâu của tâm linh, một chiến sĩ bất ngờ kêu lên từ bụi cây gần đó. Khi đào lên, lực lượng phát hiện 32 bộ hài cốt. Nhưng tìm thấy mộ mới chỉ là điểm bắt đầu. Công việc bốc mộ giữa mùa khô ngột ngạt mới là giới hạn thực sự của sức người.
Giữa cái nóng hầm hập 39-40 độ, những người lính ngồi lút đầu dưới đáy huyệt sâu, kiên nhẫn bóp vụn từng nắm đất, lần từng mẩu xương. Có ngôi mộ “kết”, thi hài được bọc nhiều lớp nilon, vừa tháo nút buộc, nước vàng trào ra cùng mùi tử khí khiến chiến sĩ mới phải bật khỏi hố vì choáng váng. Những cán bộ, đảng viên lại lặng lẽ xuống thay, không lời giáo huấn nào thấm hơn hành động của họ.
“Có lần, một quả mìn sót lại nổ dưới mộ, khiến bốn chiến sĩ bị thương. Xương người, bụi đất và máu thịt của những người sống hòa quyện lại, như một lời thề âm thầm giữa hai thế hệ: Chúng tôi sẽ đưa các anh về!”, ông Lục trầm ngâm kể lại mà như nói với chính mình. Ông bảo, có chiến sĩ từng bật khóc khi nhặt được một chiếc lược, mảnh giấy, khẩu súng hoen gỉ, những dấu vết cuối cùng của người đã ngã xuống. Những vật mòn theo năm tháng, nhưng mang nguyên vẹn một phần ký ức.
Hơn bốn thập niên qua, Đội 584 đã tìm về được hơn 6.000 hài cốt liệt sĩ, trong đó hơn 5.500 tại Lào, số còn lại ở miền Tây Quảng Trị (cũ). Dẫu phần lớn không còn đủ tên tuổi, nhưng từng mảnh xương ấy đều được nâng niu, đặt vào huyệt trong tiếng kèn tiễn biệt và lời gọi: “Đồng đội ơi, đã về!”. Với thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2008, Đội 584 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới”.
Ba năm sau, Đại tá Trần Hữu Lưu, người Đội trưởng huyền thoại, cũng vinh dự được tuyên dương. Đó là những phần thưởng không chỉ xứng đáng mà còn là minh chứng cho một đơn vị đặc biệt, đơn vị quân đội duy nhất của Quảng Trị (cũ) và có thể là cả Quân khu 4 nhận vinh danh cao quý ấy trong thời bình.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/phong-su-tu-lieu/khi-hoa-champa-no-ben-dong-se-pang-hieng-i775786/