Không gian sách cũ

Khu phố trung tâm thương mại lớn nhất ở TP Thanh Hóa san sát những quán hàng, cửa hiệu lúc nào cũng đông đúc. Ở đây thường xuyên có các sự kiện quảng bá được tổ chức, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Tôi vốn dị ứng với những hoạt động đông người như thế nên dù đi qua khu vực ấy mỗi ngày, nhưng chẳng mấy khi chú ý. Cho đến lần chờ một cuộc hẹn, tôi thả bộ trên vỉa hè trước Trung tâm Thương mại Vincom và bị hút vào một hội sách cũ.

Sách cũ cũng như nhiều thứ cũ, thường ít được người ta quan tâm đến trong thời đại số văn hóa nghe nhìn, sách điện tử được trang bị đến tận giường. Những bộ công cụ tìm kiếm giàu tiện ích cho phép người ta tiếp cận nhanh với bất cứ thông tin gì và cũng có thể đọc cuốn sách mình mong muốn với mức phí rất rẻ. Vậy thì tội gì mà mất công đi chọn sách, nhất là những cuốn sách cũ ở những hội sách mà lâu lâu mới có dịp. Tôi dường như cũng “đồng lõa” với suy nghĩ đó, giống như nhiều người.

Tôi dừng lại quan sát, hình ảnh gây chú ý đầu tiên là những bạn trẻ. Ở nơi toàn là sách cũ, nghĩa là những tác phẩm ấy đã thuộc về quá khứ, ví dụ như những cuốn sách về văn học lãng mạn, đề tài chiến tranh cách mạng, cũng có thể sót lại những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của văn học phương Tây ở những thế kỷ trước... Tôi luôn cho rằng, người quan tâm đến những cuốn sách ấy chí ít cũng phải ở thế hệ tôi hoặc sớm hơn. Người trẻ có rất nhiều sách trẻ, khi mà một đội ngũ nhà văn trẻ với những tác phẩm trẻ trung đã xuất hiện rất nhiều trong khoảng hơn chục năm trở lại đây. Vậy mà không ít bạn trẻ lại vào hội sách cũ. Phải chăng vì sự tò mò hơn là nhu cầu thật sự? Tôi nghĩ thế và thử bước vào. Những bàn sách có nhiều người lục tìm. Có bạn trẻ dường như không kìm nén được sự tò mò nên ngồi bệt cạnh lối đi để đọc những cuốn sách cũ ngay tại hội sách.

Có những điều rất đáng mừng đang trở lại trong nhịp sống ồn ào, thực dụng và cả những suy nghĩ cực đoan, áp đặt cho văn hóa đọc thời gian gần đây. Rời hội sách cũ, tôi nhớ có lần đã đọc một bài báo viết về những thư viện và phòng đọc sách cũ trong tỉnh. Những người yêu sách cũ đã lập ra những không gian đọc sách và họ nhận được sự hưởng ứng tích cực của người yêu sách cũ.

Nhiều người còn giữ thói quen đọc và sưu tầm sách, báo cũ có thể xem là một nét đẹp văn hóa rất riêng giữa “nhịp sống số”. Trải qua thăng trầm, những cuốn sách cũ có thể không còn lành lặn, song đây là thứ tài sản quý, gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Những người tìm đến sách cũ cũng là những người đem theo sứ mệnh hồi sinh, để sách cũ không còn là đồ cũ, thứ bỏ đi như người ta nghĩ.

Những hội sách cũ, không gian bán sách cũ có thể không hào nhoáng, nhưng lại đang dần trở thành điểm đến của nhiều người. Trên địa bàn Thanh Hóa đã có số ít người đứng ra tổ chức những phòng đọc sách cũ, đơn vị tổ chức hội sách cũ không đặt nặng giá trị thương mại. Những việc làm giản dị, nhưng giá trị của nó thì không tầm thường. Sách cũ vẫn có giá trị nhất định, vậy thì hãy để nó thức giấc giúp ích cho đời bằng việc có thêm nhiều không gian giao tiếp giữa độc giả và sách cũ.

Hạnh Nhiên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/khong-gian-sach-cu-235882.htm