Khối Rubic bốn mặt

Nói tới cái tên Vương Tâm, bạn đọc khó xếp lão vào danh xưng nào. Trong một số phỏng vấn báo chí hay truyền hình, chính lão khi thì nhận mình là nhà thơ, lúc thì nhận mình là nhà báo, rồi lại có lần tự xưng mình là nhà văn. Đặc biệt, trong những video do mấy đài truyền hình quay thì lão chỉ coi mình là người nhặt rác gốm, những bộ ấm trà và những mảnh sành vỡ. Đôi khi lão bật cười tự trảo: 'Nào văn, nào báo, nào thơ/ Lão phu là kẻ khù khờ rong chơi'.

Máu giang hồ làm nên tác phẩm

Đó là chuyện lão hay bị ngã trong những chuyến phượt bằng xe máy đi thực tế. Nhất là cú ngã mới đây trên đường đi Bảo Lộc để tìm tài liệu viết bài tết Ất Tỵ. Đúng là một kẻ khù khờ đi trên đường, mắt tớn lên nhìn một cô gái người Mạ đeo gùi lên dốc trên một đồi thông, thế là húc vào gốc cây ngã vật xuống đường. Một cú ngã trời giáng khi mạng sườn đập đúng vào một tảng đá tưởng dập phổi. Cái xe máy thuê văng cách đó chừng dăm mét. Lão thở dốc, tay ôm ngực nghẹt thở luôn, ngỡ “toi rồi”. Hồi sau mới tỉnh lại và một mình thui thủi đi lên ngôi nhà của cố thi sĩ kỳ dị Nguyễn Đức Sơn trên đồi thông Phương Bối (thành phố Bảo Lộc - Lâm Đồng). Đêm hôm đó mạng sườn đau dữ dội vì chấn thương nặng, lão vẫn cố ghi lại mấy câu thơ của Nguyễn Đức Sơn, vừa nén đau thắt cả sống lưng. Sáng hôm sau, lão được nhà văn Ninh Thế Hùng (Hội VHNT Lâm Đồng ở Bảo Lộc) đánh ô tô đưa đi mua cao thuốc của Nhật dán cho đỡ đau rồi bay vội về Hà Nội. Lần đó, lão bị rạn xương mãi tới gần tháng sau mới khỏi.

Những chiếc ấm tích trong bộ sưu tập của nhà văn

Những chiếc ấm tích trong bộ sưu tập của nhà văn

Những tưởng lão sẽ nhớ đời mà cẩn trọng hơn. Nhưng cái máu giang hồ luôn chực chờ trong lão. Lần ngã gãy xương bả vai, lần gãy ba xương sườn trái, lần lại gãy chân, đều trên những chuyến phượt xe máy xuống cơ sở. Lão thui thủi đi và viết như một kẻ lên đồng và ngơ ngẩn bộc bạch: “Sủa nỗi cô đơn lên vầng trăng/ Gọi Cuội xuống rong chơi ao làng”. Lão tuổi Bính Tuất nên luôn tự ví mình là sói hoang và sẽ chôn thây trong một cái bẫy trên rừng. Rồi sau đó, lão tự vịnh về thân phận mình: “Chống gậy thời gian đi khất thực/ Lượm từng bông tuyết lệ cô liêu/ Hẹn mai nhé xanh cành biếc lộc/ Hồn ta bay cõi mộng mây chiều”.

Ngỡ tưởng chỉ lãng tử ruổi rong chơi như vậy, thế mà tính tới nay, sau nửa thế kỷ cặm cụi làm phu chữ, lão đã cho ra đời tới 65 đầu sách trên cả ba lĩnh vực báo chí, văn thơ. Một con số thật đáng nể phục. Phát nhất là vào những thập niên đầu thế kỷ 21, lão có tới mươi giải thưởng văn học và báo chí. Trong số đó, có giải A thơ Tình báo Văn nghệ (2006-2007); Giải nhì truyện ngắn báo Người Hà Nội (2007); Đặc biệt, giải nhất cuộc thi Phóng sự, bút ký nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (báo Người Hà Nội tổ chức năm 2010). Chưa hết, gần đây lão còn được nhận giải thưởng trong các cuộc thi truyện ngắn của Bộ Công an vào những năm (2022 và 2023). Lại nghe nói, trong cuộc thi tiểu thuyết của NXB Công an (2025), cuốn sách “Mật mã đen” của lão được vào chung khảo và in ấn phát hành đầu năm mới.

Chạm ngưỡng 80 cái xuân xanh, nhưng đôi mắt lão vẫn long lanh tình tứ mỗi lần đọc thơ tình và người đẹp. Nhất là thơ tình của lão thì “thôi rồi”. Khù khờ nhưng lại có duyên thầm: Phương nào em cũng hiện lên/ Vây anh lưới mắt giăng miền đong đưa/ Ngẩn ngơ nói những lời thừa/ Anh si mê bị bỏ bùa theo em. Những câu tình tứ, hút hồn kiểu ấy trong thơ lão nhiều lắm, kiểu: “Phôn cho anh nhé/ Dù chỉ một lời nhắn hỏi/ Hay nụ cười bối rối thoảng qua/ Phôn cho anh mặc nỗi chia xa…”. Những chuyến rong chơi, giang hồ vặt; những liếc mắt, đưa tình, tưởng bỡn cợt, tưởng chỉ cho vui nhưng đó chính là chất liệu từ đời sống thực để làm nên những tác phẩm đáng vì nể mang nhà văn, nhà báo mang tên Vương Tâm.

Nhà văn Vương Tâm (áo kẻ) đang giới thiệu với ê kip phóng viên truyền hình về bộ sưu tập đồ gốm tại tư gia

Nhà văn Vương Tâm (áo kẻ) đang giới thiệu với ê kip phóng viên truyền hình về bộ sưu tập đồ gốm tại tư gia

Và chuyện những mảnh sành cong

Không chỉ dừng lại ở đó, nhắc đến Vương Tâm, giới văn nghệ sĩ, báo chí Hà thành còn biết tới lão như một tay chơi đồ gốm đáng nể. Nhất là những bộ sưu tập ấm trà. Lão sành thưởng trà nên những chiếc ấm làm bằng chất liệu gốm khắp mọi miền, trong nước, ngoài nước được lão đùm gói mang về trong mỗi chuyến đi xa. Lão bày đầy nhà, từ chiếc ấm tích to đùng chứa được nửa tạ nước đến những chiếc ấm tử sa be bé xinh xinh, ngộ ngộ của Nhật Bản, Trung Quốc… trông thật bắt mắt và thú vị.

Dàn ấm của lão được bầy đầy 3 gian gác nhà, dễ có tới dăm bảy trăm cái các loại và đủ mọi chất liệu mà suốt 30 năm trời, lão đã lọ mọ tha lôi và tự ví mình là một mảnh sành vỡ trong cuộc đời. Lão yêu sành và gốm sứ đến nỗi dồn hết cả các khoản tiền như tiết kiệm hay nhuận bút để mua ấm trà mỗi khi nổi hứng. Lão chơi gốm cũng ngẫu hứng như viết văn làm thơ vậy. Lượm lặt, sưu tập đủ kiểu dáng và chất liệu khác nhau. Lọ mọ sục sạo chẳng khác gì tìm kiếm gái đẹp như lão tự ví hồi trẻ. Mỗi chiếc ấm trà với lão là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc gốm. Đó là những vật phẩm mỹ nghệ tổng hợp về sắc màu, họa tiết, thư pháp và bố cục tạo hình. Lão thường ngâm nga những áng thơ viết trên bình trà. Đó là thư pháp Thiền bay bổng, khắc họa tâm trạng cuộc đời sâu sắc trên đất nung. Lão cũng đã vận cuộc đời mình vào những câu thơ trên ấm rằng: “Vòm lò men chảy thơm như mật/ Ngọn lửa liếm đêm rạn sắc hồng/ Quẩn quanh với đất, cười như đất/ Hỏa biến hồn tôi mảnh sành cong” (Hỏa biến).

Lão là thế đó, một chân dung Vương Tâm bốn mặt như một khối Rubic góc cạnh xù xì, biến hóa trong cuộc chơi. Với con chữ, lão cần mẫn học, đọc, viết và sáng tạo như một con ong làm mật cho đời. Trái tim lão luôn rộn ràng: “Lòng yêu thương cuộc đời/ Trĩu vai chia mọi ngả/ Rồi tàn hoa rụng lá/ Hẹn xuân về rong chơi” (Ngoảnh lại). Với bùn đất và lửa gốm, lão luôn sảng khoái cho tới tận cùng với đạo trà thấm đậm trong từng giọt nước và hương vị cốm thơm cọng trà. Hồn vía lão luôn cất lên niềm hứng khởi phiêu linh: “Trà mịn da thơm Em đóa sen/ Bầu hương suối nhạc chảy êm đềm/ Bình minh tung lụa bay bát ngát/ Vũ trụ thu về núm vú tiên” (Độc ẩm Tây Thi).

Hạnh An

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/khoi-rubic-bon-mat-160082.html