Khi người trẻ khởi nghiệp 'tại gia'

Vài năm trở lại đây, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên được nhiều bạn trẻ tại H.Nhơn Trạch hưởng ứng. Nhiều dự án kinh doanh mới lạ ngay tại nhà đang giúp người trẻ khẳng định năng lực bản thân, tạo việc làm cho lao động địa phương và đóng góp vào sự phát triển quê hương.

Đoàn thanh niên H.Nhơn Trạch tham quan mô hình trồng rau thủy canh của anh Bao Minh Quang (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh). Ảnh:B. Mai

Đoàn thanh niên H.Nhơn Trạch tham quan mô hình trồng rau thủy canh của anh Bao Minh Quang (ngụ ấp 2, xã Phước Khánh). Ảnh:B. Mai

* Từ cử nhân thành chủ thương hiệu trà sữa

Sau một thời gian dài thất nghiệp, năm 2014, chị Nguyễn Ngọc Trà My (ấp 2, xã Phước Khánh) quyết định kinh doanh trà sữa, một loại thức uống mới nổi bằng hình thức bán online. Quá trình khởi nghiệp của Trà My có những lúc tưởng chừng phải dừng lại vì “sạch” vốn, thế nhưng chị vẫn kiên trì. Tính đến thời điểm hiện tại, chị Trà My phát triển được 3 cửa hàng trà sữa Mirana tại H.Nhơn Trạch, 2 kênh bán hàng online với tổng doanh thu hơn 300 triệu đồng/ tháng.

Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch Trần Hoàng Sự cho rằng, thời gian qua, phong trào khởi nghiệp trong thanh niên tại H.Nhơn Trạch có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án khởi nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp và dịch vụ tại các vùng nông thôn của H.Nhơn Trạch được triển khai, nhân rộng.

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị Trà My chia sẻ lúc ra trường, chị cầm hồ sơ đi “gõ cửa” nhiều nơi nhưng luôn gặp khó khăn. Được Đoàn Thanh niên xã Phước Khánh hỗ trợ 30 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chị quyết định thử sức với trà sữa. Để có được loại thức uống hợp gu giới trẻ, chị tìm đến các quán trà sữa đông khách ở TP.Biên Hòa, TP.HCM và nhiều nơi thử khẩu vị và học cách thức pha chế, tìm hiểu thành phần, nguyên liệu.

Năm 2014, chị pha chế trà sữa tại nhà và bán hàng qua kênh online cho khách. “Tôi chọn bán hàng qua mạng xã hội để tiết kiệm chi phí nhân công, điện nước, mặt bằng cũng như thăm dò sức mua của thị trường nông thôn” - chị Trà My chia sẻ.

Thành công với cửa hàng trà sữa online tại nhà, chị Trà My quyết định chuyển hướng kinh doanh bằng cửa hàng thực tế. Chị thuê một vị trí tại Trung tâm thương mại Sunrise Plaza (Q.7, TP.HCM) mở cửa hàng trà sữa. Do không lường được hết các chi phí, đặc biệt là chi phí mặt bằng ở “khu nhà giàu”, cũng như rủi ro khi phải cạnh tranh với nhiều loại thức uống đã có tiếng tăm, dẫn đến số tiền chị tích cóp được từ công việc bán trà sữa trong gần 3 năm “đội nón ra đi” không trở lại, chị về quê, phát triển lại kênh bán hàng online.

Công viêc kinh doanh tại quê nhà thuận lợi, chị mở thêm một cửa hàng trà sữa ở gần nhà, rồi thêm 2 cửa hàng tại các xã Đại Phước, Vĩnh Thanh. Ngoài thức uống chính là trà sữa, chị Trà My còn tự nghiên cứu pha chế được gần 20 loại thức uống khác. “Hiện tại thị trường tại H.Nhơn Trạch đã bão hòa. Mình dự định mở 1-2 cửa hàng tại TP.HCM. Tất nhiên sẽ có tính toán cẩn trọng hơn lần trước” - chị Trà My chia sẻ.

* Làm rau thủy canh trên đồng lúa

Từ thực tế là diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình công nghiệp hóa, tác động của xâm nhập mặn và việc trồng lúa trên cánh đồng không còn đem lại hiệu quả kinh tế cao, anh Bao Minh Quang (ấp 2, xã Phước Khánh) đã tiên phong phát triển mô hình trồng rau thủy canh trên đất lúa. Hiện tại, rau thủy canh từ trang trại của anh Quang luôn “cháy hàng”, thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng.

Chương trình Đồng hành với thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp của Huyện đoàn với mục tiêu hỗ trợ thanh niên địa phương làm kinh tế đang nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Huyện ủy, UBND huyện và các đoàn thể. Nhiều ý tưởng kinh doanh, dự án khởi sự của các bạn trẻ được tiếp thêm sức mạnh thông qua hỗ trợ vốn, khoa học kỹ thuật, đi học tập kinh nghiệm, hướng nghiệp cho các bạn học sinh. Bên cạnh nguồn vốn hỗ trợ khởi nghiệp của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn, mỗi cơ sở Đoàn đều thành lập được quỹ hỗ trợ vốn cho thanh niên làm kinh tế và ủy thác với ngân hàng cho thanh niên vay vốn.

Anh Quang bắt đầu câu chuyện từ những khó khăn của người nông dân. Hơn 3 năm trước, xã Phước Khánh có nhiều diện tích lúa bị xâm nhập mặn, từ chỗ sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ hoa màu/năm, người nông dân phải giảm xuống còn 1 vụ lúa và 1 vụ hoa màu/năm. Năng suất lúa và hoa màu cũng giảm. Những người gắn bó lâu năm với đồng ruộng như cha mẹ anh luôn trăn trở với những câu hỏi như “vụ này trồng cây gì, lời hay lỗ?”.

Anh Quang tìm hiểu và quyết định trồng thử rau thủy canh. “Lúc đó, tôi làm công nhân, lương mỗi tháng gần 10 triệu đồng. Cha mẹ và vợ không ai đồng tình với quyết định ở nhà làm rau. Nhưng tôi nghĩ, phải làm gì đó cho cha mẹ mình và những người nông dân nơi đây” - anh Quang nói.

Vụ đầu tiên suôn sẻ, nhưng đến vụ 2, vụ 3, anh Quang liên tục thất bại do vườn rau bị sâu rầy tấn công. Không nản chí, anh Quang mượn vốn của bạn bè và tự mình mua sắt, mua ống nhựa, lưới làm nhà màng trồng rau. Ngoài ra, anh còn tự mình ươm mầm các loại giống rau để tiết kiệm chi phí.

Những ngày đầu bán rau thủy canh sạch với anh Quang vô cùng khó khăn. Anh Quang cần mẫn chạy xe từ chợ này sang chợ khác đi chào hàng. Thấy rau của anh tươi ngon, giống lạ, nhiều tiểu thương quan tâm, nhưng khi đề cập đến giá cả thì ai cũng từ chối. Anh không chào hàng nữa mà để lại rau nhờ họ bán, trường hợp bán được thì ăn chênh lệch 5 ngàn đồng/kg, không bán hết anh tặng tiểu thương mang về ăn. Từ đây, mối hàng của anh tăng dần.

Hiện tại, anh Quang đang trồng 7 loại rau xà lách như: romain, green lôlô, lôlô rosa, xà lách mỡ... bán lẻ với mức giá 40-45 ngàn đồng/kg, còn bán sỉ giá 35 ngàn đồng/kg. “Tôi sẽ phát triển trang trại rau thủy canh lên khoảng 1 ngàn m2 đất lúa. Có lẽ tôi sẽ hợp tác với 1-2 bạn trẻ hoặc những người có cùng đam mê để làm. Kỹ thuật chăm sóc, giống và phân bón tôi không lo và nhu cầu sử dụng rau sạch của người dân cũng ngày càng tăng” - anh Quang chia sẻ.

Mô hình trồng rau thủy canh sạch của anh Quang được Hội Nông dân xã Phước Khánh lấy làm mô hình điểm để bà con nông dân đến tham quan, học hỏi nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

* Thu hơn nửa tỷ đồng mỗi năm từ nuôi... ruồi

Rời quân ngũ, Nguyễn Thái Phong (ấp Sơn Hà, xã Vĩnh Thanh) quyết định về nhà mở trại nuôi ruồi lính đen kết hợp với gà thả vườn. Sau nhiều lần thất bại, mô hình cũng mang lại nguồn thu khoảng 600 triệu đồng/năm cho anh Phong.

Anh Phong chia sẻ, 3 năm trước, tình cờ anh biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho chăn nuôi. Đúng thời điểm chưa định hướng công việc khi rời quân ngũ, anh quyết định về nhà nuôi ruồi. “Thấy tôi nói ở nhà nuôi ruồi, ai cũng ái ngại. Phần vì mô hình này mới lạ, phần vì ai cũng nghĩ ruồi là loài côn trùng chỉ biết gây phiền toái cho cuộc sống của con người. Sự hồ nghi của mọi người càng làm cho tôi có thêm quyết tâm để chứng minh sự lựa chọn của mình” - anh Phong cho hay.

Ban đầu anh nuôi ruồi lấy ấu trùng làm thức ăn cho đàn gà của mình. Về sau, nhận thấy hiệu quả từ loại côn trùng này là vừa thu được trứng, ấu trùng, phân ruồi vừa góp phần xử lý các loại rác thải hữu cơ ở chợ, anh đầu tư mở trang trại nuôi ruồi bán. Để có thức ăn cho ruồi, hằng ngày, anh Phong ra chợ gom trái cây, rau củ quả hư hỏng bỏ đi và mua bã đậu từ các hộ làm đậu hũ cho ruồi ăn. Anh cẩn thận quây lưới để ruồi không bay ra ngoài, gắn quạt thông gió để hút mùi hôi. Anh Phong chia sẻ, sắp tới anh nuôi thêm cá trê, vừa tận dụng được nguồn phân gà, phân ruồi, vừa có thêm thu nhập.

Không chỉ là người đầu tiên thực hiện thành công mô hình nuôi ruồi lính đen làm thức ăn cho chăn nuôi trên địa bàn huyện, anh Phong còn đang góp phần nhân rộng mô hình của mình cho nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh thông qua việc lập Fanpage và kênh YouTube riêng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi ruồi lính đen, đồng thời quảng bá loại thức ăn chăn nuôi này. Mô hình này đã được một số đoàn viên, thanh niên trên địa bàn H.Nhơn Trạch triển khai, nhân rộng.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/trangdiaphuong/202003/huyen-nhon-trach-khi-nguoi-tre-khoi-nghiep-tai-gia-2994509/