Không dễ mở 'cánh cửa' thị trường các bon

Không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế, việc mua bán tín chỉ các bon chưa sử dụng còn là việc triển khai các cam kết, thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới nền kinh tế xanh. Việt Nam đang gấp rút chuẩn bị để đưa thị trường tín chỉ các bon vào vận hành.

Tuy nhiên, doanh nghiệp không dễ để có thể tham gia vào thị trường này. Đâu là chìa khóa để mở cánh cửa thị trường các bon cho các doanh nghiệp Việt Nam?

Để giảm phát thải, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng đã sử dụng nhiên liệu thay thế, triển khai công nghệ thu giữ và chôn lấp CO2. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long tại tỉnh Quảng Ninh.

Để giảm phát thải, các doanh nghiệp trong ngành sản xuất xi măng đã sử dụng nhiên liệu thay thế, triển khai công nghệ thu giữ và chôn lấp CO2. Trong ảnh: Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long tại tỉnh Quảng Ninh.

Chính thức vận hành từ năm 2029

Theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, tín chỉ các bon là chứng nhận để giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải lượng khí CO2. Mỗi tấn CO2 đạt tiêu chuẩn của thị trường được coi là một tín chỉ các bon và được giao dịch trên thị trường. Các doanh nghiệp được phân bổ một lượng các bon cụ thể mà họ có thể thải ra hằng năm, nếu vượt quá giới hạn này, họ cần mua tín chỉ các bon hoặc đền bù các bon. Nếu không vượt quá giới hạn, doanh nghiệp có thể bán tín chỉ các bon chưa sử dụng. Do đó, thị trường các bon ra đời là nơi diễn ra các hoạt động giao dịch mua bán tín chỉ các bon giữa các doanh nghiệp, tổ chức, quốc gia, giúp thúc đẩy việc giảm phát thải khí nhà kính và hướng tới nền kinh tế trung hòa các bon.

Chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Hoàng Văn Tâm cho biết, phát triển thị trường các bon là giải pháp quan trọng, đóng góp vào tiến trình giảm phát thải khí nhà kính quốc gia mà Việt Nam đã cam kết. Trước đó, Việt Nam đã cụ thể hóa các cam kết quốc tế trong đó có giảm phát thải khí nhà kính. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 2-5-2024 về tăng cường quản lý tín chỉ các bon nhằm thực hiện các cam kết nêu trên. Tháng 6-2024, Bộ Công Thương đã ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị này, nhằm nâng cao nhận thức, vai trò của các tổ chức và doanh nghiệp đối với hoạt động mua, bán, trao đổi tín chỉ các bon, nhằm giảm phát thải khí nhà kính của Việt Nam.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ các bon ASEAN Nguyễn Võ Trường An thông tin, thị trường tín chỉ các bon ở Việt Nam đã được khởi động từ năm 2018 với các dự án tập trung chủ yếu về năng lượng tái tạo, thủy điện. Từ khi Việt Nam chuyển nhượng thành công hơn 10 triệu tín chỉ các bon vào năm 2023, vấn đề này mới thực sự được cộng đồng và doanh nghiệp tập trung tìm hiểu.

Thực tế, Chính phủ đang gấp rút chuẩn bị để đưa thị trường tín chỉ các bon vào vận hành. Từ nay đến năm 2028, các bộ, ngành, địa phương sẽ chuẩn bị cơ sở pháp lý, điều kiện kỹ thuật và triển khai thí điểm, năm 2029 thị trường tín chỉ các bon sẽ vận hành chính thức.

Hoàn thiện quy định đo lường phát thải

Là một trong những ngành có lượng phát thải khí nhà kính lớn, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Lương Đức Long khẳng định, 60 nhà máy sản xuất xi măng trên cả nước đều nhận thức rõ phải thực hiện hạn mức phát thải ở từng nhà máy từ năm 2026.

Tương tự, ngành thép, dệt may, da giầy… cũng nắm rõ và tích cực chuẩn bị tham gia thị trường các bon. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp sẽ đối mặt với thách thức không nhỏ khi tham gia thị trường này. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sàn giao dịch tín chỉ các bon ASEAN Nguyễn Võ Trường An chỉ ra 4 thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam, gồm: Nguồn nhân lực, phương pháp thực hiện, tài chính và thiết bị công nghệ. Không chỉ thiếu nhân lực cho lĩnh vực này, công nghệ chuyển đổi xanh và giảm phát thải cần đầu tư lớn hơn các công nghệ truyền thống rất nhiều, khiến doanh nghiệp gặp khó về tài chính. Đáng lưu ý, hầu hết doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ thị trường này vận hành như thế nào, đo đếm phát thải cụ thể theo ngành ra sao.

Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam Lương Đức Long cho hay, để giảm phát thải, các doanh nghiệp trong ngành đã sử dụng nhiên liệu thay thế, cải thiện hiệu suất năng lượng, triển khai công nghệ thu giữ và chôn lấp CO2. Tuy nhiên, việc tính toán lượng phát thải trên mỗi tấn xi măng mới chỉ mang tính kỹ thuật, mà chưa được luật hóa. Do đó, doanh nghiệp kiến nghị, cần đưa ra các công cụ, tiêu chuẩn tính toán, đo lường lượng phát thải khí nhà kính cụ thể.
Về vấn đề này, chuyên viên Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) Hoàng Văn Tâm cho rằng: "Việt Nam đang ở giai đoạn tiếp cận để xây dựng thị trường tín chỉ các bon nên còn nhiều việc phải làm. Chúng ta đã có khung khổ pháp lý cao nhất, còn những quy định cụ thể trong quá trình vận hành thị trường này mới đang được triển khai".

Để phát triển thị trường các bon tại Việt Nam, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đang triển khai nhiều giải pháp như: Nâng cao năng lực cho doanh nghiệp để đáp ứng quá trình tham gia thị trường các bon; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và vận hành thị trường các bon, tham khảo kinh nghiệm của các nước để ứng dụng cho Việt Nam theo cách phù hợp.

Đặc biệt, để đưa thị trường các bon vào hoạt động, Chính phủ, doanh nghiệp và các tổ chức tư vấn, hỗ trợ cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa. Trong bối cảnh hiện nay, việc hợp tác quốc tế cũng được coi là chìa khóa để mở cánh cửa vào thị trường các bon, hướng tới nền kinh tế xanh.

Lam Giang

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-de-mo-canh-cua-thi-truong-cac-bon-678937.html