Không dễ thương mại hóa tín chỉ carbon

Việt Nam có nhiều tiềm năng về tín chỉ carbon rừng, nhưng quá trình thương mại hóa không dễ.

Ước tính, bình quân mỗi năm, rừng Việt Nam tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư

Ước tính, bình quân mỗi năm, rừng Việt Nam tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư

Tiềm năng nguồn thu hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong những quốc gia giàu tiềm năng về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ khoảng 42%. Ước tính, bình quân mỗi năm, rừng Việt Nam tạo ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon rừng dôi dư, mang lại nguồn thu lên đến hàng nghìn tỷ đồng nếu xuất khẩu thành công.

Mới đây, ngành lâm nghiệp lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (10,3 triệu tấn CO2), với đơn giá 5 USD/tấn, thu về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỷ đồng). Việc bán tín chỉ carbon nằm trong thỏa thuận chi trả phát thải nhà kính (ERPA) vùng Bắc Trung Bộ được ký ngày 22/10/2020 giữa Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc WB và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Nguyễn Quốc Trị, bên cạnh số tín chỉ đã bán, WB đã xác nhận kết quả giảm phát thải toàn vùng Bắc Trung Bộ kỳ 1 (1/1/2018 - 31/12/2019) đạt 16,21 triệu tấn CO2 (tương đương 16,21 triệu tín chỉ). Trong đó, lượng chuyển nhượng theo ERPA đã ký là 10,3 triệu tấn CO2. Ngoài ra, WB muốn mua bổ sung 1 triệu tấn CO2.

Còn 4,91 triệu tấn CO2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xin Chính phủ chấp thuận cho xây dựng phương án trao đổi, chuyển nhượng, thương mại để tạo nguồn lực bổ sung cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tại vùng Bắc Trung Bộ.

Theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ, trong số tiền hơn 1.200 tỷ đồng mà Việt Nam nhận được sau khi hoàn thành việc thực hiện các nghĩa vụ, 3,5% được trích lại cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, 96,5% được chi cho các hoạt động của các cơ quan nhà nước, chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc 6 tỉnh.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam đã tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 từ WB là 41,2 triệu USD và giải ngân toàn bộ để các tỉnh khẩn trương lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc 6 tỉnh Bắc Trung Bộ. Số tiền còn lại 10,3 triệu USD, tương đương 249 tỷ đồng sẽ thanh toán sau khi hoàn thành việc chuyển giao 10,3 triệu tấn CO2.

Trong 6 tỉnh tham gia chương trình, với đợt thanh toán đầu tiên, Nghệ An được giải ngân hơn 282 tỷ đồng, Quảng Bình hơn 235 tỷ đồng, Thanh Hóa 162 tỷ đồng, Hà Tĩnh 122 tỷ đồng, Thừa Thiên - Huế 107 tỷ đồng, Quảng Trị hơn 51 tỷ đồng.

Tiềm năng là vậy, nhưng do đây là thị trường mới nên quá trình triển khai để có tín chỉ carbon bán không dễ.

Cần có cơ chế, chính sách cụ thể về tín chỉ carbon

Thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hơn 1 năm trước, Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) đã lập đề án, thuê chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước triển khai thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải, với mục tiêu chậm nhất đến năm 2026 có sản phẩm bán ra.

Theo lãnh đạo Vinafor, thực tế triển khai đề án có nhiều điểm vướng. Trước hết, diện tích rừng mà Tổng công ty quản lý hiện khoảng 40.000 ha, quy mô khá nhỏ so với yêu cầu triển khai là từ 100.000 ha trở lên. Vinafor đã lên phương án hợp tác với các tỉnh, địa phương có rừng, muốn làm để có nguồn thu, nhưng cơ chế triển khai đang vướng. Cụ thể, rừng là tài sản công, nếu doanh nghiệp đầu tư kinh phí, nguồn lực để tư vấn, đo đạc, kiểm đếm tín chỉ, khi bán sẽ thực hiện theo cơ chế nào, ai bán?

Một số địa phương đề xuất hình thức PPP (hợp tác công - tư), nhưng hình thức đầu tư này mới đang được áp dụng trong lĩnh vực giao thông, chứ chưa có hướng dẫn ở lĩnh vực khác.

Thực tế cũng cho thấy, Việt Nam đang chậm triển khai trong việc khai thác nguồn lực xanh từ bán tín chỉ carbon rừng.

Số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều địa phương có độ che phủ rừng cao, từ 57 - 60% và mỗi năm có thể tạo ra gần 1 triệu tín chỉ carbon. Tuy nhiên, các địa phương gặp khó khăn về thủ tục và phải chờ cơ chế để thực hiện.

Đơn cử, để tham gia thị trường carbon thế giới, từ năm 2018, tỉnh Quảng Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế xây dựng đề án phát triển rừng bền vững. Tháng 5/2021, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương để Quảng Nam lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Với hơn nửa triệu ha rừng nguyên sinh, tạo ra hơn 1 triệu tín chỉ carbon, mỗi năm Quảng Nam có thể thu về hơn 130 tỷ đồng. Vậy nhưng, hồ sơ của tỉnh được xây dựng từ năm 2018 không đáp ứng được tiêu chuẩn mới để trình Tổ chức Verra xác minh, phát hành tín chỉ.

Quảng Nam cần tổ chức đấu thầu, tìm đơn vị tư vấn mới để xây dựng hồ sơ tín chỉ carbon rừng, nhưng lĩnh vực kinh doanh tín chỉ carbon rừng không thuộc đối tượng áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu và các quy định của pháp luật về lâm nghiệp hiện hành. Việc tìm kiếm tài trợ từ các quỹ toàn cầu cũng không thể thực hiện do hồ sơ của tỉnh Quảng Nam không thể hoàn thiện với các yêu cầu mà quỹ đề ra.

Từ một tỉnh sớm xây dựng hồ sơ thí điểm bán tín chỉ carbon, đến nay Quảng Nam vẫn loay hoay trong lĩnh vực này. Điều này cũng đồng nghĩa, mỗi năm tỉnh không có thêm khoản thu ước tính hơn 100 tỷ đồng để chi cho giảm nghèo, phát triển lâm nghiệp, bảo tồn đa dạng sinh học.

Nếu không có chính sách từ các cơ quan quản lý, thì không chỉ vướng trong việc đo đạc, tư vấn, mà có tín chỉ carbon rồi cũng khó bán để đảm bảo sự công bằng, minh bạch. Ngay như việc ngành lâm nghiệp lần đầu tiên bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, có những ý kiến cho rằng, tại sao giá mỗi tín chỉ carbon chỉ đạt 5 USD, trong khi các thị trường khác bán tới 10 USD/tín chỉ tương đương cùng loại.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa, người đang tham gia đầu tư một dự án carbon tại Hà Tĩnh cho biết, tín chỉ carbon ngày càng khan hiếm vì các quốc gia có rừng rất hiếm, hoặc có nhưng khả năng hấp thụ carbon thấp. Việt Nam có nhiều tiềm năng vì ba phần tư diện tích là rừng, do xảy ra tình trạng chặt phá rừng để trồng cây công nghiệp nên tỷ lệ rừng nguyên sinh hiện còn ít, đa số là rừng trồng. Chặt rừng làm cây công nghiệp chỉ có thể mang lại doanh thu 75 triệu đồng/ha, nhưng nếu làm rừng để hấp thụ carbon với mức trung bình 150 tấn/ha thì thu nhập gấp đôi, mỗi năm khoảng 6.000 USD (40 USD/tấn).

Ông Nghĩa cho biết thêm, đơn vị của ông đã lựa chọn 500 ha rừng ở Hà Tĩnh và đầu tư kinh phí đo đạc, kiểm đếm, chi phí lên tới cả trăm triệu đồng mỗi héc-ta, nếu không có sự tham gia của các bên liên quan, nhất là về cơ chế, chính sách thì sẽ rất khó để tận dụng nguồn tín chỉ carbon ở Việt Nam.

“Cơ chế ra sao để đảm bảo hài hòa lợi ích, doanh thu cho nhà đầu tư, phân chia lợi ích cho các bên liên quan như thế nào. Đây là thách thức cần các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư tham gia để có được cơ chế, chính sách rõ ràng”, ông Nghĩa nói.

Ngày 22/8/2024, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.

Theo bản dự thảo mới nhất, thị trường carbon sẽ tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Giai đoạn 2025 - 2028, thị trường carbon sẽ được triển khai thí điểm trên toàn quốc, chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài, chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

Giai đoạn từ năm 2029 trở đi, thị trường carbon sẽ được vận hành chính thức trên toàn quốc; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thị trường carbon thế giới.

Việc giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo phương thức tập trung trên nền tảng giao dịch trực tuyến.

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Tổng công ty Lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam xây dựng và cung ứng dịch vụ sàn giao dịch tín chỉ carbon trong nước theo yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng.

Phương Anh

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/khong-de-thuong-mai-hoa-tin-chi-carbon-post352898.html