Không có chuyện công ty Việt không thể làm nổi... con ốc vít

Quy mô thị trường điện tử hàng gia dụng Việt Nam dự báo đến năm 2025 đạt 12,5-13 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhiều năm qua đóng góp lớn vào tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, mức tăng trưởng hàng năm 10%-15%.

Đáng chú ý, mới đây đã có trên 600 công ty Trung Quốc tham gia “Triển lãm Quốc tế Điện tử và Thiết bị Thông minh Việt Nam” (IEAE) lần thứ 4 để tìm kiếm cơ hội hợp tác, kinh doanh, đầu tư.

Liệu đây là cơ hội lớn hay thách thức cho DN trong ngành. PLO trao đổi cùng bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) về vấn đề này.

Thương hiệu Việt chiếm 80% thị phần hàng điện tử gia dụng

Phóng viên: Với sự có mặt của trên 600 công ty Trung Quốc trong ngành điện tử nói chung, điện tử gia dụng nói riêng tại triển lãm vừa qua cho thấy mức độ quan tâm của họ tới thị trường Việt Nam ngày càng tăng phải không thưa bà?

+ Bà Đỗ Thị Thúy Hương: Quy mô thị trường điện tử gia dụng Việt Nam dự báo đến năm 2025 đạt 12,5- 13 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng trung bình 10%/năm.

Vì vậy, thị trường điện tử gia dụng Việt Nam đã và đang thu hút sự quan tâm của DN Trung Quốc không chỉ tại kỳ triển lãm lần thứ IV này, mà còn được minh chứng qua ba kỳ triển lãm trước.

Cũng trong khuôn khổ triển lãm năm nay, VEIA đã tổ chức một hội thảo với chủ đề “Định hình một tương lai bền vững với các nhà sản xuất điện tử” thu hút nhiều DN cả Việt Nam và Trung Quốc đến tham dự, kết nối và chia sẻ. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của DN Trung Quốc với DN Việt và thị trường điện tử Việt Nam.

Ngoài ra, về thị phần hàng điện tử gia dụng hiện nay thương hiệu Việt Nam chiếm đến 80% thị phần.

Các mặt hàng điện tử gia dụng được sản xuất tại Việt Nam có phần lớn linh kiện xuất xứ từ Trung Quốc. 20% thị phần còn lại thuộc về thương hiệu nước ngoài và chủ yếu ở dòng thiết bị cao cấp nhất của các hãng Samsung, Apple, Panasonic, LG…

 Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam

Doanh nghiệp Việt sản xuất nhiều sản phẩm công nghệ cao

.Thương hiệu Việt chiếm lĩnh đa số thị phần hàng điện tử gia dụng, nhưng đa số nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc. Điều này có là tín hiệu lạc quan không thưa bà?

+ Trước hết, việc thương hiệu Việt chiếm lĩnh đa số thị phần hàng điện tử gia dụng trong nước thể hiện sức mạnh của DN Việt Nam, thị trường chấp nhận hàng hóa do DN Việt sản xuất.

Bên cạnh đó, về mặt nguồn gốc xuất xứ của các linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, đây là điều không lạ. Hiện nay cả thế giới đều nhập linh kiện điện tử từ Trung Quốc chứ không riêng Việt Nam.

Phần lớn các linh kiện để sản xuất điện thoại iPhone đều đến từ Trung Quốc. Linh kiện nhập khẩu để lắp ráp điện thoại của Samsung cũng có tỉ trọng tới gần 80% linh kiện từ Trung Quốc. Điều này bình thường, là sự phân công sản xuất theo chuỗi.

Trung Quốc với quy mô dân số 1,4 tỉ người lại là quốc gia rộng lớn nhiều tài nguyên, có lợi thế so sánh cao trong sản xuất loạt linh kiện số lượng lớn đương nhiên cả thế giới đổ xô mua linh kiện của họ. Điều này cũng là bình thường.

DN Việt tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu gần 20 năm nay, không có chuyện không thể sản xuất nổi một con ốc vít. Song, DN Việt tập trung sản xuất những gì thuộc lợi thế cạnh tranh của mình nhất.

Nếu được đầu tư, hỗ trợ một cách thích đáng sức sống của DN Việt mạnh mẽ hơn hiện tại rất nhiều.

 Người tiêu dùng chọn mua các mặt hàng gia dụng. Ảnh: TÚ UYÊN

Người tiêu dùng chọn mua các mặt hàng gia dụng. Ảnh: TÚ UYÊN

Doanh nghiệp Việt sẵn sàng tâm thế đón làn sóng FDI

Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn về chính sách hỗ trợ cho DN hiện nay?

+ Nếu so sánh những hỗ trợ cho DN điện tử của Việt Nam với một số nước lân cận thì DN Việt thiệt thòi nhất, ít nhận được hỗ trợ thực tế từ Chính phủ.

Chẳng hạn, DN Trung Quốc chỉ cần bán sản phẩm hàng hóa, linh kiện đi nước ngoài là đã được Chính phủ của họ hỗ trợ về thuế, phí…Trong khi đối với DN Việt, các chính sách hỗ trợ hầu như chỉ đẹp trên giấy tờ mà DN ít hoặc rất khó tiếp cận được.

Chúng tôi cũng hy vọng, mỗi khi đánh giá một chính sách hỗ trợ cho DN có thực sự đi vào cuộc sống hay không, cần đánh giá về số lượng DN nhận được hỗ trợ và chất lượng của mỗi gói hỗ trợ đã thực sự giúp DN vượt khó hay chưa.

Chẳng hạn, DN Trung Quốc chỉ cần bán sản phẩm hàng hóa, linh kiện đi nước ngoài là đã được Chính phủ của họ hỗ trợ về thuế, phí… Trong khi đối với DN Việt, các chính sách hỗ trợ hầu như chỉ đẹp trên giấy tờ mà DN ít hoặc rất khó tiếp cận được.

.Trong bối cảnh thị trường khó khăn, DN khó tiếp nhận những hỗ trợ từ các chính sách có khiến DN nản lòng để phải bán DN của mình cho khỏe không thưa bà?

+ Nếu để quá nhiều DN rơi vào tình trạng chán nản thì trách nhiệm rất lớn ở cơ quan thực thi chính sách. Khi DN mất hết niềm tin, sức chiến đấu, phải bán DN thì đây thực sự là tín hiệu xấu cho nền kinh tế.

Do đó, cần hỗ trợ cho DN Việt Nam đủ năng lực để bắt kịp tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững.

.Hiện nay nhiều ngành hàng lo ngại trước làn sóng FDI đổ bộ vào Việt Nam qua hợp tác, liên kết sẽ bị thâu tóm. Vậy DN ngành ngành điện tử gia dụng có cùng lo ngại trên không thưa bà?

+ Bất cứ sự việc nào cũng có hai mặt có lợi và bất lợi. Không chỉ đối với DN ngành điện tử mà bất kỳ DN nào cũng lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên DN Việt cần chuẩn bị tâm thế, suy nghĩ tích cực và tận dụng mọi cơ hội đến với mình.

Làn sóng DN FDI đổ vào Việt Nam là tín hiệu tốt. Không ai muốn đầu tư vào mới đáng lo. Một khi không có DN FDI nào muốn vào Việt Nam thì chứng tỏ môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta kém.

Còn đương nhiên làn sóng đầu tư FDI vào sẽ có những thuận lợi đi kèm với bất lợi, nên DN Việt cần phải tận dụng những thuận lợi, ngăn những bất lợi, đề phòng rủi ro.

Do đó, DN các ngành chuẩn bị tâm và thế, sẵn sàng hợp tác với DN FDI để tạo những lợi ích cho chính mình hoặc ứng phó với những rủi ro có thể xảy ra.

Theo bà đâu là cơ hội cho DN Việt Nam tiếp tục phát triển bền vững?

+ Cũng tại buổi thăm Hiệp hội vừa qua, đoàn đại biểu cấp cao của thành phố Thâm Quyến ngạc nhiên khi thấy hàng hóa của DN Việt trên các sàn thương mại điện tử của Việt Nam nhiều.

Đây là điểm sáng, tín hiệu mừng mà Chính phủ, bộ ngành cần có chính sách thúc đẩy hỗ trợ xúc tiến thương mại cho DN Việt.

Xin cảm ơn bà!

Dự báo mức thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam 6.848 USD/hộ

Năm 2023 do ảnh hưởng dịch COVID-19, mức thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam là 4.887 USD/hộ, thấp hơn dự báo là 5.015 USD/hộ.

Năm 2024 dự báo mức thu nhập khả dụng của hộ gia đình Việt Nam 6.848 USD/hộ.

Tầng lớp trung lưu sẽ là động lực tăng trưởng về chi tiêu các sản phẩm cao cấp trong tương lai. Xu hướng gia tăng hộ gia đình có thu nhập khả dụng trên 5.000 USD/hộ/năm.

TÚ UYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/khong-co-chuyen-cong-ty-viet-khong-the-lam-noi-con-oc-vit-post792877.html