'Khởi nghiệp cuối tuần' - Cuốn sách dẫn đường cho ý tưởng và thực hành khởi sự doanh nghiệp
Giữa số lượng không nhỏ các đầu sách về quản trị kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, cuốn sách 'Khởi nghiệp cuối tuần' (Alphabooks – NXB Công thương) của Marc Nger, Clint Nelsen và Franck Nouyrigat có thể nói với độc giả điều gì mới mẻ, bổ ích?
Marc Nger, Clint Nelsen và Franck Nouyrigat là đồng giám đốc của “Khởi nghiệp cuối tuần”, một tổ chức phi lợi nhuận với sứ mệnh giáo dục các doanh nhân, tăng cường cộng đồng và khởi động các công ty khởi nghiệp. Khởi nghiệp cuối tuần tổ chức các sự kiện cuối tuần, nơi các nhà phát triển, nhà thiết kế, nhà marketing, người quản lý sản phẩm và những người đam mê khởi nghiệp cùng nhau chia sẻ ý tưởng, thành lập nhóm, xây dựng sản phẩm và khởi nghiệp trong 54 giờ.
Với dung lượng gần 300 trang, nội dung cuốn sách tập trung ở 5 vấn đề chính: “Nói ít, làm nhiều”, “Ý tưởng tốt cần đội nhóm tuyệt vời”, “Giáo dục thực nhiệm”, “mô hình kinh doanh khởi nghiệp”, “Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp và sự tái thiết triệt để”. Thông qua nội dung được truyền tải, độc giả “sẽ tìm thấy những thông tin giá trị để trình bày ý tưởng kinh doanh của mình với những người khác, tìm đúng đội nhóm để giúp doanh nghiệp của bạn thành công, giá trị của giáo dục trải nghiệm, chinh phục khách hàng và trị trường (ngay cả trước khi sản phẩm của bạn đã sẵn sàng để ra mắt), sử dụng các mô hình khởi nghiệp khác nhau để quản lý dự án và tận dụng tối đa thời gian khởi nghiệp – dù bạn đã sẵn sàng trở thành một doanh nhân vào cuối tuần hoặc trong suốt phần đời còn lại hay chưa”.
Cuốn sách không tập trung cung cấp cho bạn đọc khối lượng lớn lý thuyết mà nỗ lực vào việc trang bị kiến thức, kỹ năng, bài học kinh nghiệm và chia sẻ về những hướng đi, những việc cần làm nếu bạn có ý định hoặc bắt đầu khởi sự doanh nghiệp – từ chính những gì diễn ra ở tổ chức Khởi nghiệp cuối tuần. “Nói ít, làm nhiều” – một thông điệp quá rõ ràng, thiết thực. Bạn đang dự định khởi nghiệp? Bạn đang ấp ủ một số ý tưởng? Điều quan trọng là bạn hãy “phá vỡ những rào cản” để “bước ra khỏi vùng an toàn”, tìm kiếm cho mình những cơ hội, kết nối với những người có cùng “tần số”. Bước vào khởi sự doanh nghiệp, các mối quan hệ thực sự quan trọng, đúng như câu nói: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, nhưng muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”, “ý tưởng tốt cần đội nhóm tuyệt vời”.
Kỹ năng thuyết trình – bạn cần phải học và rèn luyện nó thật nhiều để đạt được những mục tiêu của mình trên hành trình khởi nghiệp. Tập trung vào vấn đề chính, giá trị cốt lõi, nội dung thuyết trình ngắn gọn mà xúc tích sẽ giúp bạn “ghi điểm”. Và có một điều quan trọng với những người khởi sự doanh nghiệp, họ phải làm chủ được kỹ năng thuyết trình, bởi ngoài việc gọi vốn, kêu gọi đầu tư, họ cần thuyết trình để tìm kiếm tài năng, xây dựng được đội ngũ “chiến” nhất, những con người thực sự tài năng, luôn tràn đầy năng lượng, sẵn sàng thích ứng với công việc.
Từ những hoạt động thiết thực, thú vị nhất, Khởi nghiệp cuối tuần được xem như là một loại hình giáo dục – giáo dục thực nghiệm, giúp chúng ta tìm ra đáp án của câu hỏi: Làm thế nào để có thể bước ra khỏi vùng an toàn của bạn khi vẫn làm việc cùng nhau trong một tập thể?
Đọc “Khởi nghiệp cuối tuần” để hiểu rằng: Thành công không hoàn toàn dựa trên may mắn và họ không cần là thiên tài để dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Những kiến thức, hoạt động thực tiễn, bài học kinh nghiệm được đưa ra trong cuốn sách để nhắc nhở độc giả một điều: Hành trình khởi nghiệp không phải là việc bạn chỉ thử một lần, sau đó cho rằng quá nhiều rủi ro và buông xuôi. “Khởi nghiệp cuối tuần” hướng tới việc cung cấp cho bạn những kiến thức để không ngừng nỗ lực, cố gắng. Ở đó, mô hình – kế hoạch kinh doanh là yếu tố sống còn, phát triển khách hàng thực sự là cuộc cách mạng, tinh giản, duy trì sự tinh gọn và sẵn sàng chuyển đổi là mệnh lệnh thúc đẩy, giao tiếp là chìa khóa,… nhưng không được buông lơi những điều cơ bản nhất.
Lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp và sự tái thiết triệt để là chương cuối cùng của cuốn sách. Ở chương này, tác giả nhắc đi nhắc lại từ “nhảy vọt” và các bước chuẩn bị thật tốt cho sự “nhảy vọt” ấy. Theo đó, trước khi bạn “nhảy vọt vào cuộc sống doanh nhân”, bạn hãy tìm hiểu nhiều nhất có thể về thế giới khởi nghiệp theo nhiều hình thức khác nhau. Ngay cả việc bạn chuẩn bị các điều kiện cho “bước nhảy vọt của người đồng sáng lập” cũng rất quan trọng. Bởi lẽ, ngay cả những người có tầm nhìn xa trông rộng cũng cần có một đội nhóm những người làm việc thực sự ưu tú và có khả năng thực hiện nó. Đội nhóm rất quan trọng – và sẽ còn quan trọng hơn trong tương lai, khi việc tiếp cận với công nghệ, thông tin và nguồn lực ngày càng sẵn có hơn. Bước thức ba, “bước nhảy vọt khởi nghiệp”, dành cho những người đã tập hợp được một đội nhóm và đã có những gạch đầu dòng cho ý tưởng kinh doah, và sau đó mới đến “bước nhảy vọt gọi vốn”, mở rộng quy mô, tăng trưởng hướng ngoại…
Trong bối cảnh hiện nay, những ý tưởng khởi nghiệp, những con người chuẩn bị bước chân vào con đường khởi nghiệp tìm thấy nhiều thuận lợi, cơ hội, và lẽ dĩ nhiên, khó khăn, thử thách cũng luôn đồng hiện. Cuốn sách “Khởi nghiệp cuối tuần” cho bạn biết thêm về cách thức tổ chức, hoạt động của một tổ chức phi lợi nhuận tiêu biểu, là mô hình đáng học hỏi, từ đó cung cấp cho bạn nhiều kiến thức, kinh nghiệm bổ ích về khởi nghiệp. “Có rất nhiều người muốn trở thành doanh nhân nhưng họ không biết làm thế nào để bắt đầu. Bạn đưa đam mê và ý tưởng vào một nhóm, một sản phẩm, và một công ty khởi nghiệp như thế nào? Sartup Weekend (Khởi nghiệp cuối tuần – PV) đã trao quyền cho hàng nghìn doanh nhân trên toàn cầu khởi động những giấc mơ khởi nghiệp của họ. Nếu bạn muốn thành lập một doanh nghiệp, dừng mơ về nó và hãy làm đi – cuốn sách này có thể dạy bạn cách để thực hiện” (Neil Patel, nhà sáng lập của Crazy Egg và KISSmetrics).