'Không có công thức chung nào để chuyển nhiệm vụ này lên tỉnh, nhiệm vụ kia về xã'

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng tại Hội nghị lấy ý kiến về các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp trong lĩnh vực tài chính, được tổ chức ngày 26/5.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị chiều ngày 26/5.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì hội nghị chiều ngày 26/5.

Tại hội nghị, đại diện một số địa phương đã nêu ra một số vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Cụ thể, TP Hải Phòng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, có hướng thống nhất quan điểm khi bỏ cấp huyện thì những nhiệm vụ nào ở cấp huyện chuyển về cấp xã, nguyên tắc chung là nhiệm vụ nào cấp huyện đang thực hiện thì chuyển về cấp xã, nhiệm vụ nào xã không thực hiện được mới chuyển về cấp tỉnh. Đối với vấn đề thoái vốn, địa phương kiến nghị giao thẩm quyền cho địa phương thực hiện việc sắp xếp, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho rằng, không có công thức chung nào về việc chuyển nhiệm vụ này lên tỉnh, nhiệm vụ kia về xã. Hơn nữa, cách thức thực hiện tại mỗi địa phương lại khác nhau. Tuy nhiên, có thể bám vào nguyên tắc “phân cấp triệt để xuống địa phương”, “địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm”; Hoặc theo tiêu chí nơi nào thực hiện dễ và hiệu quả hơn thì nơi đó sẽ thực hiện, “tỉnh làm tốt hơn thì để ở tỉnh, xã làm tốt hơn thì chuyển về xã”.

Theo báo cáo tại Hội nghị, Bộ Tài chính đã tập trung rà soát 24 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ và xác định có 563 nội dung, nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền, sắp xếp chính quyền địa phương 2 cấp thuộc 233 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 32 luật; 2 pháp lệnh; 14 nghị quyết của Quốc hội; 84 nghị định; 6 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 95 thông tư của Bộ trưởng. Trong đó có 505 nội dung nhiệm vụ, thẩm quyền đề xuất phân cấp, phân quyền và chính quyền 2 cấp.

Tại Hội nghị, Bộ Tài chính gửi các bộ, cơ quan ở trung ương và các địa phương về 5 Nghị định (ngoài ra còn 01 Nghị định soạn thảo theo quy trình mật) và 07 Thông tư để thực hiện phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền theo mô hình chính quyền địa phương 02 cấp.

Tương tự với câu chuyện thoái vốn DNNN, quan điểm của Bộ Tài chính là thoái vốn hay không thoái vốn phải phụ thuộc tình hình thực tiễn. Bộ Tài chính sẽ nghiên cứu để tham mưu theo hướng có lĩnh vực, doanh nghiệp phải tiếp tục thoái vốn nhưng cũng có lĩnh vực, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả, tỉ suất sinh lời cao thì nhà nước nghiên cứu, thậm chí điều chỉnh tăng vốn tại các doanh nghiệp này.

Một vấn đề nhiều địa phương quan tâm tại Hội nghị là phương án xử lý, quản lý tài sản công sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp để đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí. Trong đó, đại diện UBND TP Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành địa phương tham mưu ban hành sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các Nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sắp xếp, điều chỉnh mô hình kho bạc nhà nước đồng bộ với địa phương sau sáp nhập để tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình quản lý tài chính, ngân sách giữa các cơ quan tài chính, thuế, hải quan, kho bạc và chính quyền địa phương.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 địa phương.

Hội nghị được tổ chức trực tuyến với 63 địa phương.

Đại diện UBND tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, tới đây, nhu cầu điều chuyển tài sản dôi dư từ các địa phương sau sắp xếp, sáp nhập sẽ rất lớn. Đề nghị Bộ Tài chính quan tâm vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đồng tình cho rằng, vấn đề chuyển giao quản lý tài sản công khi sáp nhập bỏ cấp trung gian, việc sử dụng tài sản công thế nào cho hiệu quả là vấn đề hết sức quan trọng.

Theo đó, về sắp xếp tài sản dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập, Bộ Tài chính đã tham mưu báo cáo Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị, ưu tiên sắp xếp cho một số ngành lĩnh vực (y tế, giáo dục, xây dựng, công trình công cộng như cây xanh,…), phần còn lại sau sắp xếp, cho phép các địa phương thực hiện kêu gọi đầu tư, triển khai dự án phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển KTXH của địa phương.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu và có hướng dẫn nếu phát sinh vướng mắc từ các địa phương… Cũng theo Bộ trưởng, tới đây, khi thực thực hiện sáp nhập tỉnh thì hệ thống kho bạc, thuế, hải quan sẽ đều có sự điều chỉnh phù hợp với địa giới hành chính của các địa phương.

Hoàng Tú

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/khong-co-cong-thuc-chung-nao-de-chuyen-nhiem-vu-nay-len-tinh-nhiem-vu-kia-ve-xa-post549814.html