Không dung túng trong xử lý vụ bớt xén tiền thưởng của vận động viên

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận việc vận động viên tố huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn là điều nhức nhối, dù đây chỉ là những vụ việc cá biệt.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Media.quochoi.vn

Chiều 5-6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) nêu, thời gian qua, dư luận xôn xao trước hàng loạt các vụ việc vận động viên thành tích cao tố cáo huấn luyện viên bớt xén tiền thưởng, khẩu phần ăn. “Những vụ việc trên đã làm xấu đi hình ảnh thể thao Việt Nam trong mắt công chúng...”, đại biểu nêu và đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để quản lý và bảo đảm không tái diễn tình trạng trên.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là điều nhức nhối của ngành, dù chỉ là những vụ việc có tính chất cá biệt. Khi phát hiện ra, Bộ đã kiên quyết xử lý, không bao che, dung túng, coi đây là lời cảnh tỉnh cho công tác huấn luyện.

Bộ đã xử lý kỷ luật bằng phương pháp hành chính và cung cấp thông tin cho các cơ quan chức năng khác để xem xét, điều tra khi có dấu hiệu tội phạm, đủ điều kiện thì sẽ xem xét để xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ trưởng cũng thừa nhận đã chậm nắm vấn đề.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong phiên trả lời chất vấn chiều 5-6. Ảnh: Media.quochoi.vn

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong phiên trả lời chất vấn chiều 5-6. Ảnh: Media.quochoi.vn

Giải pháp Bộ trưởng nêu ra là rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh các quy định đã ban hành trong quản lý đội tuyển; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm; công khai minh bạch về các chế độ tiền thưởng và nghiêm cấm việc lập quỹ.

Cũng tại phiên chất vấn, công tác tuyển chọn, đào tạo và chế độ chính sách đối với vận động viên thể thao, nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật; giải quyết việc làm cho vận động viên, nghệ sĩ sau thời kỳ thi đấu, biểu diễn đỉnh cao được nhiều đại biểu quan tâm.

Trả lời chất vấn đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình) về giải pháp lâu dài để đảm bảo tương lai cho vận động viên sau khi giải nghệ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu, Chính phủ đã ban hành thành 8 chính sách để giúp đỡ, hỗ trợ cho các vận động viên, trong đó có vận động viên thể thao thành tích cao. Các chính sách về đào tạo, ưu tiên giải quyết việc làm, tiền thưởng trong thi đấu được áp dụng trên toàn quốc, góp phần động viên, khích lệ đội ngũ vận động viên thể thao thành tích cao đạt được những kết quả đáng phấn khởi.

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Media.quoihoi.vn

Đại biểu Trần Quang Minh (Đoàn Quảng Bình). Ảnh: Media.quoihoi.vn

Tuy nhiên, như đại biểu chia sẻ, để giải quyết được việc làm cho vận động viên thể thao sau khi thi đấu đỉnh cao còn nhiều khó khăn. Về lâu dài, không phải tất cả các vận động viên đều được trở về làm huấn luyện trong các đơn vị sự nghiệp công lập do nhà nước quản lý. Vì vậy, Bộ đang đề xuất với Chính phủ đánh giá tổng thể về tác động hệ thống chính sách vừa qua, trên cơ sở đó ban hành những chính sách sửa đổi theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho vận động viên, trong đó có chính sách về tiền lương, phụ cấp đặc thù, nhà ở và đào tạo nghề.

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) phát biểu tranh luận. Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) phát biểu tranh luận. Ảnh: Media.quochoi.vn

Tranh luận về vấn đề giải quyết việc làm, thu nhập cho vận động viên, trong đó có vận động viên thành tích cao, đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai) cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng là “sẽ nghiên cứu, rà soát, sẽ ban hành…” cũng giống như người có thẩm quyền của các nhiệm kỳ trước. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết rõ hơn sẽ là bao giờ; đồng thời trao đổi thêm về nội dung kinh tế thể thao và giải quyết các khó khăn, vướng mắc tại Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình.

Trao đổi với đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu không thể quá khiên cưỡng khi cứ vận động viên thể thao sau khi giải nghệ là phải vào Nhà nước. Có nhiều người vẫn tiếp tục sống được bằng thể thao, thông qua hình ảnh của mình để mở các câu lạc bộ. Để thúc đẩy phát triển kinh tế thể thao, theo Bộ trưởng, các cơ chế, chính sách cần nghiên cứu, sửa đổi để tạo môi trường thuận lợi.

Về Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình, sau khi thực hiện kết luận Thanh tra của Chính phủ, Bộ đã nỗ lực để tập trung rà soát quy hoạch, xử lý các vấn đề liên quan đến đất đai. Những nội dung tồn đọng được tiếp cận theo hướng Nhà nước đầu tư nhưng phải khai thác, sử dụng theo các đề án cụ thể trình Thủ tướng phê duyệt, qua đó giải quyết được căn cơ về nợ thuế đất, khai thác, sử dụng theo hướng đầu tư công - quản trị tư, chống lãng phí.

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Media.quochoi.vn

Đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang). Ảnh: Media.quochoi.vn

Cùng trả lời chất vấn đại biểu Trần Văn Tuấn (Đoàn Bắc Giang) về cơ chế, chính sách đặc thù ưu đãi vận động viên tài năng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, sau khi có Quyết định số 223/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án "Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035", Bộ đã tập trung phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ được giao.

Theo đó nhóm việc đầu tiên là đề xuất ban hành chính sách liên quan đến lĩnh vực này, trong đó có vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao. Những đối tượng này được thụ hưởng các chính sách mà Đảng và Nhà nước đã ban hành trong thời gian qua, như vấn đề tiền lương, bảo hiểm, chế độ thưởng bằng hiện vật, chế độ dinh dưỡng đặc thù…

Bộ trưởng cho biết, tới đây Bộ sẽ tham mưu, đề xuất với Chính phủ tập trung nghiên cứu về khoa học thể thao, bồi dưỡng nhân tài. Cần có cách làm mới hơn, khoa học hơn trong phát hiện năng khiếu, ứng dụng gen để đào tạo; tìm chọn huấn luyện viên ở các cấp tuổi khác nhau.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/khong-dung-tung-trong-xu-ly-vu-bot-xen-tien-thuong-cua-van-dong-vien-668466.html