Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Nguồn lực quý giá cho hành trình du lịch di sản
Hành trình du lịch di sản không chỉ giúp cộng đồng nâng cao nhận thức, khơi dậy niềm tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.
Phát huy được giá trị nội tại, biến di sản thành tiềm lực văn hóa
Chiều 23/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức chương trình trưng bày và trình diễn "Di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" trong hành trình du lịch di sản tại Tp.Buôn Ma Thuột. Đây là chương trình nằm trong Dự án mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng.
Ông Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, cho biết, cồng chiêng và không gian văn hóa cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê ở Đắk Lắk nói riêng.
Nhận thức được giá trị của di sản đối với đời sống văn hóa của cộng đồng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình toàn đô thị hóa và hiện đại hóa đang làm biến đổi các truyền thống, tập tục, nghi lễ, làm phai nhạt dần bản sắc tộc. Mặt khác, các thiết bị thông minh với đa dạng nguồn giải trí đã khiến cho sự quan tâm của cộng đồng đối với văn hóa truyền thống ngày một suy giảm.
Trước tình hình trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp Cục Di sản Văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tổ chức triển khai xây dựng mô hình di sản kết nối gắn với các hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng ở các buôn trong xã Ea Tu (Tp.Buôn Ma Thuột).
Đây là cơ hội hỗ trợ cho đồng bào trong việc tạo không gian thực hành và truyền dạy, tạo điều kiện cả về vật chất và tinh thần để các thế hệ được tiếp cận, duy trì, thực hành nghi lễ, thúc đẩy, nâng cao tự hào về giá trị bản sắc tộc người và tự tin với truyền thống cha ông, tổ tiên đã để lại cho họ.
"Qua các buổi tập huấn dưới sự hướng dẫn của các báo cáo viên và những ngày truyền dạy, cộng đồng đã nhận thức rõ hơn về giá trị di sản mà mình đang nắm giữ, để thêm tự hào và tiếp tục trao truyền, chia sẻ tri thức, kỹ năng liên quan tới các nghi lễ, sinh hoạt văn hóa của cộng đồng trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Từ đó, di sản sẽ trở thành nguồn lực cho du lịch để kết nối cộng đồng và tạo hành trình du lịch di sản, mang lại những lợi ích thiết thực cho cộng đồng chủ thể", ông Đại nhấn mạnh.
Ngoài ra, thông qua việc trực tiếp tham gia thực hiện và triển khai mô hình, sẽ giúp cho các cán bộ văn hóa và cộng đồng nghệ nhân, người thực hành di sản có thêm những kỹ năng về nhận diện, kiểm kê di sản và tự giới thiệu về di sản đồng bào Ê Đê...
Kết nối các cộng đồng
Đại diện cho cộng đồng người Ê Đê nắm giữ di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại xã Ea Tu, nghệ nhân Y Bây (SN 1981, trú tại buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu) cho biết: "Người Ê Đê chúng tôi xưa nay vẫn sử dụng, trình diễn nhạc cụ cồng chiêng. Bởi đó là truyền thống mà cha ông chúng tôi trao truyền lại. Đồng thời là nhu cầu của cộng đồng để mang lại sự thoải mái về tinh thần và vui vẻ cho toàn thể cộng đồng. Cho đến nay, chúng tôi hiểu được cồng chiêng là di sản văn hóa phi vật thể quý giá, không chỉ của người Ê Đê mà của cả 54 dân tộc anh em ở Việt Nam".
Nghệ nhân Y Bây cho biết, thời gian qua, ngoài việc được truyền dạy cồng chiêng, người dân trong các buôn đồng bào dân tộc Ê Đê trên địa bàn xã Ea Tu còn được ngành văn hóa và các cơ quan chuyên môn hướng dẫn cách quay phim, chụp ảnh. Qua đó, tạo điều kiện cho người dân trong các buôn làng giới thiệu không gian văn hóa cồng chiêng đến với du khách.
"Chúng tôi cảm thấy vô cùng tự hào và vinh dự trước sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước dành cho di sản không gian văn hóa cồng chiêng. Điều này không chỉ mang lại động lực cho bà con trong buôn, mà còn nâng cao nhận thức về việc gìn giữ, truyền dạy và thực hành cồng chiêng một cách thường xuyên và bài bản nhằm bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp mà cha ông đã để lại", nghệ nhân Y Bây chia sẻ.
Tại chương trình, đã trưng bày nhiều bức ảnh giới thiệu về không gian văn hóa cồng chiêng do chính các nghệ nhân, người dân trong các cộng đồng dân tộc Ê Đê tại xã Ea Tu chụp lại.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa phi vật thể (Cục Di sản Văn hóa) cho biết, sau một thời gian triển khai mô hình di sản kết nối gắn với hành trình du lịch để phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số có di sản tương đồng tại xã Ea Tu, đến nay đã thu được những kết quả đáng mừng. Trước hết, các nghệ nhân đã truyền dạy được tương đối số lượng bài cồng chiêng cho thế hệ trẻ ở nhiều lứa tuổi. Bên cạnh đó, thông qua mô hình, thế hệ trẻ đã nhận thức sâu sắc hơn, rõ ràng về vai trò, giá trị của di sản cồng chiêng đối với đồng bào dân tộc Ê Đê. Mặt khác, các thế hệ trẻ cũng biết cách giữ gìn không gian văn hóa cồng chiêng. Bởi đó chính là không gian sống, môi trường sinh thái nhân văn, môi trường diễn xướng của di sản và đó cũng chính là đời sống văn hóa của đồng bào Ê Đê.
"Chúng tôi mong muốn thông qua mô hình này có thể kết nối giữa các cộng đồng có cùng di sản văn hóa phi vật thể giống nhau. Đồng thời, kết nối giữa các thế hệ trong cùng một cộng đồng. Qua đó, các cộng đồng tự kể những câu chuyện văn hóa của mình. Hơn ai hết, chính đồng bào người Ê Đê sẽ kể được những câu chuyện về họ hay nhất, thú vị nhất, hấp dẫn nhất, trung thực nhất và sống động nhất. Đây cũng là biện pháp thiết thực, hiệu quả và cũng rất mới mẻ đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng nói riêng và các di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung", Tiến sĩ Trang nhấn mạnh.