Khi thành phố 'thèm' đi bộ

Trong thời chiến tranh, chúng tôi sống ở ngoài Bắc. Năm 1975, anh tôi, ngồi trên chiếc xe tăng tiến vào giải phóng thành phố Huế - quê tôi. Đoàn quân cứ đi, giải phóng sân bay Phú Bài vòng lên Mang Cá, rồi tiến vào Đà Nẵng, tiến vào Sài Gòn, theo mệnh lệnh 'thần tốc'.

Anh chỉ kịp ngoái lại nhìn thành phố quê nhà mà chưa kịp đặt chân xuống hỏi thăm lấy một câu. Sau này, anh tôi rất thích bài hát “Thành Huế chúng mình thương” của nhạc sĩ Hoàng Sông Hương có câu: “Bước em nhẹ trên thành phố Huế, âm hưởng nào dịu mát lòng anh”.

Ngày nay, người đến Huế thường thích thú đi bộ dọc bờ sông Hương, ngắm phong cảnh hữu tình.

Người chủ quán cà phê “Gác Trịnh” – nơi Trịnh Công Sơn từng sống, dẫn tôi ra hành lang. Anh chỉ cho tôi con đường bên sông Bến Ngự bảo: “Người đẹp của Trịnh Công Sơn thường ngày đi học qua con phố này, nên nhạc sĩ đã viết câu hát: “Lối em đi về trời không có mây/ Đường đi suốt mùa nắng lên thắp đầy”.

Huế có con phố mới được đặt tên là phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Mà không chỉ Huế đâu, nhiều nơi đã có những con phố đi bộ.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ của TPHCM quá nổi tiếng rồi, thật ra nó là một quảng trường thì đúng hơn. Tôi vốn có nghề tay trái chơi đàn ghi ta từ thời ban nhạc sinh viên, vào TPHCM, khi rỗi rãi tham gia vào ban nhạc của nghệ sĩ đàn bầu Vân Anh, mấy lần chơi nhạc phục vụ du khách phố đi bộ Nguyễn Huệ. Có hôm trời mưa to lắm, nhưng khách rất đông, họ không chịu về. Chúng tôi động viên nhau, đội mưa chơi nhạc, người đàn người hát, người cầm ô che mưa, phục vụ những người yêu đi bộ đến tận khuya.

Nghệ sĩ Trần Mạnh Tuấn thường tổ chức chơi nhạc jazz miễn phí trước cửa Nhà hát thành phố. Người nghe dừng hết cả lại, chăm chú thưởng thức một kiểu “nhà hát ngoài trời” phóng khoáng. Phố đi bộ Bùi Viện ở quận 1 đã thành thương hiệu quốc tế nên không chỉ ngày cuối tuần mà ngày thường khách Tây, khách Việt Nam cũng tụ tập gặp gỡ, uống cà phê, làm một vài ly bia với giá bình dân.

Có một điều tưởng chừng phi lý, đó là người ta cứ nghĩ phải những vùng sâu vùng xa, những nơi chưa có đường ô tô tới nơi thì người ta mới đi bộ, không ngờ giờ trong thành phố lại mọc lên lắm phố đi bộ đến thế.

Cuối năm 2022, Sở GTVT TPHCM cho biết nhiều quận, huyện thiết tha đề xuất tổ chức điều chỉnh tổ chức giao thông trên một số tuyến đường để tổ chức phố đi bộ như quận 3, quận 10, quận 11, Phú Nhuận, thậm chí các nơi vốn là ngoại ô một thời như Thủ Đức, quận 9… người dân cũng muốn có phố đi bộ. Sở GTVT TPHCM tổng hợp, đề xuất phương án quy hoạch xây dựng 22 phố đi bộ trong toàn thành phố trong thời gian tới.

Nhiều người xem việc xây dựng các phố đi bộ là “cuộc chiến không khoan nhượng” giữa những người đi bộ với “lữ đoàn” ô tô, xe máy đang ngày một hùng hậu. Nhiều tuyến phố đẹp nhất, nhiều vòng xoay tấp nập nhất có thể sẽ không cho ô tô xe máy “xâm nhập”, ít nhất là vào những ngày cuối tuần, để dành không gian cho những đôi chân, kể cả “những đôi chân trần” được dạo bước trong lòng thành phố.

Phải chăng người thành phố đang cần một nhịp sống chậm rãi và sâu lắng hơn, nhất là khi những hè phố bị lấn chiếm, chia năm sẻ bảy khiến nhiều chỗ muốn đi bộ phải bước xuống lòng đường giữa xe máy và ô tô vút qua?

Khía cạnh kinh tế và công ăn việc làm, các phố đi bộ níu giữ chân du khách tốt hơn, đồng nghĩa việc khách có thời gian mua sắm, thưởng thức các đặc sản. Một thống kê mới đây cho biết hiệu quả của phố đi bộ. Đường sách TPHCM, thực chất là một con phố đi bộ, đã đạt doanh thu hơn 51,6 tỷ đồng, thu hút hơn 3 triệu lượt khách với 435 sự kiện diễn ra trong năm 2022.

Trở lại với thành phố Huế, tôi ghé thăm dịch giả Bửu Ý – người bạn thân của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhà của dịch giả Bửu Ý ở ngay phố đi bộ, nên tầng dưới mở quán cà phê, khách Tây khách ta đủ cả.

Bửu Ý bảo tôi: “Trước kia, đêm ở Huế buồn lắm em ạ. Bây giờ có phố đi bộ rồi, cuối tuần du khách thích ở lại Huế hơn, thích đi bộ thưởng thức đặc sản Huế và nghe nhạc Trịnh, đó là một nét mới của Huế hôm nay”.

NGUYÊN ANH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/khi-thanh-pho-them-di-bo-post1512827.tpo