Không để học sinh bỏ học sau Tết
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và nhà trường trong công tác vận động, năm nay, tất cả học sinh ở A Lưới đều trở lại trường sau kỳ nghỉ Tết.
![Nhờ làm tốt công tác ngăn chặn, vận động, tỷ lệ học sinh trở lại trường sau Tết ở A Lưới được đảm bảo](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_459_51480772/78742e721c3cf562ac2d.jpg)
Nhờ làm tốt công tác ngăn chặn, vận động, tỷ lệ học sinh trở lại trường sau Tết ở A Lưới được đảm bảo
Vừa vận động, vừa thu hút
Sáng thứ Sáu (14/2), sân trường Trường THCS Quang Trung (xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) rộn vang tiếng cười vào giờ ra chơi. Hơn 300 học sinh ùa ra sân tham gia các trò chơi dân gian, như kéo co, đổ nước vào chai, nhảy bao bố, đua xe đạp chậm… Người chơi, người cổ vũ, tiếng reo hò náo nhiệt khắp sân trường.
A Viết Thị San San, học sinh Trường THCS Quang Trung hào hứng kể: “Ăn Tết xong, em trở lại trường và rất phấn khởi khi được học tập trong môi trường sôi nổi. Đến trường, được học, gặp bạn bè, thầy cô và tham gia các hoạt động ngoại khóa của nhà trường, ngày nào em cũng thấy vui”.
Những hoạt động trên thuộc chương trình “Giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo” do Chi đoàn Trường THCS Quang Trung tổ chức sau Tết nhằm tạo bầu không khí vui tươi và niềm hứng khởi cho học sinh đến trường. Ngoài các trò chơi dân gian, các em học sinh còn được tham gia giải cờ vua, cờ tướng cấp trường, góc sáng tạo nghệ thuật…
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung cho hay, giờ ra chơi trải nghiệm sáng tạo không chỉ mang lại niềm vui mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc. Qua đó, nhà trường muốn khơi dậy tinh thần học tập hứng khởi, giúp học sinh trở lại lớp với tâm thế vui vẻ, sẵn sàng tiếp nhận kiến thức mới sau những ngày nghỉ Tết.
Đến mồng 10 Tết, học sinh Trường THCS Quang Trung đã trở lại trường đầy đủ sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán. Đây là thành quả sau nhiều nỗ lực của nhà trường và chính quyền địa phương xã Quảng Nhâm trong việc vận động học sinh trở lại trường. Cô Hà kể, sau mỗi kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tình trạng học sinh bị lôi kéo, dụ dỗ vào các tỉnh phía nam để lao động vẫn luôn là nỗi lo của nhà trường. Những lời rủ rê đầy hứa hẹn về công việc nhẹ nhàng, thu nhập cao có thể dễ dàng cuốn các em xa rời mái trường. Nhưng, với sự quyết liệt của Ban Giám hiệu và toàn thể giáo viên, nhà trường đã làm tất cả để giữ trọn con chữ cho học trò của mình.
Trường THCS Quang Trung có 20 học sinh ở cách trường 25km. Để theo đuổi con chữ, mỗi ngày, các em phải đi qua cung đường xa xôi, vất vả, nhất là những ngày mưa gió. Không ít em nản chí. Sau Tết, khoảng 10 học sinh có nguy cơ bỏ học. Từ những ngày đầu xuân, khi học sinh chưa kịp trở lại lớp, các thầy cô giáo đã kiên trì đến từng nhà, vượt qua những con đường đất trơn trượt, qua những bản làng xa xôi như A Bả, Pi Ây 2… để vận động, thuyết phục phụ huynh và học sinh. Họ không chỉ nói về giá trị của việc học mà còn lắng nghe những khó khăn của từng gia đình, tìm cách hỗ trợ để các em có thể tiếp tục đến trường. Em nào thiếu phương tiện, sáng sớm, giáo viên đến nhà chở các em đi học.
Ngăn chặn học sinh bị lôi kéo nghỉ học
Nắm tình hình sau tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, trên địa bàn huyện A Lưới có một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang tuyển dụng lao động, trong đó có đối tượng là học sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên. Ngày 7/2, UBND huyện A Lưới có văn bản chỉ đạo về việc tăng cường quản lý học sinh, trẻ em, trẻ vị thành niên đi lao động trái pháp luật. UBND huyện đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học trên địa bàn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh chấp hành các quy định, không để tình trạng học sinh bỏ học đi lao động trái pháp luật. Các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, không để tình trạng các doanh nghiệp đến tuyển dụng lao động là học sinh, trẻ em, trẻ chưa thành niên trái pháp luật... Nhờ vậy, trên địa bàn huyện không có tình trạng học sinh bỏ học đi làm ăn xa.
Ông Hồ Văn Khởi, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện A Lưới cho hay, đặc thù vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, điều kiện đến trường thiếu thốn, vất vả là một trở lực. Nếu không đi vận động, nhiều học sinh sẽ bỏ học. Những ngày đầu sau Tết, tỷ lệ học sinh mầm non và tiểu học đến lớp đạt 100% nhưng với học sinh THCS thì chưa. Nhờ làm tốt công tác ngăn ngừa, vận động, đến nay, tỷ lệ học sinh toàn huyện ra lớp được đảm bảo, nền nếp được duy trì.
Tại Trường TH&THCS Hồng Thủy, một địa phương cách xa trung tâm huyện A Lưới, tỷ lệ học sinh trở lại trường sau Tết đảm bảo 100%. Thầy giáo Hồ Xuân Tài, Hiệu trưởng cho hay, toàn trường có hơn 400 học sinh, trong đó có 150 học sinh THCS. Sau Tết, nhà trường rất lo xảy ra tình trạng thanh niên về quê ăn Tết rồi rủ rê học sinh đi làm ăn xa. Vì vậy, nhà trường cùng với chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt, không để học sinh bỏ học sau Tết. Sau những ngày đầu thưa thớt, đến thời điểm này, học sinh đã đi học đông đủ.
Để hỗ trợ học sinh đến trường, nhiều trường học đã kết nối với các mạnh thường quân tổ chức chương trình tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh. “Với những học sinh ở quá xa, Trường THCS Quang Trung kết nối với các mạnh thường quân, thầy cô quyên góp tiền để lo bữa trưa cho học sinh những hôm phải học cả ngày, có hôm thì mì tôm trứng, có khi mì tôm xúc xích hay mì tôm thịt bò… Sự quan tâm của nhà trường và các thầy, cô giáo là động lực để các em tiếp tục con đường học tập”, cô Hà nói.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/giao-duc/khong-de-hoc-sinh-bo-hoc-sau-tet-150829.html