Khó kiểm soát tuyển sinh đại học vượt chỉ tiêu

Liên tiếp trong 3 năm (từ năm 2021 đến năm 2023), nhiều trường đại học (ĐH) sai phạm trong tuyển sinh (tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sinh không đúng với đề án đã công bố, tuyển khi chưa được phép mở ngành...). Theo các chuyên gia giáo dục, Bộ GD-ĐT nên công khai các trường sai phạm trong tuyển sinh, nhất là các trường tuyển vượt chỉ tiêu, và cần có biện pháp xử lý mạnh tay nhằm bảo đảm chất lượng đào tạo.

Vi phạm ngày càng nhiều

Theo Nghị định số 04/2021/ NĐ-CP ngày 22-1-2023 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, từ ngày 10-3-2021, các trường ĐH tuyển vượt quá 3% chỉ tiêu sẽ bị xử phạt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trường tuyển sinh vượt gấp rất nhiều lần so với mức cho phép.

Cụ thể, theo thông tin tại đề án tuyển sinh năm 2024 của Trường ĐH Văn Lang, ngành Thiết kế đồ họa năm 2022 có chỉ tiêu là 272 nhưng nhập học đến 758 sinh viên (vượt 278%); năm 2023, ngành này có chỉ tiêu 590 nhưng nhập học đến 762 sinh viên (vượt hơn 129%). Tương tự, ngành Thiết kế thời trang năm 2022 chỉ tiêu có 53, nhưng nhập học đến 242 sinh viên (vượt hơn 456%). Ngành Truyền thông đa phương tiện chỉ tiêu là 1.000, nhưng nhập học đến 1.511 sinh viên (vượt 151,1%)...

Trong khi đó, kết quả tuyển sinh năm 2023 của Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho thấy, ngành Máy tính và Công nghệ thông tin có 150 chỉ tiêu nhưng nhập học đến 240 sinh viên (vượt 160%). Hay tại Trường ĐH Mỏ - Địa chất, trong hai năm 2021 và 2022 cũng tuyển sinh vượt 100%-400% chỉ tiêu: năm 2021, chỉ tiêu là 2.230 nhưng nhập học đến 2.463 sinh viên; năm 2022, chỉ tiêu là 3.089 nhưng nhập học đến 3.984 sinh viên. Trong đó, ngành Công nghệ thông tin có chỉ tiêu 230 nhưng tuyển đến 752 sinh viên (vượt đến 326%)...

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT, từ năm 2021 đến nay, căn cứ kết quả tuyển sinh, Bộ GD-ĐT rà soát trên dữ liệu tuyển sinh hàng năm (ngày 31-12 hàng năm, các trường kết thúc và cập nhật kết quả tuyển sinh) để xem xét cơ sở nào vi phạm. Trong năm 2021 và 2022, số trường vi phạm trong tuyển sinh bị xử phạt khá nhiều. Năm 2023, Bộ GD-ĐT đã xử phạt hành chính 78 trường ĐH tuyển sinh vượt chỉ tiêu trong năm 2022.

 Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM

Thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Kinh tế Tài chính TPHCM

Nên công khai các trường vi phạm

Chánh Thanh tra Bộ GD-ĐT Nguyễn Đức Cường cho biết, từ năm 2021, xử lý vi phạm trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 04/2021/ NĐ-CP. Việc xử lý vi phạm theo khối ngành và mức vi phạm đối với hành vi tuyển vượt chỉ tiêu có mức độ siết chặt hơn, chỉ cần tuyển vượt quá 3% chỉ tiêu là bị xử phạt. Trong khi đó, từ năm 2021 trở về trước áp dụng theo Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, với mức tuyển vượt cho phép là 5%. Chính vì vậy, số cơ sở vi phạm trong công tác tuyển sinh (tuyển vượt, tuyển không đúng đề án đã công bố...) tăng lên.

TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TPHCM, cho rằng, việc xử phạt vi phạm trong tuyển sinh theo Nghị định 04/2021/ NĐ-CP của Chính phủ siết chặt hơn so với Nghị định 138/2013/NĐ-CP. Điều này nhằm “nắn gân” các trường sai phạm, và quan trọng hơn là đảm bảo chất lượng đào tạo cho người học. Tuy nhiên, với tinh thần tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm, Bộ GD-ĐT nên công khai danh sách các trường vi phạm trong xác định chỉ tiêu, tuyển vượt chỉ tiêu cùng với các hình thức xử phạt để xã hội cùng biết và giám sát.

Trong khi đó, với kinh nghiệm quản lý, TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ trung học chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nhìn nhận, việc nhiều trường vi phạm trong tuyển sinh, nhất là tuyển vượt chỉ tiêu ngày càng tăng, có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân lớn nhất là tâm lý sợ tuyển không đủ chỉ tiêu theo hạn mức sẽ kéo theo nguồn học phí suy giảm và ảnh hưởng đến thu nhập của chính nhà trường, nên hầu hết các trường đều bằng mọi cách để tuyển cho bằng được sinh viên, bất chấp quy định về đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, nếu một ngành mà tuyển vượt đến 300%-400% thì cần phải xử lý mạnh tay. Cùng với đó, công tác kiểm định chất lượng (kiểm định ngành, kiểm định cơ sở đào tạo) cũng không thể tách rời. Những ngành, những trường sai phạm trong tuyển sinh cần phải bị tước giấy phép kiểm định đã cấp. Việc tuyển vượt chỉ tiêu, tuyển sai đề án, tuyển khi chưa có quyết định mở ngành thì chắc chắn không thể đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Để kiểm soát chỉ tiêu, ngăn chặn tình trạng tuyển vượt chỉ tiêu, cần phải sử dụng các công cụ khác để thanh tra, kiểm tra thông qua kế hoạch dạy học của giảng viên, tiền thanh toán, thuế thu nhập và hồ sơ của giảng viên, kế hoạch thực tập, hợp tác với doanh nghiệp, phỏng vấn sinh viên...”, TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.

Theo Thanh tra Bộ GD-ĐT, việc xử phạt hành chính bằng tiền trong lĩnh vực giáo dục cao nhất với tổ chức (các trường) là 150 triệu đồng và cá nhân là 75 triệu đồng có thể tính răn đe còn thấp; nhưng đối với cơ sở giáo dục, khi bị áp dụng các hình thức phạt bổ sung và biện pháp khắc phục sẽ có tính răn đe mạnh. Cụ thể, những cơ sở giáo dục ĐH bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm sẽ không được tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh mở ngành đào tạo, liên kết đào tạo… trong 5 năm và khấu trừ chỉ tiêu đã tuyển vượt cho năm sau.

THANH HÙNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/kho-kiem-soat-tuyen-sinh-dai-hoc-vuot-chi-tieu-post743864.html