Khởi sắc liên kết sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên: Cần thêm 'bệ đỡ'
Các chuỗi liên kết sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) thực tế vẫn còn yếu, rời rạc, đầu ra bấp bênh. Vì vậy, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể, dài hạn, để giúp bà con DTTS đứng vững hơn trên chính buôn làng của mình.
Thiếu nguồn lực
Ông Hoàng Văn Tuấn, Trưởng Ban kiểm soát HTX Thảo dược cộng đồng Ngọc Yêu (xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum), cho biết, đơn vị đã liên kết trồng măng với 26 hộ đồng bào DTTS trong xã với diện tích 20ha. Trong việc liên kết này, vấn đề khó khăn là đời sống đồng bào còn nghèo nên bà con chỉ góp đất, công lao động, phương tiện, còn lại vốn đa phần do HTX đóng góp. “Ngặt nỗi, HTX cũng khó khăn về vốn. Do đó, đơn vị phải vay mượn tiền của người thân và đi thu mua nông sản, thảo dược trong dân để lấy kinh phí duy trì liên kết trồng măng.
Cũng vì khó khăn này nên HTX mới chỉ liên kết trồng 20ha măng, dự định chờ 2 năm sau, măng cho thu hoạch có nguồn thu, thì HTX mới tính chuyện mở rộng thêm diện tích liên kết”, ông Hoàng Văn Tuấn nói. Xuôi theo các buôn làng ở Tây Nguyên, chứng kiến đời sống đồng bào DTTS vẫn còn nhiều khó khăn và nhu cầu liên kết sản xuất, vươn lên thoát nghèo luôn hiện hữu trong suy nghĩ người dân. Người dân mong được cấp chính quyền hỗ trợ cơ chế để tham gia chuỗi liên kết.
Giữa trưa nắng, tổ liên kết 12 hộ dân thôn Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) leo lên quả đồi cao để chăm sóc vườn sâm dây rộng 2ha. Họ chia thành từng tốp nhỏ nhổ cỏ, kéo đường ống nước để chống hạn cho vườn sâm dây. Lau mồ hôi trên mặt, anh A Blinh (thành viên tổ liên kết sâm dây tại thôn Tu Mơ Rông) cho biết: “Trên phần diện tích này, trước bà con chỉ trồng mì nhưng năng suất thấp, cuộc sống mãi nghèo khó. Thấy sâm dây cho lợi nhuận cao gấp 10 lần cây mì nên bà con chuyển đổi với hy vọng đổi đời”. Cũng theo anh A Blinh, do vị trí trồng là đồi dốc cao, nên chi phí đầu tư lớn, nhất là hệ thống nước tưới, phân bón. Anh hy vọng nhà nước sẽ có thêm nhiều cơ chế hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, đầu tư hạ tầng, vốn giúp bà con mở rộng diện tích liên kết trồng sâm dây.
Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum), cho biết, bà con đồng bào DTTS khi liên kết sản xuất nông nghiệp đang gặp một số khó khăn như địa bàn đồi dốc gây tốn kém đầu tư hạ tầng, nước tưới; nguồn vốn hỗ trợ hạn chế; ngoài ra, bà con còn có tâm lý lo ngại mất đất khi tham gia liên kết, dẫn đến lỡ cơ hội liên kết với doanh nghiệp lớn. “Để nâng cao đời sống người đồng bào DTTS trên địa bàn, thời gian tới huyện sẽ thúc đẩy, vận động xây dựng, hình thành thêm nhiều tổ để tham gia chuỗi liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng; cho người dân vay vốn ưu đãi để liên kết sản xuất; kêu gọi doanh nghiệp lớn, có tiềm lực lớn vào sản xuất”, ông Võ Trung Mạnh nói.
Trong khi đó, ông Đinh Văn Dũng, Bí thư Huyện ủy Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đề xuất, để nâng cao đời sống cho người dân đồng bào DTTS, huyện đề nghị tỉnh kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn có người đồng bào để liên kết, nâng cao trình độ thâm canh, giúp đồng bào DTTS biết ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh. Địa phương cũng mong tỉnh làm việc với ngân hàng để tạo điều kiện cho đồng bào tiếp cận vay vốn ưu đãi tham gia các chuỗi liên kết sản xuất.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Theo ông Nguyễn Hà Lộc, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, hiện trên địa bàn, nông dân được hỗ trợ trực tiếp một số nội dung sau khi tham gia vào các dự án, kế hoạch hỗ trợ liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ. Trong đó, được hỗ trợ đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật, nâng cao nghiệp vụ quản lý, kỹ thuật sản xuất, năng lực quản lý hợp đồng, quản lý chuỗi và phát triển thị trường. “Nhà nước hỗ trợ 70% chi phí mua giống, bao bì, nhãn mác sản phẩm (bao gồm tem truy xuất nguồn gốc điện tử), thời gian hỗ trợ tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm, mức hỗ trợ không quá 500 triệu đồng/dự án liên kết. Hỗ trợ 40% chi phí chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật mới và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi, mức hỗ trợ không quá 400 triệu đồng/dự án liên kết”, ông Nguyễn Hà Lộc cho biết.
Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đánh giá, chính sách hỗ trợ liên kết nêu trên rất có hiệu quả thực tiễn trong sản xuất khi các nội dung hỗ trợ đều do chính các doanh nghiệp, HTX, nông dân đề xuất. “Hiệu quả cũng được thể hiện qua việc doanh nghiệp, HTX, người dân tự nguyện đối ứng vốn để triển khai thực hiện các dự án/kế hoạch hỗ trợ liên kết. Giai đoạn 2019-2023, các doanh nghiệp, HTX, người dân đã đăng ký đối ứng vốn 247,9 tỷ đồng để thực hiện, đến nay đã giải ngân được 133 tỷ đồng, trong đó có các tổ, nhóm liên kết của đồng bào DTTS”, ông Nguyễn Hà Lộc thông tin.
Thông qua chính sách hỗ trợ, số chuỗi trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay tăng 166 chuỗi so với năm 2017 (khi chính sách chưa được ban hành). Ông Y Hưng Niê, Giám đốc HTX Ea H’Đinh (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk), cho biết, hiện đang tìm kiếm các đối tác liên kết sản xuất các mặt hàng nông sản thế mạnh của địa phương như chanh leo, khoai lang, cà phê, tiêu... Do người dân trên địa bàn đa số là đồng bào DTTS, đời sống khó khăn nên nguồn vốn đầu tư vào sản xuất còn hạn chế. Bên cạnh đó, do lo ngại về thị trường tiêu thụ nên người dân chưa mạnh dạn phát triển các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương. HTX mong muốn ngành chức năng ưu tiên hơn nữa trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư về địa phương, đặc biệt là vùng DTTS để người dân và doanh nghiệp cùng nhau phát triển.
Tiến sĩ Phan Việt Hà gợi mở, phải có cơ chế thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn về địa phương hợp tác cùng người dân tạo ra chuỗi sản xuất để nâng tầm giá trị sản phẩm. Từ đó, sản phẩm nông nghiệp của người dân có thị trường tiêu thụ ổn định và góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế của địa phương.
Tiến sĩ Phan Việt Hà, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (Bộ NN-PTNT), cho rằng: “Ngành chức năng cần tích cực tuyên truyền, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hay, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc cây trồng, đặc biệt ưu tiên vùng đồng bào DTTS để người dân nâng cao tư duy sản xuất, ứng dụng khoa học vào sản xuất. Cần phải tạo điều kiện về nguồn vốn, con giống, cây giống... đối với các vùng đồng bào DTTS khó khăn để người dân có tư liệu sản xuất, vươn lên thoát nghèo”