Không làm trái quy định
Theo quy định thời gian nghỉ dưỡng sức tối đa là 10 ngày đối với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, còn thời gian nghỉ của người lao động bao nhiêu sẽ do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định
ĐỖ AN KHÊ (quận 12, TP HCM) hỏi: "Sau thời gian điều trị bệnh dài ngày tôi trở lại làm việc nhưng sức khỏe còn rất yếu. Tôi đã làm đơn xin nghỉ theo chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 10 ngày nhưng công ty chỉ duyệt cho tôi nghỉ 5 ngày. Công ty làm vậy có đúng quy định?"
Luật sư TRẦN HỮU TÍN, Trưởng Văn phòng Luật sư Tín và Cộng sự, trả lời: Điều 29, Luật BHXH quy định người lao động (NLĐ) đã nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đủ thời gian trong một năm theo quy định tại điều 26 của luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 5 ngày đến 10 ngày trong một năm. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động (NSDLĐ) và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định. Trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa có Công đoàn cơ sở thì do NSDLĐ quyết định như sau: Tối đa 10 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày; tối đa 7 ngày đối với NLĐ sức khỏe chưa phục hồi sau thời gian ốm đau do phải phẫu thuật; bằng 5 ngày đối với các trường hợp khác. Như vậy, luật chỉ quy định thời gian nghỉ dưỡng sức tối đa là 10 ngày đối với người mắc bệnh cần chữa trị dài ngày, còn thời gian nghỉ của NLĐ bao nhiêu sẽ do NSDLĐ và Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở quyết định. Do đó, công ty của bà An Khê không làm trái quy định.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/khong-lam-trai-quy-dinh-20221010201642067.htm