Không ai thắng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung

Chuyên gia cho rằng, thế giới đang rơi vào 'bẫy Kindleberger' khi thiếu vắng một cường quốc dẫn dắt hệ thống thương mại toàn cầu.

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục leo thang, không bên nào nhượng bộ. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc hồi đầu tháng 4 vấp phải đòn trả đũa từ Bắc Kinh với mức thuế 125% lên hàng Mỹ. Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau, và hiện các cuộc đàm phán (nếu có) chưa tạo được kết quả đáng kể.

Nguy cơ tách rời kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ không còn là giả định mà đang trở thành hiện thực. Trong khi nhiều người vẫn bàn cãi bên nào “thắng” trong cuộc chiến này, thực tế đang cho thấy: tất cả đều đang thua cuộc.

Nguy cơ tách rời kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ không còn là giả định mà đang trở thành hiện thực. (Ảnh minh họa)

Nguy cơ tách rời kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới giờ không còn là giả định mà đang trở thành hiện thực. (Ảnh minh họa)

Thiệt hại phía Trung Quốc

Chính sách bảo hộ thương mại của ông Trump không loại trừ ai, kể cả đồng minh lẫn đối thủ. Tuy nhiên, Trung Quốc là mục tiêu chính, hứng chịu hậu quả từ sự bất mãn trong nước Mỹ về thâm hụt thương mại và mất việc làm.

Đối với Trung Quốc, cái giá phải trả là rõ ràng: mất quyền tiếp cận ổn định vào thị trường Mỹ, đi kèm với sự bất định ngày càng tăng trong hệ thống thương mại toàn cầu, đang làm tổn thương sâu sắc các ngành xuất khẩu chủ lực, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và năng lượng xanh.

Việc Mỹ, châu Âu và Canada đồng loạt hạn chế nhập khẩu xe điện Trung Quốc đã khiến nhu cầu giảm mạnh. Dù GDP quý I tăng 5,4% — vượt kỳ vọng — nhưng giới phân tích cho rằng tác động tiêu cực từ các mức thuế sẽ sớm lộ rõ. Chỉ số sản xuất công nghiệp mới nhất cho thấy sản lượng đang sụt giảm.

Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc còn đối mặt với loạt thách thức mang tính cấu trúc như dư thừa công suất, dân số già hóa, tỷ lệ thất nghiệp thanh niên, bất bình đẳng vùng miền và khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản.

Dù cần đối thoại với Mỹ để hạ nhiệt căng thẳng, Bắc Kinh không thể đơn phương nhượng bộ. Hôm 29/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc công bố video có tiêu đề “Không bao giờ khuất phục” nhằm phản đối chính sách thuế quan của Mỹ.

Việc Mỹ, châu Âu và Canada đồng loạt hạn chế nhập khẩu xe điện Trung Quốc đã khiến nhu cầu giảm mạnh.

Việc Mỹ, châu Âu và Canada đồng loạt hạn chế nhập khẩu xe điện Trung Quốc đã khiến nhu cầu giảm mạnh.

Thiệt hại phía Mỹ

Dù khởi xướng cuộc chiến thương mại với kỳ vọng thu hẹp thâm hụt thương mại và phục hồi ngành sản xuất trong nước, Mỹ đến nay lại đang gánh chịu nhiều tổn thất kinh tế rõ rệt. Theo số liệu từ Phòng Thương mại Mỹ, tính đến tháng 4/2025, tổng thiệt hại kinh tế trực tiếp do các biện pháp thuế quan và trả đũa từ Trung Quốc vượt 360 tỷ USD. Riêng trong quý I/2025, xuất khẩu nông sản Mỹ sang Trung Quốc giảm 47% so với cùng kỳ năm trước, gây thiệt hại ước tính hơn 12 tỷ USD cho nông dân các bang trung tâm như Iowa và Nebraska.

Ngành sản xuất cũng không tránh khỏi tác động. Hiệp hội Các nhà sản xuất quốc gia Mỹ (NAM) báo cáo rằng hơn 120.000 việc làm trong ngành chế tạo đã bị cắt giảm kể từ khi các mức thuế mới được áp đặt vào đầu tháng 4, do chi phí đầu vào tăng vọt và đơn hàng sụt giảm. Ngành công nghệ cao – vốn phụ thuộc vào các linh kiện và vật liệu từ Trung Quốc – cũng ghi nhận mức giảm tăng trưởng quý chậm nhất trong vòng 7 năm.

Trong khi đó, chỉ số niềm tin tiêu dùng do Conference Board công bố đã giảm liên tiếp ba tháng, phản ánh tâm lý lo ngại của người dân trước lạm phát kéo dài và giá cả hàng tiêu dùng tăng do chi phí nhập khẩu cao. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu cuộc chiến thương mại không sớm hạ nhiệt, nền kinh tế Mỹ sẽ đối mặt với nguy cơ suy thoái kỹ thuật ngay trong nửa cuối năm nay.

Nguy cơ từ "Bẫy Kindleberger"

Chính sách đơn phương không chỉ gây hại cho quan hệ song phương mà còn làm suy yếu trật tự thương mại đa phương. Khi gạt bỏ vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhiều quốc gia mạnh dạn quay lưng với chủ nghĩa tự do thương mại.

Một hệ quả là sự nổi lên của các cơ chế hợp tác khu vực. Tại châu Á, Hiệp định RCEP do Trung Quốc hậu thuẫn đang trở thành nền tảng cho hợp tác kinh tế. Hiệp định CPTPP cũng tiếp tục mở rộng, với sự tham gia mới nhất của Vương quốc Anh. Tại Mỹ Latin, các khối khu vực đang tìm cách củng cố để chống chọi với làn sóng bảo hộ.

Tuy nhiên, các cơ chế khu vực không thể thay thế hoàn toàn thương mại toàn cầu — cả về quy mô lẫn tính hiệu quả.

Mối đe dọa lớn hơn chính là sự vắng bóng vai trò lãnh đạo toàn cầu. Nhà kinh tế Charles Kindleberger từng lý giải cuộc Đại khủng hoảng là hệ quả của sự thiếu vắng một quốc gia dẫn dắt và cung cấp các hàng hóa công toàn cầu. Hôm nay, thế giới đang đứng trước một rủi ro tương tự.

Nếu thiếu sự phối hợp quốc tế, sự phân mảnh kinh tế do chiến tranh thương mại gây ra có thể châm ngòi cho những căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng hơn — thậm chí có nguy cơ xung đột quân sự.

Phương Anh (Nguồn: Asia Times)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/khong-ai-thang-trong-cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-ar942271.html