Khơi thông cơ chế liên kết '3 nhà' tại các dự án PPP giao thông

Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện về room tín dụng cho các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia tài trợ vốn cho các dự án hạ tầng giao thông quy mô lớn được triển khai theo hình thức PPP.

Thi công đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Thi công đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Đây là một trong những kiến nghị của ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT Chủ tịch Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) tại cuộc gặp của Thường trực Chính phủ với doanh nghiệp về nhiệm vụ, giải pháp để doanh nghiệp tư nhân tăng tốc, bứt phá, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới.

Là một trong những đại diện ngân hàng được phát biểu tại cuộc gặp, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết, với chủ đề của của cuộc gặp là tăng tốc, bứt phá, thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát thì trách nhiệm của ngân hàng thương mại chủ yếu là tăng trưởng tín dụng.

Cụ thể, trong năm 2025, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16%. Quy mô tín dụng toàn ngành kinh tế là 15,5 triệu tỷ đồng trong năm 2024, tăng 2,1 triệu tỷ đồng so với năm 2023.

Theo tính toán của Chủ tịch TPBank, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% trong năm nay tương đương với việc có thêm 2,5 triệu tỷ đồng đưa ra nền kinh tế, nâng tổng dư nợ trong toàn ngành lên khoảng 18 triệu tỷ đồng.

"Đây là một nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, đặt trên vai của các ngân hàng thương mại nhưng thực tế cho thấy là có những cơ sở để hoàn thành nhiệm vụ này, qua đó góp phần vào mục tiêu mà Thủ tướng, Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước đề ra là Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GDP ít nhất 8 % trong năm 2025", ông Đỗ Minh Phú đánh giá.

Lãnh đạo TPBank cho biết, để góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung, TPBank đã thực hiện “3 giảm”.

Đầu tiên là giảm lãi suất cho vay. Trong năm 2024, TPBank đã giảm khoảng 1.900 tỷ đồng cho khoảng 92.000 khách hàng trên tổng dư nợ 183.000 tỷ đồng để hỗ trợ nền kinh tế, hỗ trợ các doanh nghiệp.

Thứ hai là giảm thủ tục, đơn giản hóa các thủ tục, các điều kiện cho vay không cần thiết, nhưng vẫn phải gọi là kiểm soát rủi ro.

Thứ ba là giảm các quy trình nội bộ chưa phù hợp và áp dụng công nghệ sử dụng dữ liệu lớn để ngân hàng ứng dụng có thể đánh giá được luôn mức độ tín nhiệm doanh nghiệp vay, xác định giá trị tài sản đảm bảo nhanh chóng.

Một trong các giải pháp mà Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú đề xuất để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nói riêng, thúc đẩy kinh tế nói chung là việc đẩy mạnh cấp tín dụng cho các dự án BOT hạ tầng giao thông.

Theo ông Phú, đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng bởi các dự án BOT đường bộ là lĩnh vực đầu tư có nhiều rủi ro do quy mô vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài, phương án tài chính chịu nhiều tác động bởi yếu tố khách quan khiến các ngân hàng luôn rất ngần ngại khi cho vay.

Trong thời gian vừa qua TPBank đã rất tích cực tham gia tài trợ vốn cho các dự án đường cao tốc Bắc – Nam được triển khai theo phương thức PPP như: tuyến cao tốc Cao Lâm – Vĩnh Hảo và vừa qua là tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tại Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, phần vốn nhà nước tham gia chỉ chiếm 49,3% tổng mức đầu tư, còn lại là vốn nhà đầu tư và vốn huy động. Tỷ lệ vốn tham gia của nhà nước như trên là thấp so với các dự án PPP đang được triển khai tại các địa bàn kinh tế khó khăn như Lạng Sơn nhưng TPBank vẫn quyết định cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vay 2.500 tỷ đồng.

"Mặc dù là lĩnh vực khó nhưng với tinh thần quyết tâm cùng Chính phủ thực hiện thành công mũi đột phá về hạ tầng, TPBank đã rất cố gắng và chủ động tham gia vào các dự án BOT giao thông", ông Đỗ Minh Phú báo cáo.

Tính đến ngày 10/2, TPBank đã tài trợ khoảng 8.000 tỷ đồng vốn tín dụng cho các dự án BOT giao thông, trong đó có 2 dự án đường bộ cao tốc là nhà đầu tư là Hữu Nghị - Chi Lăng và Cam Lâm – Vĩnh Hảo.

Đáng chú ý, để khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án hạ tầng giao thông được triển khai theo phương thức PPP, Chủ tịch Đỗ Minh Phú đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp liên quan đến cơ chế cấp tín dụng.

Cụ thể, đối với một số dự án đường cao tốc được triển khai tại các địa bàn kinh tế khó khăn như tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Thủ tướng đã cho phép điều chỉnh phần vốn nhà nước tham gia lên tới 70% tổng mức đầu tư. Cơ chế này cần được xem xét sớm áp dụng đối với Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

“Nếu tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia vào Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng lên 70% tổng mức đầu tư sẽ giúp nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn và ngân hàng tài trợ vốn cũng thấy được sự đồng hành, chia sẻ hơn từ các cơ quan Nhà nước trong việc đảm bảo trong việc thu hồi vốn”, ông Đỗ Minh Phú chia sẻ.

Bên cạnh đó, do các dự án BOT giao thông, đặc biệt là các dự án đường bộ cao tốc cần một lượng vốn tín dụng rất lớn nên Chủ tịch TPBank đề xuất Ngân hàng Nhà nước xem xét cho phép phần vốn tín dụng cấp cho các dự án BOT sẽ không tính vào room tín dụng để các ngân hàng yên tâm đưa dòng vốn vào các dự án trọng điểm cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ góp phần thúc đẩy các trụ cột đột phá tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Đây cũng là cơ chế khơi thông mối liên kết 3 nhà: Nhà nước, nhà đầu tư và nhà băng cho các dự án PPP giao thông trong thời gian tới”, ông Đỗ Minh Phú phân tích.

Bảo Như

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/khoi-thong-co-che-lien-ket-3-nha-tai-cac-du-an-ppp-giao-thong-d245795.html