Không chỉ là chuyện gọn địa giới, tinh bộ máy (kỳ 1)
Sáp nhập tỉnh không đơn thuần là phép cộng địa lý và hành chính, mà là sự điều chỉnh chiến lược trong tư duy thể chế và quản trị quốc gia. Từ 63 xuống còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, và từ mô hình ba cấp nay rút gọn còn hai cấp, bộ máy chính quyền địa phương giờ đây không chỉ tinh gọn về cơ cấu mà còn được kỳ vọng sẽ vận hành linh hoạt, hiệu quả hơn trong kỷ nguyên số.
Nhưng để một bộ máy mới thực sự vững chắc, không thể chỉ dừng ở việc rút gọn tổ chức trên giấy. Câu trả lời dài hạn nằm ở sự đồng thuận từ cơ sở, ở cách sắp xếp phân cấp, phân quyền; khai thác và sử dụng dữ liệu. Điều quan trọng hơn cả, ở việc chuyển đổi mô hình quản trị từ hành chính truyền thống sang nền hành chính số, liêm chính, phục vụ và kiến tạo.
Giờ đây, những cái tên quen thuộc như Quảng Nam, Quảng Bình, Ninh Thuận, Gia Lai, Bắc Giang… đã là quá khứ trong hồ sơ hành chính, nhưng không mất đi, mà được “tái sinh” trong hình hài mới, những thực thể hành chính có diện tích rộng hơn, dân số đông hơn, nguồn lực tập trung hơn và kỳ vọng lớn hơn…
Bên trong những xã mới nhập
Theo tìm hiểu của PV Báo CAND, những ngày đầu vận hành bộ máy mới tại xã Hiếu Giang, tỉnh Quảng Trị mới, diễn ra với không khí vừa khẩn trương, vừa dè dặt. Có lẽ, do cán bộ vừa phải xử lý khối lượng công việc lớn hơn, trong khi chưa quen lắm với các thao tác, quy trình xử lý hành chính số. Tại bộ phận Trung tâm phục vụ hành chính công, ông Hoàng Thanh Lâm, công chức tư pháp hộ tịch, cẩn thận rà lại từng bước quy trình đăng ký khai sinh không còn qua cấp huyện trung gian. “Hồ sơ giờ xử lý trực tiếp ở xã, nên sai một bước là ảnh hưởng tới dân nên áp lực cũng nhân đôi”, ông nói.
Ghi nhận trong buổi sáng 7/7, tức đúng một tuần, sau khi bộ máy mới chính thức đi vào hoạt động, có 29 hồ sơ hành chính được tiếp nhận, không có hồ sơ nào phải chuyển lên tỉnh. Tổ công nghệ thông tin của xã đã hỗ trợ xử lý 12 trường hợp qua cổng dịch vụ công. Khác với những ngày làm việc khá bình lặng trước đây, buổi trưa 7/7 ở Hiếu Giang không ai rời cơ quan đúng giờ. Từ lãnh đạo, đến cán bộ, nhân viên cùng ăn vội bữa cơm đạm bạc do shipper mang đến. Trong cái tất bật của những ngày đầu, có áp lực, có lúng túng, nhưng cũng có quyết tâm rõ ràng hiện lên trên từng ánh mắt.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về tổ chức bộ máy và sắp xếp đơn vị hành chính, Tổng Bí thư Tô Lâm không chỉ nói đến việc giảm đầu mối hay tinh gọn biên chế, mà đi thẳng vào cốt lõi của vấn đề: thay đổi tư duy lãnh đạo, thay đổi cách quản lý, vì mục tiêu cuối cùng là phụng sự nhân dân.
Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra những điểm nghẽn trong mô hình cũ: “Không phải cứ thêm cán bộ, thêm phòng ban là quản lý tốt hơn. Ngược lại, nếu bộ máy cồng kềnh, chồng chéo sẽ sinh ra trì trệ, gây lãng phí nguồn lực của dân”.
Trên nền tảng đó, Tổng Bí thư khẳng định nguyên lý hành chính thời đại mới: “Bộ máy gọn hơn để gần dân hơn. Mỗi cán bộ, công chức phải là người được dân tin, dân yêu, dân cần”. “Gần dân” không chỉ là khoảng cách địa lý, mà là mức độ hiện diện và hiệu quả của bộ máy trong đời sống hằng ngày của người dân.
Việc bỏ cấp huyện đã kéo theo hàng loạt thay đổi. Những phòng, ban từng là đầu mối điều phối tại các huyện cũ nay ngừng hoạt động độc lập. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp huyện được điều chuyển lên tỉnh, về xã hoặc bố trí lại theo nhu cầu mới. Ông Nguyễn Thanh Bắc (nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ), Chủ tịch UBND xã Hiếu Giang mới bộc bạch: “Có người đi tiếp, có người xin nghỉ, có người ra làm tư nhân. Mỗi người một ngã rẽ. Nhưng điều quan trọng là không để đứt gãy quy trình phục vụ người dân”.
Cũng theo ông Bắc, việc điều chuyển cán bộ giữa các cấp và các đơn vị chưa bao giờ là dễ dàng. Không ít cán bộ trẻ, giỏi chuyên môn đã chọn rời hệ thống vì thiếu cơ hội phát triển hoặc tâm lý khó thích nghi với nhữn cải cách, thay đổi quá nhanh.
Không chỉ cán bộ lo lắng, người dân cũng hồi hộp chờ xem chính quyền mới hoạt động ra sao. Chị Phùng Thị Hải, một người dân ở xã Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị mới, chia sẻ: “Trước đây đi làm giấy tờ đất phải lên huyện, giờ xã giải quyết luôn thì mừng. Nhưng cũng lo xã làm có kịp không, có chính xác không?”. Sự kỳ vọng của người dân cũng là áp lực với chính quyền xã. Giờ đây, xã phải giải quyết từ việc nhỏ như hộ tịch, chứng thực đến những hồ sơ phức tạp liên quan đất đai, xây dựng, đầu tư. Không còn đẩy lên huyện như trước, mỗi cán bộ xã là một cửa ngõ trực tiếp. Tại nhiều xã mới, đội ngũ cán bộ phải đảm nhiệm khối lượng công việc gấp đôi.
Ông Nguyễn Văn Quyết, công chức địa chính xã Cửa Việt mới, nói: “Địa bàn mới rộng gấp ba lần xã cũ. Mà số cán bộ thì không tăng tương ứng. Có ngày tôi phải đi đo đạc đất đai tận ba nơi, rồi tối về xử lý giấy tờ”. Ông Nguyễn Đức Vĩnh, cùng đơn vị với ông Quyết, là cán bộ phụ trách VH – XH, cũng rơi vào tình cảnh tương tự: “Bây giờ, khối lượng công việc nhiều gấp 3 lần trước đây, nên sợ làm không kịp, ảnh hưởng đến người dân”. Dù mệt mỏi, nhưng đa số cán bộ xã vẫn giữ được tinh thần trách nhiệm cao, vì họ hiểu rằng, xã là nơi duy nhất người dân có thể tìm đến, khi cấp huyện đã không còn.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã Hiếu Giang hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính.
Công an đi trước, bài học từ người tiên phong
Từ ngày 1/3/2025, lực lượng Công an đã chuyển sang mô hình ba cấp. Hàng trăm đơn vị Công an cấp huyện kết thúc hoạt động, cán bộ, chiến sĩ được điều chuyển về Công an cấp xã hoặc tỉnh. Đại tá Lê Phương Nam, Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị mới, chia sẻ: “Sự đồng thuận, kỷ luật và ổn định tư tưởng là điều kiện tiên quyết. Chúng tôi đã làm, và có thể là hình mẫu cho các ngành khác khi chuyển sang chính quyền địa phương hai cấp”.
Từ năm 2023 – 2024, Bộ Công an đã liên tục kiện toàn lực lượng Công an xã chính quy, đưa cán bộ chính quy về đảm nhiệm chức danh Trưởng Công an tại 100% xã, thị trấn trên toàn quốc. Đây là bước chuẩn bị căn cơ, làm tiền đề để đến năm 2025, khi chính quyền địa phương hai cấp chính thức được vận hành, Bộ Công an là một trong những ngành đầu tiên triển khai xóa bỏ tổ chức cấp huyện, chuyển sang mô hình điều hành trực tiếp từ tỉnh xuống xã. Việc này không gây xáo trộn như nhiều người lo ngại, bởi lực lượng Công an xã chính quy đã được huấn luyện, kiểm tra, bổ sung nghiệp vụ từ trước đó.
Tại tỉnh Quảng Trị mới, ngay trong những ngày đầu tiên chính thức bỏ cấp huyện, nhiều địa phương ở vùng sâu, vùng xa như xã Lìa, xã La Lay đều ghi nhận một thực tế Công an xã là lực lượng triển khai nhiệm vụ ổn định nhất, rõ vai nhất, và hiệu quả nhất trong các thiết chế nhà nước tại địa bàn. Tại xã mới Lìa, nơi từng thuộc huyện Hướng Hóa cũ, Trung tá Nguyễn Thanh Long, Phó Trưởng Công an xã, cho biết: “Từ nửa năm qua, chúng tôi đã vận hành trực tiếp theo điều hành của Công an tỉnh. Mọi tình huống đều được báo cáo thẳng qua hệ thống chỉ huy số, không còn phụ thuộc cấp huyện. Việc này giúp xử lý nhanh các vụ việc nóng, đồng thời giảm được các bước trung gian không cần thiết”. Tại đây, trong sáng 5/7, khi một số cán bộ địa chính, tư pháp vẫn còn đang rà soát lại chức năng, quyền hạn sau thay đổi cấp quản lý, thì tổ Công an xã đã giúp dân hoàn tất thủ tục hành chính lên cổng tích hợp của tỉnh.
Việc lực lượng Công an đi trước trong xóa bỏ cấp huyện cho thấy một bài học quý, đó là cải cách không nhất thiết phải đợi đầy đủ mọi điều kiện, mà cần một tầm nhìn và quyết tâm chính trị đủ lớn để dẫn dắt thay đổi. Chính Bộ Công an đã chủ động xây dựng khung pháp lý, chuẩn hóa chức năng nhiệm vụ cho từng vị trí, từng đơn vị cấp xã, điều mà một số ngành khác vẫn còn loay hoay. Vì thế, giờ đây, khi bộ máy chính quyền 2 cấp đã chính thức đi vào hoạt động tại 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước, lực lượng Công an được xem là hình mẫu tiên phong trong vận hành mô hình mới. Không chỉ là rút gọn, mà là chuyển đổi tư duy quản trị, từ phân cấp sang phân quyền, từ xử lý theo tuyến sang điều hành theo mạng, từ hành chính sang dữ liệu, công nghệ…
Trong công trình lớn của cải cách thể chế, những viên gạch đầu tiên đôi khi không phải ở phòng họp cấp cao, mà nằm ở từng trạm Công an xã vùng biên, nơi người chiến sĩ mang sắc phục lặng lẽ giải quyết từng vấn đề nhỏ, để bộ máy lớn được chuyển mình mạnh mẽ, hiệu quả. Thiếu tướng Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Công an tỉnh Quảng Trị mới nhấn mạnh rằng, chính quyền hai cấp không phải là lựa chọn đơn giản, càng không phải là giải pháp ngắn hạn. Đây là một bước cải cách thể chế chưa từng có trong lịch sử hiện đại Việt Nam, vừa mở ra cơ hội, vừa đặt ra nhiều thách thức.
Muốn bộ máy mới vận hành hiệu quả, không chỉ cần pháp luật đủ mạnh, công nghệ đủ hiện đại, mà quan trọng nhất là con người đủ tâm – đủ tầm – đủ bền bỉ. Cán bộ xã không còn là tầng dưới cùng, mà là trụ cột chính của bộ máy phục vụ. Người dân không còn phải chờ đợi ở những tầng nấc trung gian. Chính sách, nếu đi được đến tận thôn xóm, mới thực sự là chính sách sống.