'Không nên dùng quy định bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn'

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần là vấn đề lớn, phức tạp, nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội khi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) trong sáng 27/5. Có ý kiến cho rằng: 'không nên dùng quy định để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn'.

Chọn phương án không gây xáo trộn trong xã hội

Theo nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội (ĐB), cần đánh giá kỹ, toàn diện, đặc biệt lấy ý kiến người lao động, trong bối cảnh người lao động bị cắt giảm việc như hiện nay.

Có một số ý kiến cho rằng, cả 2 phương án trình đều chưa phải là phương án tối ưu, chưa đáp ứng hết yêu cầu thực tiễn đề ra, tuy nhiên, nhiều ý kiến đồng tình với phương án 1.

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình): Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.

ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình): Phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.

Theo đề xuất tại dự thảo luật, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đối với trường hợp người chưa đủ tuổi hưởng lương hưu, không tiếp tục đóng BHXH, chưa đủ 20 năm đóng BHXH và có yêu cầu nhận BHXH một lần, theo phương án 1 đó là người lao động được chia làm 2 nhóm:

Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi Luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH một lần.

Có ý kiến cho rằng, nhu cầu rút BHXH một lần là nhu cầu của người lao động, không kể thời điểm nào.

Có ĐB đề xuất phương án 3, kết hợp cả 2 phương án để đáp ứng yêu cầu người lao động.

Theo ĐB Trần Khánh Thu (Thái Bình), dự thảo Luật phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Tuy nhiên, ĐB Trần Khánh Thu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, dựa trên những căn cứ khoa học, tính thực tiễn, đánh giá kỹ lưỡng, tính toán cụ thể, tính dự báo cao và pháp điển hóa những quy định về chính sách, pháp luật về BHXH. Bởi vì, dự án Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 11 Chương và 147 Điều, tăng 11 điều mới và chỉnh lý ở hầu hết các điều.

Về điều kiện hưởng BHXH một lần, ĐB Trần Khánh Thu cho rằng, hai phương án được đưa ra trong Dự thảo Luật đều chưa phải là những phương án tối ưu, vì chưa giải quyết triệt để tình trạng hưởng BHXH một lần và tạo được sự đồng thuận cao. Trong đó phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn.

“Để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án 1 cơ bản bảo đảm kế thừa quy định hiện hành, không gây sự xáo trộn trong xã hội, hạn chế được tình trạng một người tham gia BHXH có nhiều lần hưởng BHXH một lần thời gian qua” - ĐB Trần Khánh Thu nhận định.

Nghiên cứu hỗ trợ tín dụng cho người lao động khó khăn

Có ý kiến cho rằng, về lâu dài, người tham gia mới sẽ không còn được hưởng BHXH một lần nên góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy khi tham gia BHXH của mình và giảm gánh nặng cho xã hội.

Đồng thời, hướng dần tới nguyên tắc phổ quát của BHXH là khi có việc làm và thu nhập thì sẽ phải tham gia BHXH để tích lũy cho tương lai khi về già trong bối cảnh già hóa ngày càng gia tăng, trong khi nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân.

Nhiều ĐB quan tâm đến quy định hưởng BHXH một lần trong phiên thảo luận sáng 27/5.

Nhiều ĐB quan tâm đến quy định hưởng BHXH một lần trong phiên thảo luận sáng 27/5.

ĐB Nguyễn Thị Yến Nhi (Bến Tre) bày tỏ quan điểm lựa chọn phương án 1, để đảm bảo hướng đến thực hiện đúng nguyên lý của BHXH và đảm bảo an sinh tuổi già cho người lao động, hạn chế phát sinh phức tạp trong tổ chức thực hiện, phương án này quá trình lấy ý kiến cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ và đây là phương án an toàn hơn.

Nhiều ĐB đồng tình khi cho rằng, thời gian tới, cần có định hướng truyền thông tham gia BHXH để hướng đến có chế độ an sinh bền vững cho người lao động khi ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm y tế, lương hưu khi về già.

Việc khuyến khích tham gia và không hưởng BHXH một lần còn phụ thuộc vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội, lao động - việc làm. Đồng thời, cần nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi với người lao động mất việc làm, bệnh tật... để vượt qua khó khăn trước mắt.

ĐB Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) cho rằng, cần làm rõ những tác động, ảnh hưởng của các chính sách mới tới đời sống người lao động. “Vì đối với họ, chỉ cần một câu, một chữ thay đổi trong văn bản luật được ban hành sẽ quyết định đến cả vấn đề an sinh của cả cuộc đời” - đại biểu Trần Thị Thu Phước nói.

Tuy nhiên, có ý kiến khác với nhiều đại biểu, ĐB Đào Chí Nghĩa (TP. Cần Thơ) lại chọn phương án 2. Theo ĐB, phương án này dù không chấm dứt tình trạng rút BHXH một lần nhưng đảm bảo quyền lựa chọn của người tham gia BHXH giữ chân người lao động tham gia BHXH lâu dài và về lâu dài người lao động sẽ được bảo đảm an sinh xã hội.

ĐB Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) cho rằng phương án 2 như dự thảo luật rất nhân văn, với mục tiêu đảm bảo cho người tham gia có cơ hội tiếp tục tham gia và hưởng chế độ khi đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo ĐB, hiện nay người lao động còn đang rất băn khoăn, lo lắng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH. Để đảm bảo luật đi vào cuộc sống, tránh tình trạng có nhiều ý kiến khác nhau, nên thực hiện theo phương án 1.

“Nhiệm vụ của các cấp các ngành có liên quan cần tăng cường công tác tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích của chính sách BHXH hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng rút BHXH một lần, không nên dùng các quy định của pháp luật để bắt buộc khi người lao động còn băn khoăn” - ĐB Võ Mạnh Sơn nhận định.

Có ý kiến đề nghị cần đánh giá tác động kỹ và lấy ý kiến của người dân trước khi thông qua dự án Luật. Thời điểm thông qua sau khi thực hiện chính sách cải cách tiền lương.

Liệu có nên chấm dứt cho người lao động rút BHXH một lần?

ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, cần hạn chế và tiến tới chấm dứt cho người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, cần tăng cường tuyên truyền lợi ích của BHXH để người lao động nhận biết đây vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ, hỗ trợ họ cả trong thời gian lao động và khi hết tuổi lao động.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/khong-nen-dung-quy-dinh-bat-buoc-khi-nguoi-lao-dong-con-ban-khoan-151647.html