Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn

Việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn góp phần tôn vinh, lan tỏa những giá trị lịch sử hào hùng của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh, giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Lễ khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh (phường Long Bình, thành phố Thủ Đức). Đây là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn.

Khởi công xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn.

Việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn cũng là dịp để tôn tạo, xây dựng các công trình, ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh; vừa là dịp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống.

Cùng với đó, tôn vinh và lan tỏa những giá trị lịch sử hào hùng của lực lượng vũ trang Thành phố Hồ Chí Minh; giáo dục sâu sắc về truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí quyết tâm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Trong kháng chiến cứu nước, từ ngày được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Khu ủy, Bộ Chỉ huy Quân khu, lực lượng Biệt động Sài Gòn từ không đến có, từ nhỏ đến lớn mạnh. Biệt động Sài Gòn là đội quân đặc biệt, luôn tỏ rõ lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc, nhân dân, dũng cảm, táo bạo, mưu trí chiến đấu lập nên những chiến công chói lọi, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh, việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ không chỉ ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang thành phố Hồ Chí Minh mà còn góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường vẻ vang, vinh dự, tự hào, từ đó ra sức phấn đấu, cống hiến xây dựng thành phố vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu"; xứng đáng là đơn vị 3 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong ngày 3/2 (mùng 6 Tết), Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp Câu lạc bộ Truyền thống kháng chiến khối vũ trang Biệt động Sài Gòn-Gia Định tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Mùng 6 Tết cũng là dịp hàng năm gia đình các thế hệ Biệt động Sài Gòn - Gia Định tập trung tại đây để tổ chức lễ giỗ, dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ.

Những chiến sĩ Biệt động đã anh dũng hy sinh trong các trận đánh vào những cơ quan đầu não của địch tại Sài Gòn năm 1968, như: Đại sứ quán Mỹ; Bộ Tư lệnh Hải quân; Bộ Tổng tham mưu; Tổng nha cảnh sát; Biệt khu Thủ đô; Khám Chí Hòa; Đài phát thanh; Sân bay Tân Sơn Nhất…

Minh Vũ

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/khoi-cong-xay-dung-bia-tuong-niem-liet-si-biet-dong-sai-gon-179250204102945367.htm