Không chủ quan, cũng không quá hoang mang với cúm A/H9N2
Về chuyên môn, cúm A được gọi là H9N2 vì nó có protein hemagglutinin (HA) nhóm H9. HA là một trong những protein chính trên bề mặt của vi rút cúm, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc vi rút xâm nhập vào tế bào. Có 18 nhóm HA khác nhau, được đánh số từ H1 đến H18.
Ngoài HA, vi rút cúm A còn có protein neuraminidase (NA). NA cũng là một protein chính trên bề mặt của vi rút cúm, và nó đóng vai trò quan trọng trong việc vi rút giải phóng khỏi tế bào. Có 11 nhóm NA khác nhau, được đánh số từ N1 đến N11. Tên gọi của vi rút cúm A căn cứ vào nhóm HA và nhóm NA. Ví dụ, cúm A/H1N1 là một loại cúm A có HA nhóm H1 và NA nhóm N1.
Cúm A/H9N2 là một loại cúm gia cầm mới được phát hiện lần đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2013. Vi rút này đã lây sang người và gây ra một số trường hợp tử vong. Cúm A/H9N2 một loại vi rút cúm mới, vì vậy chưa có miễn dịch cộng đồng đối với vi rút này. Điều này có nghĩa là vi rút có thể dễ dàng lây lan và có thể gây ra bệnh nặng hơn ở một số người.
Vi rút cúm A nói chung, cúm A/H9N2 nói riêng, thường lây lan từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Các triệu chứng của cúm A/H9N2 tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường, bao gồm sốt, ho, đau họng, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Tuy nhiên, cúm A/H9N2 có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như viêm phổi và suy hô hấp.
Cúm này có thể nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ, người già và những người có bệnh nền.
Mặc dù hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa cúm A/H9N2 nhưng có 4 lý do để mọi người bình tĩnh, không nên quá hoang mang lo lắng.
Thứ nhất, khả năng lây truyền từ người sang người của vi rút cúm A/H9N2 được đánh giá là thấp. Tuy nhiên, đã có một số trường hợp lây truyền từ người sang người được ghi nhận, chủ yếu xảy ra trong môi trường gia đình hoặc bệnh viện. Nguồn lây chủ yếu từ gia cầm sang người qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị nhiễm bệnh hoặc môi trường bị ô nhiễm bởi vi rút. Các trường hợp lây truyền thường xảy ra ở những người có liên quan đến việc chăn nuôi, giết mổ hoặc chế biến gia cầm. Việc tiếp xúc với phân, nước bọt hoặc chất nhầy của gia cầm bị nhiễm bệnh có thể dẫn đến lây nhiễm. Vì vậy, sự lây lan sẽ không cao trong cộng đồng.
Thứ hai, các thuốc điều trị cúm hiện nay rất hiệu quả trong cúm gia cầm H5N1, thuốc cũng có hiệu quả cao trong điều trị cúm A/H9N2. Vì thực chất thuốc kháng vi rút cúm hoạt động bằng cách ngăn chặn sự nhân lên của vi rút cúm trong cơ thể người bất kể cấu trúc bề mặt của vi rút mới xuất hiện, nó có thay đổi hay đột biến như thế nào đi nữa cũng không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Thuốc kháng vi rút cúm có hiệu quả nhất khi được dùng trong vòng 2 ngày kể từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng, do đó cần nhận biết sớm. Tuy nhiên, vẫn có thể có hiệu quả một phần nếu được dùng sau thời điểm này.
Thứ ba, nếu ai đã từng chích ngừa cúm thông thường hằng năm, thì vắc xin cúm mùa có thể tạo ra một số khả năng miễn dịch chéo chống lại cúm gia cầm, nhưng mức độ bảo vệ có thể không cao. Một số nghiên cứu cho thấy vắc xin cúm mùa có thể giảm nguy cơ mắc cúm gia cầm nặng ở người lớn tuổi, người có bệnh nền.
Thứ tư, ngành Y tế đã có kinh nghiệm xử lý nhiều vi rút có khả năng lây truyền cao như việc chống dịch Covid-19 những năm trước đây, các cơ quan y tế đã thu được nhiều kinh nghiệm quý báu trong việc quản lý đại dịch. Ngành Y tế và toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta đã chuyển sang cách tiếp cận toàn diện hơn, khoa học hơn, trong đó vấn đề tiêm chủng, xét nghiệm và điều trị can thiệp sớm đặt lên hàng đầu.
Để phòng ngừa cúm A/H9N2 mọi người nên tiêm vắc xin cúm hằng năm; tránh tiếp xúc với động vật bị bệnh; nấu chín kỹ thịt trước khi ăn; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước; tránh tiếp xúc với người bệnh; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; sử dụng khăn giấy dùng 1 lần và vứt bỏ đúng cách sau khi sử dụng.
Tóm lại, mọi người không nên hoảng sợ, hoang mang, mà cũng không được chủ quan, lơ là mất cảnh giác trước bệnh nhiễm cúm A/H9N2. Mọi người hãy tiếp tục cập nhật thông tin và theo hướng dẫn của ngành Y tế, phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp vì sức khỏe của chính mình và gia đình của mình.