Khó đạt mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP

Thực hiện Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Ðiện Biên đã có 56 sản phẩm, gồm 4 sản phẩm xếp hạng 4 sao và 52 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Các sản phẩm OCOP đã khẳng định giá trị và chất lượng trên thị trường. Tuy nhiên, việc phát triển sản phẩm OCOP bền vững trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều khó khăn, bất cập.

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản huyện Nậm Pồ tại hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh Ðiện Biên tổ chức.

Khách du lịch tham quan, tìm hiểu các sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản huyện Nậm Pồ tại hội chợ xúc tiến thương mại do tỉnh Ðiện Biên tổ chức.

Năm 2019 - năm đầu tiên thực hiện Chương trình OCOP, huyện Ðiện Biên Ðông tham gia với 4 sản phẩm đặc sản địa phương và 4/4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP xếp hạng 3 sao, gồm: Bí xanh Tìa Dình; lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ và thịt lợn sấy. Hợp tác xã nông nghiệp CCO là đơn vị được lựa chọn làm chủ thể kinh tế của cả 4 sản phẩm.

Những tưởng, đây là bước chạy đà thuận lợi để các sản phẩm đặc sản huyện Ðiện Biên Ðông vươn xa ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ðồng thời, người dân các xã vùng cao có cơ sở để mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra hướng phát triển kinh tế mới, giúp tăng thu nhập, từng bước giảm nghèo nhanh và bền vững. Thế nhưng, mối liên kết giữa chủ thể kinh tế với người dân trực tiếp sản xuất chỉ gắn bó được 2 năm, sau đó rạn nứt và đứt gãy hẳn vào năm 2022. Từ năm 2022, huyện Ðiện Biên Ðông triển khai các kế hoạch, chương trình về phát triển sản phẩm OCOP, các chủ thể kinh tế đã từ chối tham gia. Sản phẩm OCOP của huyện quay lại thời kỳ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự sản tự tiêu.

Ông Nguyễn Trọng Huế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Chương trình OCOP trên địa bàn huyện còn nhiều khó khăn: Chủ thể sản xuất chưa chủ động vào cuộc; mối liên kết sản xuất của chủ thể kinh tế và người dân thiếu chặt chẽ, bền vững. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCOP sản xuất với quy mô nhỏ, theo mùa vụ với quy trình sản xuất đơn giản, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa quan tâm, công tác quảng bá, phát triển thương hiệu còn nhiều hạn chế; sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ thông qua tư thương, ít có các hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong phát triển sản phẩm OCOP ở Ðiện Biên Ðông. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì cũng không thể phủ nhận rằng, cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt, thiếu quan tâm trong việc triển khai, phát triển sản phẩm OCOP. Thực tế cho thấy, 4 năm trở lại đây (2020 - 2023), Ðiện Biên Ðông không phát triển thêm được sản phẩm OCOP. Trong khi đó, thời gian tới huyện Ðiện Biên Ðông có nguy cơ bị thu hồi chứng nhận sản phẩm OCOP đối với 1 sản phẩm, là thịt lợn sấy. Bởi theo quy định, sau 3 năm được công nhận đạt chuẩn, huyện phải tiến hành xét công nhận lại các sản phẩm OCOP. Hiện nay, huyện Ðiện Biên Ðông đang hoàn thiện hồ sơ để thẩm định lại đối với 3 sản phẩm: Bí xanh Tìa Dình, lạc đỏ Na Son, khoai sọ Phì Nhừ. Còn sản phẩm thịt lợn sấy không có chủ thể kinh tế nên sẽ không thẩm định lại.

Theo đánh giá của Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh, hiện nay, chính quyền các địa phương và chủ thể kinh tế chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển bền vững các sản phẩm OCOP. Cụ thể, các địa phương chưa quan tâm bố trí kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật để các chủ thể kinh tế mở rộng vùng nguyên liệu; công tác xúc tiến thương mại rất hạn chế. Các chủ thể kinh tế thiếu nhiệt huyết, kinh phí để phát triển bền vững các sản phẩm, nhất là phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng thương hiệu. Ðơn cử như trường hợp của Hợp tác xã Kiên Trung (xã Pa Ham, huyện Mường Chà) với sản phẩm OCOP bưởi da xanh.

Với nhiều khó khăn, hạn chế như vậy, kết quả thực hiện Chương trình OCOP chưa đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Từ năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã có 56 sản phẩm, đạt 62,22% mục tiêu của Ðề án (mục tiêu 90 sản phẩm). Tuy nhiên xét theo kế hoạch theo năm thì không đạt. Ðơn cử như năm 2021 có 9/34 sản phẩm mới, 0/4 sản phẩm nâng cấp từ 3 lên 4 sao. Năm 2022 có 12/26 sản phẩm mới, 2/22 sản phẩm nâng cấp từ 3 lên 4 sao. Hiện tại tỉnh Ðiện Biên chưa có sản phẩm OCOP đủ điều kiện để tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 5 sao (theo kế hoạch năm 2022 có 1 sản phẩm OCOP 5 sao). Phát triển sản phẩm OCOP về du lịch, mục tiêu đến 2025 toàn tỉnh có 3 dự án về làng văn hóa du lịch cộng đồng. Hiện tại, mới chỉ có UBND huyện Nậm Pồ đã trình UBND tỉnh phê duyệt đề cương xây dựng Mô hình thí điểm phát triển sản phẩm OCOP về du lịch tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa. Ngoài ra, các huyện: Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa và Ðiện Biên đang trong quá trình xây dựng các dự án phát triển làng văn hóa du lịch cộng đồng.

Theo Ðề án Chương trình OCOP tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2025 toàn tỉnh có ít nhất 90 sản phẩm OCOP đạt từ 3 - 4 sao cấp tỉnh; có 3 - 4 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao cấp quốc gia; đảm bảo 100% sản phẩm OCOP được truy xuất nguồn gốc.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chánh Văn phòng Ðiều phối nông thôn mới tỉnh cho biết: Ðể đạt mục tiêu đề án, trong thời gian tới các địa phương cần chủ động, vào cuộc quyết liệt hơn trong triển khai xây dựng và phát triển bền vững sản phẩm OCOP. Cấp ủy, chính quyền cấp huyện cần đưa Chương trình OCOP vào nghị quyết, chương trình hành động để chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, trong đó chú trọng vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch OCOP và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình. Ðồng thời, kiện toàn hệ thống Ban điều hành Chương trình OCOP thống nhất từ huyện đến xã để triển khai thực hiện.

Phạm Trung

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/kinh-te/209676/kho-dat-muc-tieu-phat-trien-san-pham-ocop