Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo - nhìn từ phiên thảo luận Quốc hội đến thực tế cuộc sống

Nhiều đại biểu thống nhất rằng, việc việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo không đơn thuần là bổ sung hành lang, căn cứ pháp lý, mà là dấu mốc quan trọng để khơi thông điểm nghẽn, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Và Luật lần này hướng tới kiến tạo nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu t

Phó Chủ tịch Quốc hội

Lê Minh Hoan

“Chúng ta đang đối mặt với công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) giống như Alibaba đang đứng trước kho báu. Điểm khác nhau là Alibaba thì có được câu thần chú “Vừng ơi, hãy mở ra!”, còn chúng ta thì vẫn đang cố gắng tìm kiếm một câu thần chú như vậy. Rất tiếc, câu thần chú để mở kho báu ICT lại không thể nghe lỏm từ một lão phù thủy nào đó. Câu thần chú để mở kho báu ICT nằm ngay trong nhận thức của mỗi chúng ta”. (Trích: “Những nghịch lý của thời gian”, xuất bản năm 2011, của TS. Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội).

Trong dòng chảy vận động, phát triển không ngừng, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là phương tiện để tiến nhanh hơn, mà còn là chìa khóa mở ra những cánh cửa chưa từng có. Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đang mở ra “kho báu” lớn hơn bao giờ hết, và câu thần chú để mở kho báu này phải ngay từ trong nhận thức, thái độ tiếp cận và hành động của mỗi chúng ta. Phiên thảo luận tại Quốc hội về dự án Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo không chỉ là câu chuyện của hành lang pháp lý, mà còn là câu chuyện của niềm tin, của khát vọng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi), ngày 13/5/2025

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi), ngày 13/5/2025

Từ phiên thảo luận Quốc hội

Phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều ngày 13 tháng 5 năm 2025 ghi nhận trên 40 ý kiến đăng ký phát biểu, cho thấy tầm quan trọng của dự án Luật, và sự quan tâm của các ĐBQH. Những góp ý không chỉ làm rõ, phân tích chi tiết về tên gọi, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, kỹ thuật soạn thảo hay các nội dung còn có ý kiến khác nhau, mà là tiếng nói đại diện cho cử tri, từ những nhà máy, cánh đồng, phòng thí nghiệm, những căn phòng nhỏ - nơi những trí óc thầm lặng đang miệt mài sáng tạo, cả từ những thửa ruộng, bờ ao nơi những “nhà khoa học chân đất” đang bền bỉ tìm tòi, cải tiến.

Nhiều đại biểu thống nhất rằng, việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo không đơn thuần là bổ sung hành lang, căn cứ pháp lý, mà là dấu mốc quan trọng để khơi thông điểm nghẽn, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Và Luật lần này hướng tới kiến tạo nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu thế vận động không ngừng của thế giới.

Chủ trương về sự cần thiết của việc áp dụng cơ chế tài chính và quản lý đặc thù cho nhiệm vụ khoa học công nghệ có tính chiến lược và đột phá, nhận được sự đồng thuận cao. Nhưng nhiều lưu ý cần công khai, minh bạch các tiêu chí xác định, cơ chế giám sát và trách nhiệm giải trình, để giảm thiểu nguy cơ lạm dụng.

Nhiều đại biểu thống nhất rằng, việc việc ban hành Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo không đơn thuần là bổ sung hành lang, căn cứ pháp lý, mà là dấu mốc quan trọng để khơi thông điểm nghẽn, thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng như Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân. Và Luật lần này hướng tới kiến tạo nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, bắt kịp xu thế vận động không ngừng của thế giới.

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) được đưa vào dự thảo Luật như một bước tiến lớn, mở đường cho công nghệ mới, giúp các mô hình, nghiên cứu ứng dụng mới có thể tiếp cận không gian an toàn, không bị giới hạn cho “thử và sai”. Để thực sự hiệu quả, cần làm rõ thêm cơ chế phản hồi chính sách linh hoạt, đánh giá tác động đạo đức (đối với các công nghệ có độ rủi ro cao, tác động lớn), và phân định quyền lợi, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia.

Tinh thần chấp nhận rủi ro trong khoa học được đánh giá là bước tiến lớn. Song, ranh giới giữa “rủi ro sáng tạo” và “vi phạm pháp luật” vẫn là một khoảng chồng lấn cần được luật hóa rõ ràng, cụ thể hơn. Rủi ro khi sáng tạo không thể là cái cớ cho sự tùy tiện hay từ chối trách nhiệm. Cơ chế miễn trừ không thể bị lạm dụng để hợp thức hóa thất bại hay sai phạm.

Không phải mọi đổi mới đều bắt đầu từ nghiên cứu, và không phải mọi nghiên cứu đều dẫn đến đổi mới. Vậy thì tiêu chí nào để phân loại, để hỗ trợ, để ghi nhận? Nhiều đại biểu cho rằng, nội dung “đổi mới sáng tạo” hiện vẫn thiên về khoa học, công nghệ truyền thống. Do đó, cần làm rõ định nghĩa, tiêu chí về đổi mới sáng tạo, cần có hệ thống tiêu chí nhận diện, đo lường rõ ràng, nhằm phân biệt cải tiến thường nhật với đổi mới mang tính đột phá.

Không phải ai cũng có thể trở thành nhà khoa học, nhưng một nhà khoa học có thể đến từ bất cứ đâu. Vấn đề nhân lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cần được nhìn nhận theo hướng mở: không chỉ là các nhà khoa học chuyên nghiệp, mà cả những “nhà khoa học chân đất”, những nông dân chế tạo máy, kỹ sư phần mềm độc lập, sinh viên khởi nghiệp, cộng đồng nhà khoa học cả trong và ngoài nước, nhà khoa học nước ngoài, v.v… Tất cả đều có thể tham gia tích cực vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia.

...đến thực tế cuộc sống

Khi được thông qua, Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cầu nối giữa nghị quyết, chính sách và đời sống; giữa chiến lược và hành động; giữa khát vọng và hiện thực.

Mỗi câu hỏi khơi nguồn một tri thức. Câu hỏi bắt đầu từ sự thôi thúc về mong muốn thế giới chung quanh ngày càng hoàn thiện hơn, cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Câu hỏi xuất phát từ sự không bằng lòng với cái cũ, không chấp nhận cái đang có. Câu hỏi thúc đẩy tìm tòi, khám phá, kích hoạt đổi mới sáng tạo, để hướng đến điều cấp tiến hơn, vươn tới tầm cao chưa có. Và có những câu hỏi đau đáu đặt ra cho đội ngũ các nhà khoa học luôn gắn bó mật thiết với thực tế cuộc sống sinh động, luôn phát xuất từ nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, của người dân, của yêu cầu dựng xây, phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Trước khi bắt tay vào phần việc cụ thể, chi tiết, cần đến sự đồng thuận trong nhận thức, đồng lòng trong hành động. Trước hết, đó là chúng ta cần một tư duy hợp tác. Khoa học không phải là một cuộc tranh đua cá nhân, mà là một hành trình tập thể. Mỗi viện nghiên cứu, mỗi nhà khoa học đều là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị khoa học, không gian nghiên cứu khoa học. Khi chúng ta cùng nhau chia sẻ dữ liệu, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên ngành, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều so với khi làm việc đơn lẻ.

Bất kỳ công việc gì cũng thường xuất phát từ ý tưởng. Ý tưởng xuất phát từ một người, nhưng để hoàn thiện ý tưởng và triển khai trên thực tế, cần đến sự chung sức của nhiều người. Phạm vi đề tài nghiên cứu càng rộng, vòng tròn tương tác, kết nối những người tham gia càng lớn. Những nhà khoa học đến từ các chuyên ngành, bộ môn khác nhau, cần cộng tác chặt chẽ trong các nhóm làm việc. Những viện trường, không phân biệt công hay tư, cũng có thể hợp tác với nhau. Nhà bác học của thuyết tương đối đã chiêm nghiệm: “Cái tôi và sự hiểu biết tỷ lệ nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng bé. Hiểu biết càng ít, cái tôi càng to”. Biết cách vượt qua “cái tôi”, sự khác biệt không dẫn đến cách biệt hay đối nghịch, mà ngược lại, sẽ bổ sung nhau, trên tinh thần xây dựng để sản phẩm mang tầm vóc quốc gia và đi ra thế giới một cách tự hào hai tiếng Việt Nam.

Thứ nhất, cần thiết lập những hệ sinh thái thử nghiệm đa tầng, đa chiều, nơi các công nghệ mới có thể mạnh dạn “tập đi” từng bước chập chững trước khi bước vào con đường lớn. Khung pháp lý cần được thiết kế theo hướng ưu tiên tính linh hoạt, vừa kiểm soát vừa khuyến khích, vừa giảm thiểu rủi ro vừa chắp cánh cho đổi mới sáng tạo.

Thứ hai, việc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng, hoàn thiện bộ tiêu chí đổi mới sáng tạo có phân loại theo lĩnh vực, mức độ và khả năng nhân rộng là yêu cầu cấp thiết. Đây sẽ là cơ sở để phân bổ nguồn lực, đánh giá tác động và hình thành chính sách ưu đãi thực chất.

Thứ ba, khoa học và đổi mới sáng tạo không thể đi một mình. Nguồn lực tài chính mở, từ ngân sách đến xã hội hóa, từ quỹ đầu tư mạo hiểm, đến ưu đãi tín dụng, cần được thiết kế đồng bộ, minh bạch và thuận tiện tiếp cận, trong đó có hệ sinh thái doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, đã đến lúc cần mở rộng “nhận diện” về người giỏi, người tài, không chỉ đơn thuần dựa trên văn bằng, mà đánh giá bằng sản phẩm cụ thể, tác động thực tiễn. Kết quả nghiên cứu, sáng chế, mô hình ứng dụng thành công, kể cả trong quy mô nhỏ, cũng cần được công nhận, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển. “Khoa học gặp gỡ cuộc sống” là thông điệp mà tôi ghi nhận được khi đến thăm và làm việc tại một Viện Nghiên cứu Nông nghiệp ở nước ngoài. Nghiên cứu khoa học không chỉ dừng lại ở lý thuyết, mà phải biến thành những giải pháp cụ thể, những sản phẩm hữu ích để phục vụ cộng đồng. Một công nghệ dù phức tạp đến đâu cũng cần được ứng dụng vào thực tế, giúp ích cho người dân trong công việc và sinh hoạt ngày thường. Đó cũng là tinh thần xuyên suốt của Nghị quyết 57-NQ/TW.

Thứ năm, cần một chiến lược dài hạn phổ biến tri thức khoa học, công nghệ toàn dân, đưa khoa học đến với cộng đồng, để mọi người, từ học sinh, sinh viên, nông dân, chủ doanh nghiệp nhỏ, đều có thể tiếp cận, và có thể tiếp tục cải tiến. Đề án “tri thức hóa nông dân” đã tạo nên những đổi thay tích cực ở các Hợp tác xã, các mô hình Hội quán nông dân. Một xã hội học hỏi sẽ tạo nên một đất nước đổi mới. Đội ngũ nhà khoa học cần tích cực “xuống phố, về làng” hơn nữa. Mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi giữa các nhà khoa học, nhà nghiên cứu với người dân là một dịp đưa khoa học và cuộc sống xích lại gần nhau hơn. Tố chất khoa học, niềm đam mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu những điều mới, những điều hay, những giải pháp thiết thực, hữu ích khi được lan tỏa sẽ “bén rễ” từ phố thị đến làng quê nông thôn.

Trước hết, chúng ta cần một tư duy hợp tác. Khoa học không phải là một cuộc tranh đua cá nhân, mà là một hành trình tập thể. Mỗi viện nghiên cứu, mỗi nhà khoa học đều là một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi giá trị khoa học, không gian nghiên cứu khoa học. Khi chúng ta cùng nhau chia sẻ dữ liệu, cùng nhau giải quyết các vấn đề liên ngành, chúng ta sẽ tạo ra những giá trị lớn hơn nhiều so với khi làm việc đơn lẻ.

Hành trình phía trước…

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo không phải là thế giới xa vời, mà là “kho báu” ngay bên cạnh ta. Khoa học, công nghệ, và đổi mới sáng tạo ở ngay trên ruộng đồng, trong xưởng máy, lớp học, công sở, nơi có những người lặng lẽ mà bền bỉ “làm mới công việc”, làm mới chính mình mỗi ngày bằng tâm huyết, bằng kinh nghiệm và cả những “sai lầm quý giá”. Đổi mới sáng tạo không thể mang lại kết quả trong một sớm một chiều, và nghiên cứu khoa học có độ trễ nhất định, nên rất cần đến sự kiên trì, quyết không bỏ cuộc và tầm nhìn xa. Nghiên cứu khoa học cũng như đầu tư, có rủi ro, không phải lúc nào cũng thành công. Chính việc rà soát, rút ra kinh nghiệm hữu ích là bước tiến gần hơn đến thành công.

Đất nước đang đứng trước cơ hội lớn để đổi thay từng ngày, nhưng thách thức cũng vô cùng to lớn. Trí thông minh nhân tạo (AI), minh chứng tiêu biểu cho sức mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, cho phép chúng ta giải quyết những vấn đề cũ theo cách mới, nhưng trí tuệ con người mới là yếu tố giúp chúng ta tiếp cận vấn đề chưa từng có và sáng tạo ra những giải pháp chưa từng nghĩ đến. Chính Chat GPT đã đưa ra câu phản hồi thú vị như thế này: “Trí thông minh lớn nhất không phải là trí thông minh nhân tạo, mà là con người biết cách vận dụng hết năng lực của trí thông minh nhân tạo”. Kết hợp giữa trí tuệ con người và trí thông minh nhân tạo không chỉ là một sự kết hợp giữa công nghệ và tư duy sáng tạo, mà còn là sự kết hợp giữa lý trí và cảm xúc, giữa tính toán chính xác và sự nhân văn, cùng tạo nên một tương lai tươi sáng tạo, bền vững và hiệu quả hơn trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Từ phiên thảo luận Quốc hội đến thực tế cuộc sống, Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo được dự thảo, lấy ý kiến, thẩm tra, thảo luận, hoàn thiện… không chỉ để được thông qua, hay hoàn chỉnh khung pháp lý, mà hơn hết là khơi dậy và kết nối những nguồn lực khoa học, công nghệ, niềm đam mê đổi mới, sáng tạo vẫn luôn âm thầm mà mạnh mẽ trong từng cán bộ, lãnh đạo, từng chuyên gia, nhà khoa học, từng công chức, viên chức, từng doanh nghiệp, từng công dân, từng cộng đồng.

Chính Chat GPT đã đưa ra câu phản hồi thú vị như thế này: “Trí thông minh lớn nhất không phải là trí thông minh nhân tạo, mà là con người biết cách vận dụng hết năng lực của trí thông minh nhân tạo”. Kết hợp giữa trí tuệ con người và trí thông minh nhân tạo không chỉ là một sự kết hợp giữa công nghệ và tư duy sáng tạo, mà còn là sự kết hợp giữa lý trí và cảm xúc, giữa tính toán chính xác và sự nhân văn, cùng tạo nên một tương lai tươi sáng tạo, bền vững và hiệu quả hơn trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Trình bày: Duy Thông

Trình bày: Duy Thông

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-nhin-tu-phien-thao-luan-quoc-hoi-den-thuc-te-cuoc-song-10372541.html